Văn học viết về chiến tranh thời đổi mới

Đó là tên cuộc hội thảo vừa diễn ra tại Tạp chí Văn nghệ quân đội và do tạp chí này phối hợp với Viện Văn học tổ chức. Không chỉ với đất nước chúng ta, mà ở đâu và thời nào cũng vậy, những tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài chiến tranh đều chiếm một vị trí rất quan trọng, có sức hút rất mạnh mẽ cả những người sáng tác và công chúng thưởng thức.

Bởi chiến tranh là một hiện tượng đặc biệt, bất bình thường, nó đẩy con người vào những hoàn cảnh khốc liệt nhất, những xung đột không khoan nhượng và mang kịch tính cao độ nhất. Trong chiến tranh, con người chịu những thử thách quyết liệt, buộc phải phơi bày tất cả mặt phải và mặt trái của mình, tất cả phẩm chất, tính cách con người đều được hiện lên rõ hơn bất cứ lúc nào. Tôi nghĩ như vậy.

Với đất nước chúng ta, thì đề tài này chiếm vị trí hàng đầu, một “siêu đề tài” như cách nói của nhà văn Chu Lai, bởi một đất nước suốt chiều dài lịch sử luôn phải tiến hành những cuộc chiến tranh giữ nước, riêng trong thế kỷ hai mươi vừa qua, đó là hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với bao gian khổ, hy sinh, với bao mồ hôi xương máu để giành lấy chiến thắng cuối cùng, bảo vệ thành công nền độc lập, tự do của dân tộc.

Tuy nhiên, cũng vì vậy, đây là một đề tài rõ ràng được đào xới lên từ bao năm nay, vừa đạt được những thành tựu đáng kể, vừa nhiều lúc chưa thoát ra khỏi những cách nghĩ, cách cảm và cách viết đã thành lối mòn, do đó, việc đổi mới là một nhu cầu tự thân, nếu muốn tồn tại và phát triển, không thể khác được…

Với ý thức như thế, nhà văn Chu Lai, người đầu tiên trong số các nhà văn có mặt tại hội thảo đã tự nói về những sáng tác của ông, khẳng định lại suy nghĩ của mình về những người viết vốn thực sự đã từng có mặt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, rằng chúng ta không được theo thói quen nhìn chiến tranh chỉ từ một phía có tính sử thi, chỉ hào hùng và lạc quan…, ông chế giễu có người đã viết trong tác phẩm rằng có nhiều người lính đêm trước khi ra trận nằm không ngủ được chỉ mong trời mau sáng để xông ra chiến đấu, ông cười và nói rất thành thực rằng, có lẽ người viết những dòng ấy chưa từng ra trận thì phải… Cho nên, khi nhắc đến cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh (người cũng có mặt trong cuộc hội thảo), ông bênh vực cho nhà văn Bảo Ninh trước cách đánh giá bảo thủ của một số người về tác phẩm này. Nhà văn Chu Lai ví von: "Cả tôi và Bảo Ninh là hai người lính cuối cùng đều tiến đến Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975, nhưng tôi thì vừa tiến vừa hô hào và hò hét, còn Bảo Ninh thì vừa tiến vừa suy tư, ngẫm nghĩ…, nhưng như đã nói, cả hai đều đến đích là Dinh Độc Lập". Một ví von rất chính xác và thú vị. Chính tôi cũng luôn suy nghĩ như vậy, luôn nhìn thấy tính sâu sắc, đa diện của cuốn tiểu thuyết được bạn đọc trong và ngoài nước rất hâm mộ này.

Đến lượt mình, nhà văn Bảo Ninh, một người xưa nay rất kín tiếng, chính tôi cũng ít khi được nghe ông lên tiếng, thì nói ông không hề tỏ ra khiêm tốn khi kể rằng ông viết tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” dạo ấy trước hết là để “nộp quyển”, tức là làm tác phẩm tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du, thế thôi. Ông nghĩ rằng “đổi mới” tự thân là một nhu cầu của mỗi nhà văn, thậm chí của mỗi con người, của cả xã hội ta khi đứng trước sự đổi thay to lớn và không ngừng của cuộc sống. Theo ông, thời đất nước đổi mới và những năm từ 1986 trở đi, nước ta có nhiều tác phẩm văn học rất hay… nhưng chúng ta chưa có cách để chuyển tải chúng đến bạn đọc nước ngoài, nên văn học đổi mới của Việt Nam vẫn ít có tiếng vang trên văn đàn thế giới.

