Văn học trinh thám hiện đại: Kỳ vọng ở đội ngũ trẻ

Ngày 9/9 vừa qua, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn ra buổi tọa đàm 'Văn học trinh thám hiện đại: Giao thoa Đông và Tây' do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với công ty sách Liên Việt và công ty sách Linh Lan cùng đơn vị đồng hành K+ tổ chức.

Sự kiện này được thực hiện với sự tham gia của cây bút hàng đầu về thể tài trinh thám đương đại là nữ nhà văn Di Li và nhà văn trẻ Đức Anh nhân dịp nhà văn trinh thám Nauy Oystein Torsrud sang giao lưu với độc giả khi tiểu thuyết "Cơn bão" của ông được phát hành tại Việt Nam.

Văn học trinh thám hiện đại trong sự giao thoa Đông và Tây

Oystein Torsrud là tiểu thuyết gia trinh thám người Na Uy. Ông tốt nghiệp ngành Kỹ thuật cơ khí và là một kỹ sư hàng hải, từng làm việc tại các vị trí cấp cao trong lĩnh vực dầu khí. Công việc này kéo dài khoảng hơn 40 năm, cho đến khi ông nghỉ hưu. Ông bắt đầu sự nghiệp khá muộn khi đã kết thúc công việc của một kỹ sư, tuy nhiên vẫn sở hữu hàng chục đầu sách, tiêu biểu nhất là bộ truyện xoay quanh nhân vật cảnh sát điều tra Sivert Olafsen. Các tác phẩm theo chân nhân vật Sivert từ một ông già cáu kỉnh trở thành người cố vấn thân thiện cho những tân binh trẻ tuổi.

Từ trái qua phải: nhà văn Di Li, Đức Anh và nhà văn người Na Uy Oystein Torsrud tại buổi tọa đàm về văn học trinh thám tổ chức tại Hội Nhà văn Việt Nam.

Từ trái qua phải: nhà văn Di Li, Đức Anh và nhà văn người Na Uy Oystein Torsrud tại buổi tọa đàm về văn học trinh thám tổ chức tại Hội Nhà văn Việt Nam.

Những đầu sách của ông được viết trực tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Na Uy bao gồm "Bí ẩn đằng sau cơn bão", "Tội ác số", "Mariana", "Những dữ liệu bị đánh tráo", "Âm mưu", "Trang trại gió", "Thanh tra", "Hàng lậu"… Với tác phẩm "Cơn bão", lần đầu tiên tác phẩm trinh thám của Oystein Torsrud được chuyển ngữ và giới thiệu tại Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, trả lời câu hỏi vì sao một đất nước có quy mô dân số nhỏ như Na Uy, chỉ với hơn 5 triệu dân nhưng số lượng phát hành một đầu sách trinh thám lên tới 300 ngàn bản, nhà văn Oystein Torsrud nói: "Tại châu Âu, trước và sau khi xuất bản, NXB luôn biết cách tạo ra sự hấp dẫn của cuốn sách mới ra. Điều đó tạo nên động lực cho các nhà văn mong muốn tạo ra những tác phẩm bán chạy nhất. Có tác giả phải đến đầu sách thứ 84 mới tạo ra một tác phẩm bán chạy, có người phải mất đến 20 năm mới ra đời được cuốn sách như thế. Vì thế, số tác giả có lượng phát hành 1 triệu bản là rất ít ở một đất nước chỉ có 5,5 triệu người như Na Uy…".

Có thể nói, đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra kết hợp tổ chức một chương trình tọa đàm về văn học trinh thám. Điều này như một sự ghi nhận sự tồn tại và những đóng góp của văn học trinh thám trong dòng chảy của văn học hiện đại, đem lại sự hứng khởi cho những người cầm bút chuyên nghiệp.

Theo nhà văn trẻ Đức Anh: "Ở Việt Nam, có hẳn những diễn đàn trinh thám mà điển hình là "Hội thích truyện trinh thám" với gần 4 vạn thành viên. Số lượng các nhà văn viết trinh thám cũng ngày càng tăng lên, tỉ lệ thuận với số đầu sách trinh thám được chuyển ngữ và in ấn tại Việt Nam cũng như sự gia tăng người đọc trinh thám. Sự ảnh hưởng của văn học trinh thám phương Tây đối với văn học trinh thám Việt Nam ngay từ khi còn manh nha cho đến hiện đại cũng là điều dễ hiểu, vì trinh thám Việt Nam xuất hiện khá muộn. Tuy nhiên, điều khó khăn đối với các nhà văn trẻ bây giờ, đó là làm sao thoát khỏi sự ảnh hưởng sâu sắc của trinh thám phương Tây để sáng tạo ra những tác phẩm, những câu chuyện thuần Việt, của người Việt Nam…".

Còn nhà văn Di Li - một cây bút trinh thám của Việt Nam hiện nay cho rằng: "Dòng văn học trinh thám ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung trước giờ không phát triển bằng văn học trinh thám phương Tây. Lý do rất đơn giản, vì văn học trinh thám là thể loại giả tưởng. Nó huy động trí tưởng tượng gần như tuyệt đối và trí tưởng tượng không phải là lợi thế của người châu Á. Chính vì thế lượng người đọc truyện trinh thám ở Việt Nam cũng không phải là nhiều so với quy mô dân số hiện có, mà chỉ nhiều hơn trước kia thôi. Di Li trước đây cũng là một độc giả trinh thám, vì quá yêu thích đọc trinh thám mà trở thành một người viết trinh thám…". Nhà văn Di Li cũng tin tưởng rằng, với sự tham gia ngày càng đông đảo của đội ngũ người viết truyện trinh thám, trong tương lai văn học trinh thám Việt Nam sẽ có vị thế mới, có bản sắc riêng.

