Văn học vẫn nợ đề tài Công an những tác phẩm lớn

Cuộc thi viêt tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài 'Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống' lần thứ 4 đang đến giai đoạn kết thúc. Cuộc thi đã thu hút một lực lượng đông đảo các nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an tham gia, cho thấy sức hấp dẫn của đề tài 'Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống' đối với văn học nghệ thuật.

Khởi đầu từ cuộc thi lần thứ nhất năm 1999-2002, đến nay cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” đã trải qua 4 lần và thu hút được một lực lượng đông đảo các nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an tham gia. Hơn 20 năm qua, nhiều tác phẩm văn học đã ra đời từ các cuộc thi đó, khắc họa sinh động hình tượng người chiến sĩ Công an. Nhiều tác phẩm văn học, tiểu thuyết và ký đã bước ra khỏi giới hạn của một cuộc thi, có đời sống bền bỉ trong lòng bạn đọc.

Các nhà văn tham gia trại sáng tác tại Quảng Ninh năm 2018.

Các nhà văn tham gia trại sáng tác tại Quảng Ninh năm 2018.

Cuộc thi lần thứ nhất năm 1999-2002 khép lại với những dư âm rất tốt đẹp trong lòng bạn đọc và nhất là đối với các nhà văn. Một mảng đề tài mới mẻ, phong phú được giới thiệu và khuyến khích sáng tác đối với các nhà văn. Nhiều tác phẩm lớn đã ra đời từ cuộc thi này, đó là “Đêm yên tĩnh” của nhà văn Hữu Mai, ký “Phạm Xuân Ẩn, tên người như cuộc đời” của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, “Một thế giới không có đàn bà” của nhà văn Bùi Anh Tấn, “Yêu tinh” của nhà văn Hồ Phương. Theo mạch thắng lợi của cuộc thi lần thứ nhất, tháng 8-2007, Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục tổ chức cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký lần thứ hai giai đoạn 2007-2010.

Cuộc thi góp phần làm giàu có thêm danh mục các tác phẩm xuất sắc về đề tài này, đặc biệt là về việc vận dụng thể loại, đối với ba thể loại: tiểu thuyết tư liệu, tiểu thuyết phản gián-tâm lý xã hội và tiểu thuyết hình sự. Tháng 12-2010, cuộc thi đã khép lại với những kết quả khả quan. Ban Tổ chức đã nhận được 146 tác phẩm dự thi của 128 tác giả.

Điều đáng nói là cuộc thi lần này, ngoài các tác giả gạo cội của lực lượng Công an như nhà văn Nguyễn Như Phong, nguyên Phó Tổng biên tập Báo CAND với tiểu thuyết “Chạy án”, đã xuất hiện những cây bút mới cả trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân, đó là nhà văn Chu Thanh Hương, Công an tỉnh Lạng Sơn với tiểu thuyết “Hoa bay”; nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, Tạp chí Văn nghệ quân đội với “Sát thủ online”, nhà văn Nguyễn Đình Tú, Tạp chí Văn nghệ quân đội với “Phiên bản”, nhà văn Di Li với “Trại hoa đỏ”…

Tháng 6-2012, Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục phát động cuộc thi viết tiểu thuyết và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ 3 với sự đầu tư nhiều công sức và trí tuệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà văn sáng tác.

Các tác phẩm viết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.

Cuộc thi lần thứ 3 đã có rất nhiều tác phẩm tốt, góp phần làm phong phú thêm tác phẩm văn học về đề tài Công an. Nhiều tác phẩm đạt giải cao như tiểu thuyết “Bão ngầm” của nhà văn Đào Trung Hiếu đã được chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình, sân khấu cải lương, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an qua nhiều loại hình nghệ thuật.

2. Phát động từ tháng 8-2017, cuộc thi viết tiểu thuyết và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ 4 đã đến giai đoạn tổng kết. Ban Tổ chức đã nhận được 50 bản thảo. Trong đó có 43 tiểu thuyết, 4 truyện dài, 3 truyện ký. Các tác phẩm lần này tập trung chủ yếu ở thể loại tiểu thuyết. Mục đích chủ đạo của cuộc thi lần này là tìm kiếm cây viết mới, đặc biệt là các cây viết trong lực lượng CAND.

Thực tế cho thấy đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” đã và đang là đề tài hấp dẫn, được nhiều người đọc quan tâm và cũng được nhiều cây bút với nhiều thành phần, lứa tuổi quan tâm khai thác. Sau 4 lần tổ chức thi đã gặt hái được nhiều thành công tốt đẹp. Nhiều đoàn, nhiều nhà văn đi thâm nhập thực tế ở các đơn vị và Công an địa phương.

