Vận hội mới, thách thức mới

75 năm đã qua kể từ mốc lịch sử ngày 2-9-1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và nhân dân toàn thế giới rằng 'Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy…'.

Từ đó tới nay, toàn thể dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lập nên ba kỳ tích mang tính lịch sử.

Từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến, nước ta đã trở thành một quốc gia độc lập, dân chủ; nhân dân ta thoát khỏi thân phận nô lệ, trở thành người tự do.

Từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam trở thành nước đầu tiên trong thế giới thuộc địa giành lại quyền độc lập dân tộc, đánh thắng các thế lực ngoại xâm hùng mạnh, thống nhất giang sơn và ngày nay nổi tiếng là đất nước hòa bình, thân thiện, ổn định, có vị thế quốc tế ngày càng cao ở khu vực và trên thế giới. Thành công gần đây trong công cuộc chống đại dịch COVID-19 là một bằng chứng mới về tính ưu việt của chế độ chính trị - xã hội cũng như tinh thần đoàn kết, nhân văn của dân tộc ta.

Từ một nước nghèo nàn lạc hậu lại bị các cuộc chiến tranh xâm lược liên tiếp tàn phá nặng nề, nhờ thành công trong công cuộc đổi mới toàn diện, Việt Nam trở thành một nước có nền kinh tế phát triển năng động và đạt mức trung bình trong số các nước thu nhập bình quân tính theo đầu người, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới bên ngoài.

Những kỳ tích nổi bật trên tạo nên bệ phóng vững chắc đưa nước ta vươn lên những đỉnh cao mới trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” theo định hướng XHCN mà dịp kỷ niệm 100 năm ngày Tuyên ngôn Độc lập vào năm 2045 sẽ đánh dấu một mốc lớn.

Đương nhiên, con đường đi tới mục tiêu cao đẹp ấy không chỉ có hoa hồng mà còn không ít chông gai, thậm chí cả những mối hiểm nguy. Mặc dầu đã có “của ăn của để”, song nước ta chỉ mới bước qua ngưỡng của một nước có thu nhập bình quân đầu người vào loại trung bình thấp; nguy cơ tụt hậu xa hơn so với nhiều nước ngay trong khu vực vẫn hiện hữu; những nguồn lực phát triển theo chiều rộng như lao động rẻ và “tuổi vàng” không còn nhiều, nguy cơ dân số già đang tới gần, tài nguyên thiên nhiên, kể cả đất đai, nguồn nước không còn dư dật trong khi tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và dịch bệnh trên người và trên động – thực vật ngày càng nghiêm trọng; năng suất lao động và hiệu quả phát triển còn thua kém nhiều nước…

Dù sao đi nữa hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển vẫn là khát vọng của các dân tộc và lợi ích của mọi quốc gia; hội nhập kinh tế, hợp tác đa phương vẫn là ý nguyện của đại đa số các nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển.

Nước ta bước vào kế hoạch 5 năm (2021-2025) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) trong bối cảnh thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng sâu rộng chưa từng thấy trong gần một thế kỷ qua do đại dịch COVID–19 kích hoạt cộng với tác động từ chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn về mọi mặt. Đó là chưa kể những cuộc xung đột, tranh chấp lãnh thổ, trong đó có biển Đông, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống nảy sinh ngày càng nhiều về số lượng, phức tạp về tính chất cũng như những xáo động chính trị - xã hội ở nhiều quốc gia…

Nói như vậy không có nghĩa là thế giới ngày nay chỉ toàn màu xám. Dù sao đi nữa hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển vẫn là khát vọng của các dân tộc và lợi ích của mọi quốc gia; hội nhập kinh tế, hợp tác đa phương vẫn là ý nguyện của đại đa số các nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển.

Ba kỳ tích lịch sử nhân dân ta đã giành được sau 75 năm nước nhà độc lập cộng với những xu thế trên của thế giới chính là những cơ hội thuận lợi tạo điều kiện cho nước ta tiếp tục tiến bước.

Nhân tố quyết định đối với tương lai của dân tộc chính là điều Bác Hồ nhiều lần nhấn mạnh: “Phải trông vào thực lực!”. Thực lực nói ở đây không chỉ hàm ý sức mạnh vật chất về kinh tế và quốc phòng – an ninh mà còn bao gồm nhiều nhân tố tạo nên cái gọi là “sức mạnh mềm”. Đó là tính chính nghĩa, hợp lòng người, thuận thời đại của sự nghiệp chúng ta theo đuổi; đó là ý chí quật cường và tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của toàn dân tộc; đó là đường lối đúng đắn về đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước đã được thử thách qua suốt chiều dài lịch sử; đó là vị thế quốc tế và sự tin cậy của bạn bè quốc tế đối với nhân dân ta, đất nước ta.

Với những hành trang và bảo bối quý giá ấy, nhất định chúng ta sẽ tận dụng được mọi cơ hội, vượt qua được mọi khó khăn, thử thách, tiến tới tương lai tươi sáng hơn!

Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/19-8-van-hoi-moi-thach-thuc-moi-607619/