Sẽ là "sân chơi" của tác giả trẻ?

Ở Việt Nam, đầu thế kỷ XX, đã xuất hiện những bản dịch của tác phẩm văn học trinh thám đến từ Trung Quốc như "Long đồ kỳ án" (1906), "Bao Công kỳ án" (1925). Tác phẩm văn học trinh thám do người Việt Nam sáng tạo nên đã bắt đầu nhen nhóm từ những năm 1930 của thế kỷ trước với sự xuất hiện của những nhà văn như: Phạm Cao Củng với các tác phẩm "Vết tay trên trần", "Cái gia tài họ Đặng", "Máu đỏ lòng son", "Chiếc tất nhuộm bùn", "Người một mắt", "Nhà sư thọt", series "Thám tử Kỳ Phát"; Thế Lữ với các tác phẩm "Vàng và máu", series "Thám tử Lê Phong", "Gói thuốc lá"…; Bùi Huy Phồn với "Lá huyết thư", "Mối thù truyền kiếp", "Gan dạ đàn bà", "Tờ di chúc"...

Một số tác phẩm trinh thám tiêu biểu của các nhà văn Việt Nam đương đại.

Từ sau 1945, do bối cảnh lịch sử và đòi hỏi mới về một nền văn học cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dòng văn học trinh thám vốn nặng về tính giải trí đã có thời gian dài bị "đứt gãy". Cho đến giai đoạn sau hòa bình lập lại (1975), mới bắt đầu có sự xuất hiện trở lại của những tác phẩm văn học trinh thám (thường được gọi là tiểu thuyết tình báo) với một số tác phẩm nổi danh như "Ông cố vấn" của Hữu Mai, "X30 phá lưới" của Đặng Thanh, "Ván bài lật ngửa" của Nguyễn Trường Thiên Lý, "Vị tướng tình báo và hai bà vợ" của Nguyễn Trần Thiết... Sau những năm 1990, cùng với "cuộc đổ bộ" của tiểu thuyết trinh thám đến từ nước ngoài thực sự đã khiến văn học trinh thám của Việt Nam gần như "mất dấu" trong một khoảng thời gian dài trước khi có sự xuất hiện của một lứa nhà văn trẻ đương đại.

Với tiểu thuyết trinh thám đầu tay "Trại hoa đỏ", nữ nhà văn Di Li được coi là người đánh dấu sự trở lại của dòng văn học trinh thám sau nhiều năm bị ngắt quãng, sau đó Di Li tiếp tục cho ra mắt tiểu thuyết "Câu lạc bộ số 7". Với 2 tiểu thuyết trinh thám ăn khách, được in và tái bản nhiều lần với lượng phát hành vài vạn bản, hiện "Trại hoa đỏ" được dựng thành phim truyền hình và đã được phát sóng trên nền tảng K+ hồi tháng 7-2022, còn "Câu lạc bộ số 7" đang ở giai đoạn làm kịch bản. Nhà văn Di Li không chỉ là người đặt dấu mốc cho sự "hồi sinh" thể loại văn học trinh thám mà còn là một ví dụ điển hình cho sự thành công khi mạo hiểm dấn thân vào văn học trinh thám. Hiện nay, nữ nhà văn Di Li đang hoàn thiện tiểu thuyết trinh thám thứ 3 của mình có tên "Hầm tuyết" để sớm ra mắt độc giả.

Hiện nay, số lượng các nhà văn viết trinh thám ngày càng tăng lên, tỷ lệ thuận với sự gia tăng những người đọc trinh thám. Những cái tên nhà văn dấn thân vào đề tài trinh thám có thể kể tới như: Nguyễn Xuân Thủy với các tiểu thuyết trinh thám - hình sự "Sát thủ online" (Tác phẩm đạt giải A cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện ngắn và ký của Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, đã được chuyển thể thành phim), "Có tiếng người trong gió" viết về tội ác buôn bán nội tạng trẻ em; Nguyễn Đình Tú với "Hồ sơ một tử tù", "Phiên bản", "Cô Mặc Sầu"; Giản Tư Hải với "Ổ buôn người", "Mật mã Chăm-pa", "Minh Mạng mật chỉ"; Đức Anh với "Thiên thần mù sương", "Đảo bạo bệnh"…

Nói về tương lai của văn học trinh thám, tại buổi tọa đàm "Văn học trinh thám hiện đại: Giao lưu Đông và Tây", nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã nhấn mạnh: "Tôi cho rằng, người Việt Nam hầu hết đều thích những câu truyện trinh thám. Tôi nhớ khi xưa còn nhỏ, tôi rất thích nghe chương trình "Kể chuyện cảnh giác" chứa đựng trong đó tinh thần của truyện trinh thám. Ở Việt Nam, số lượng sách văn học trinh thám quá ít ỏi, lực lượng người viết cũng còn rất ít. Tới đây, có thể Hội Nhà văn Việt Nam sẽ kết hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức một cuộc thi văn học trinh thám…".

Với sự tham gia của ngày càng đông đảo lực lượng người viết trẻ, sung sức, sẵn sàng dấn thân, thử nghiệm với dòng văn học trinh thám và sự quan tâm của hội chuyên ngành, chắc chắn trong tương lai gần, văn học trinh thám Việt Nam sẽ có một sắc diện mới với nhiều câu chuyện mới. Đây thực sự là một tín hiệu vui cho văn học trinh thám Việt Nam hiện đại.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/van-hoc-trinh-tham-hien-dai-ky-vong-o-doi-ngu-tre-i667608/