Vẫn khó trong xã hội hóa cấp nước sạch

Thời gian qua, mặc dù tỉnh dành nhiều sự quan tâm trong việc

xã hội hóa đầu tư các công trình cấp nước trên địa bàn nhưng thực tế triển khai cho thấy, công tác này gặp không ít khó khăn.

Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, kiểm tra tình hình sản xuất cung ứng nước sạch của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, tháng 1/2020. Ảnh: Minh Đức

Trong thời gian qua, trên cơ sở các đồ án quy hoạch, các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đô thị, tỉnh đã dành nguồn lực, đồng thời kêu gọi được nhiều nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; các dự án hạ tầng dịch vụ du lịch, thương mại, văn hóa, thể thao, hạ tầng công nghiệp và khu đô thị cao cấp… đã tạo diện mạo mới cho các đô thị, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh, đô thị Quảng Ninh gặp những vấn đề đặt ra như: Hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị đã có bước phát triển nhanh nhưng chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế; nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn, việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội vào lĩnh vực này còn hạn chế.

Để huy động các nguồn lực, thực hiện xã hội hóa cấp nước trên địa bàn, tỉnh đã xây dựng Quy hoạch cấp nước các đô thị và khu công nghiệp, triển khai kế hoạch cấp nước an toàn và công bố danh mục dự án thu hút đầu tư trong lĩnh vực cấp nước trên địa bàn tỉnh; Giới thiệu và xúc tiến các nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu, xây dựng các dự án đầu tư xây dựng hệ thống hồ đập, nhà máy nước theo định hướng quy hoạch chung. Thường xuyên đôn đốc các đơn vị cấp nước triển khai đầu tư hoàn thiện hệ thống cấp nước theo định hướng quy hoạch và kiến nghị của nhân dân. Thực tế, nhiều nhà đầu tư đã nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư các dự án cấp nước cho các đô thị với công suất lớn. Tuy nhiên, do địa bàn tỉnh trải dài, các khu dân cư phân tán, hệ thống đường ống chuyển tải dài… nên không thu hút được sự quan tâm.

Ngoài ra, việc phân quyền quản lý nhà nước về lĩnh vực cấp nước tại khu đô thị và khu vực nông thôn đang gây ra các vướng mắc và xung đột về đầu tư phát triển cấp nước. Hiện nay, yêu cầu về chất lượng dịch vụ cấp nước tại khu vực nông thôn cũng tương đương với khu vực đô thị, nhất là chủ trương của Nhà nước trong việc xây dựng nông thôn mới. Tại khu vực đô thị, phần lớn đã được bao phủ dịch vụ cấp nước, tuy nhiên tại khu vực nông thôn gặp khó khăn trong công tác tiếp cận, xã hội hóa các dự án cấp nước. Bởi các khu vực này có điều kiện địa hình phức tạp, đồng bằng xen lẫn đồi núi, một số khu vực ven biển bãi triều, mật độ dân cư thấp, phân tán, kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn và có sự khác biệt lớn giữa các vùng; nhận thức về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn còn hạn chế...

Đơn cử, thực hiện Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (PforR), hết năm 2019, toàn tỉnh hoàn thành và đưa vào sử dụng 10 công trình cấp nước tập trung, với tổng công suất thiết kế 15.390m3/ngày đêm, đảm bảo cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho trên 90.000 người dân nông thôn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, chỉ có 5/10 công trình được đánh giá đảm bảo hoạt động bền vững. Những công trình còn lại, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch chỉ đạt 30-40%, mức sử dụng nước trung bình rất thấp, dưới 5m3/hộ/tháng. Nguyên nhân được chỉ ra là do người dân vẫn có thói quen sử dụng các nguồn nước tự nhiên, chỉ sử dụng nguồn nước máy khi nguồn nước tự nhiên bị suy giảm.

Tương tự, tại nhiều địa bàn khu vực nông thôn, thời gian qua, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đưa nước sạch đến các khu dân cư, góp phần "xóa trắng" nhiều địa bàn thiếu nước sạch. Nhưng theo đánh giá, tại nhiều địa phương, sản lượng tiêu thụ của người dân rất thấp trong khi suất đầu tư trung bình ở khu vực nông thôn thường cao hơn nhiều so với khu vực thành thị. Thực trạng đáng buồn này gây không ít khó khăn trong việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nước sạch nông thôn trên địa bàn.

Hiện nay, việc cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh (96,162% vốn nhà nước) thực hiện nhiệm vụ cấp nước cho 11/13 đô thị trên địa bàn tỉnh (trừ Bình Liêu và Cô Tô). Các đơn vị: Trung tâm Quản lý nước máy huyện Bình Liêu; Ban quản lý cảng Cô Tô; công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều, Thủy lợi Yên Lập, Thủy lợi Miền Đông với 100% vốn nhà nước thực hiện quản lý, cấp nước theo quy định. Toàn tỉnh hiện chỉ có 1 đơn vị tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này là Công ty CP Đầu tư xây dựng du lịch và thương mại Thẩm Gia. Hiện, công ty thực hiện cấp nước cho 2 xã Minh Châu, Quan Lạn (huyện Vân Đồn).

Trần Thanh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202103/van-kho-trong-xa-hoi-hoa-cap-nuoc-sach-2524083/