Tiểu thuyết “Hoa bay” của nhà văn Chu Thanh Hương được giải A trong cuộc thi lần 2.

Nhiều hồ sơ lưu trữ được mở ra, nhiều sự kiện được những cán bộ Công an lão thành với tư cách là người trong cuộc kể lại. Các vụ án, chuyên án thành công của lực lượng CAND trong hơn 75 năm qua đã được các nhà văn khai thác, sáng tạo thành tác phẩm văn học có giá trị như: chuyên án chống phỉ và phản động ở Hà Giang năm 1959 có tác phẩm “Bên kia cổng trời” của nhà văn Ngôn Vĩnh; “Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot dInville” của nhà văn Văn Phan viết về chiến công của người nữ anh hùng CAND cùng với tổ công tác của mình đã lập chiến công ở biển Sầm Sơn; chuyên án chống gián điệp, biệt kích PI27 được tái hiện đầy hấp dẫn trong tác phẩm “Yêu tinh” của nhà văn Hồ Phương; Chuyên án CM12 có tác phẩm “Đêm yên tĩnh” của nhà văn Hữu Mai; “Mật danh AZ” của nhà văn Phạm Thanh Khương viết về chuyên án BK63 gián điệp biệt kích ở Quảng Ninh. “Cổ cồn trắng” của nhà văn Như Phong viết về những vụ án kinh tế điển hình,…

Nhưng kết quả lớn nhất đáng ghi nhận đó là thông qua các cuộc thi, các nhà văn và bạn đọc đã hiểu biết và thông cảm với nhiều lĩnh vực hoạt động của lực lượng Công an nhân dân. Qua sự hiểu biết, thông cảm đó, niềm tin của nhân dân với lực lượng Công an nhân dân ngày một nâng cao và từ đó hợp tác cùng với lực lượng Công an nhân dân bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Thông qua các tác phẩm văn học, truyện tư liệu và ký sẽ giúp cho bạn đọc hiểu được cuộc sống chiến đấu, sự hy sinh thầm lặng, gương chiến đấu dũng cảm, mưu trí của những cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, những chiến công của quần chúng nhân dân trên lĩnh vực bảo vệ an ninh chính trị và đảm bảo trật tự án toàn xã hội; cảnh báo những âm mưu thủ đoạn hành động của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, lên án những thói hư, tật xấu, những tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào xã hội, xâm nhập vào từng con người, từng gia đình để cùng hợp lực đấu tranh chống lại cái ác, giữ bình yên cho cuộc sống.

Các tác phẩm văn học khắc họa đậm nét hình ảnh “Con người công an” trong các tác phẩm. Sự hưởng ứng của các nhà văn Việt Nam cũng thể hiện tình cảm yêu mến, gắn bó của nhà văn với lực lượng Công an và ngược lại qua cuộc thi các nhà văn cũng được lãnh đạo Bộ Công an quan tâm, in và sử dụng những tác phẩm có chất lượng của mình.

Tiểu thuyết “Bão ngầm” của nhà văn Đào Trung Hiếu được giải A cuộc thi lần thứ 3.

Là người gắn bó nhiều năm với các cuộc thi trong vai trò giám khảo, nhà văn Ma Văn Kháng khẳng định văn học về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống là một mảng đề tài quan trọng, một bộ phận cấu thành nền văn học cách mạng của chúng ta. Hiển nhiên không có đề tài thì không có tác phẩm nghệ thuật và cũng hiển nhiên rằng, ngoài đề tài, cùng với đề tài, hơn cả đề tài còn có nhiều yếu tố khác tạo nên giá trị của tác phẩm. Những tác phẩm văn học về đề tài này cần cho sự phát triển trí tuệ, tình cảm, tâm lý của bạn đọc và như vậy, viết sách về đề tài này, viết hay là thực hiện một thỏa ước ngầm của nhà văn với xã hội, với bạn đọc.

Đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” luôn là một đề tài hấp dẫn đối với văn học nghệ thuật. Qua 4 lần tổ chức thi viết tiểu thuyết và ký đã góp phần định hình một đội ngũ các nhà văn sáng tác về đề tài này, góp phần khắc họa những vẻ đẹp đời thường, những “Con người Công an”, những người chiến sĩ- nghệ sĩ.

Cuộc thi lần này, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống của lực lượng Công an sẽ là một dấu mốc đang nhớ, với sự xuất hiện của nhiều cây bút mới, hy vọng sẽ góp thêm tiếng nói có giá trị trên văn đàn. Bởi như nhà thơ Hữu Việt chia sẻ: “Chúng ta, văn học nghệ thuật, vẫn nợ đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống những tác phẩm lớn”.

Linh Nguyễn

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/van-hoc-van-no-de-tai-cong-an-nhung-tac-pham-lon-608504/