Có một vấn đề đang nổi lên trong sinh hoạt văn học Việt Nam hiện nay là chủ đề về hòa giải, hòa hợp dân tộc khi nhìn nhận, đánh giá các tác phẩm văn học của cả phía bên “ta” lẫn phía bên những nhà văn sống và sáng tác ở miền Nam trong vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát, một việc mà Hội Nhà văn Việt Nam đang cố gắng thực hiện. Về chủ đề thời sự này, một cán bộ nghiên cứu trẻ của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, anh Trần Đắc Trung, người có thời gian sang Mỹ học hỏi và nghiên cứu, đã có bài phát biểu rất giàu tư liệu, xuất phát từ việc đã đọc và nghiên cứu nhiều tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam của các nhà văn Mỹ. Anh cho rằng, cái mà nhà văn hôm nay yêu cầu là người viết phải thâm nhập vào thế giới tinh thần của con người cả hai phía trong cuộc chiến, tác phẩm văn học phải là những diễn ngôn của con người có mặt trong thời đại của mình, dù là con người ở phía nào của cuộc chiến ấy. Một điều có lý, vì văn học như chúng ta biết, đó là tiếng nói của hồn người, cái đích cao nhất của văn học là khám phá con người và phục vụ con người.

Để nhấn mạnh thêm ý tưởng này, đến lượt tôi, tôi đã kể một cách rất tùy hứng và khá sơ lược-vì thời gian có hạn-suy nghĩ của mình về việc đổi mới cách viết về chiến tranh, một điều mà không phải đến bây giờ tôi mới nghĩ đến.

Tôi đã so sánh giữa ba bài thơ của mình viết vào ba thời điểm khác nhau là bài “Cây xấu hổ” viết năm 1972 ngay tại mặt trận Quảng Trị, bài thơ “Vị tướng già” viết năm 1994, và bài thơ “Đùa tặng…” một nhà thơ bạn tôi ở Phan Thiết, vốn là nhà thơ mặc áo lính Quân lực Việt Nam cộng hòa trước năm 1975. Tôi nghĩ rằng bài thơ “Cây xấu hổ” của mình từng được giải thưởng của Báo Văn Nghệ năm 1973 và được nhà thơ Xuân Diệu khen ngợi, mặc dù diễn đạt tâm hồn có thật của tôi vào lúc ấy, có cái tươi xanh và lạc quan rất “học trò, sách vở”, nhưng nó vẫn thiếu một phía thứ hai của chiến tranh là cái gian lao, hiểm nguy và mất mát, tức là phía mà ngày ấy chúng ta cho là tiêu cực và né tránh. Đến bài thơ “Vị tướng già” viết năm 1994, sau một lần tôi may mắn được cùng nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Trần Đăng Khoa đến gặp gỡ, nghe chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia của ông, thì cách nhìn của tôi đã được bổ sung thêm, trong đó có những câu mà khiến một vài bạn đọc cựu chiến binh không thật bằng lòng, như: “Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ/ Nở nụ cười ngơ ngác, thơ ngây…”. Rất may mắn là ngày Đại tướng qua đời, bài thơ này được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc thành công và được vang lên trong sự đón nhận của công chúng, nên mọi người đã hiểu lòng thành của tôi hơn với hình ảnh “vị tướng già”, bởi như tôi đã nói hôm ấy trong một chương trình trên VTV1 là “nếu như với công việc tuyên truyền người ta đi tìm cái anh hùng trong con người bình thường, thì trong văn học nghệ thuật, người ta lại đi tìm cái bình thường trong người anh hùng”. Hai lĩnh vực này không hề chống đối lại nhau, mà là hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Kịp đến bài thơ “Đùa tặng…” một thi sĩ vốn từng ở trong Quân đội Sài Gòn trước năm 1975, thì thú thật nó vẫn là thứ thơ “đùa tặng”, nhưng với cách nhìn mới mẻ của hôm nay. Dĩ nhiên, cuộc hội thảo còn nhiều ý kiến rất bổ ích và lý thú. Hy vọng có dịp sẽ được trò chuyện kỹ lưỡng hơn với bạn đọc.

ANH NGỌC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/van-hoc-viet-ve-chien-tranh-thoi-doi-moi-526392