Văn học thiếu nhi, khoảng trống đang được lấp đầy

Trẻ nhỏ đọc sách gì? Đây có lẽ là câu hỏi không hề dễ với các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, xây dựng thói quen đọc sách mới là điều quan trọng. Để trẻ nhỏ mê đọc sách, ngoài không gian, thói quen, cảm hứng thì điều cần nhất chính là những cuốn sách hay phù hợp với lứa tuổi, với xu hướng đọc đương thời.

Tìm được cuốn sách hay là lựa chọn thú vị của thiếu nhi trong mùa hè.

Những tín hiệu vui

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 4, năm 2021 đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của sách thiếu nhi. Minh chứng là có tới 7 giải được trao cho mảng sách này (1 giải A, 4 giải B, 2 giải C).

Một trong hai tác phẩm đoạt giải A của năm 2021 thuộc về cuốn sách thiếu nhi “Chang hoang dã - Gấu”. Đây là một cuốn Artbook (sách nghệ thuật) do nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn thực hiện phần kể chuyện. Đi cùng nội dung hấp dẫn, cuốn sách còn gây ấn tượng mạnh mẽ với 120 bức tranh vẽ tay bằng màu nước của họa sĩ Jeet Zdung. Tác phẩm là thông điệp mạnh mẽ về giá trị của thiên nhiên, sự sống của trái đất và muôn loài. Cuốn sách cũng là câu chuyện lan tỏa cảm hứng, khích lệ những trái tim nhỏ bé dám dấn thân thực hiện ước mơ, khát vọng của mình ngoài việc bảo vệ thiên nhiên.

Ngoài “Chang hoang dã - Gấu”, “Lướt cùng Tí Địa Lí” của hai tác giả trẻ Xuân Đài và Uyên Trương cũng đã để lại ấn tượng không kém với sự thể hiện mới lạ, tính sáng tạo của người làm sách trong thời đại 4.0. Nếu trước đây, bạn đọc nhí chỉ được xem tranh, học, đọc chữ trên mặt giấy thì “Lướt cùng Tí Địa Lí” sử dụng những tấm bảng scan đặc biệt lướt trên từng trang sách giúp tạo ra những chuyển động như con tàu chạy, dòng sông trôi, ruộng bậc thang dập dìu gió, sóng nước Hạ Long vỗ, đèn trên sông Hương, sông Hàn và phố cổ Hội An nhấp nháy.

Ghi chép lại những câu chuyện của hai đứa cháu, Nguyễn Quang Thiều đã mang đến cho độc giả những cung bậc cảm xúc trong trẻo, hồn nhiên về tình cảm ông cháu, sự gắn kết các thành viên trong đại gia đình thông qua “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya” (giải B). Từ đó, nhắn nhủ tới độc giả thông điệp về lẽ sống biết yêu thương mọi người xung quanh và phải giữ cho mình nền tảng giá trị gia đình truyền thống. Đó là nơi sẽ luôn chở che, yêu thương con người ta vô hạn.

Bên cạnh giải thưởng Sách Quốc gia, giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn vừa đi qua 3 mùa nhưng đã để lại những ấn tượng nhất định. Dù không có tác phẩm xuất sắc như tiểu thuyết “Đi trốn”, bộ sách tranh “Khác biệt mới tuyệt làm sao”, truyện tranh “Ly & Chũn” của năm 2021, nhưng mùa giải 2022 đã tạo nên một bức tranh chung về văn học nghệ thuật “của thiếu nhi”, hoặc “vì thiếu nhi”. Trong số 60 bản thảo và 29 tác phẩm đã công bố hoặc xuất bản, nhiều bản thảo, tác phẩm có chất lượng cao. Là một trong những tác giả đoạt giải Khát vọng Dế Mèn, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy (tác giả bản thảo “Đu đưa trên ngọn cây bàng”) chia sẻ, khi bắt tay vào viết, chị được truyền cảm hứng từ chính các con trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Không gian gia đình khi ấy đã làm sống lại trong tác giả quãng đời tuổi thơ.

Một trong những tủ sách hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi, đó là Kẹp Hạt Dẻ. Khởi đầu từ năm 2015 với hai cuốn sách “Lad” chuyển ngữ được hàng trăm nghìn người đón nhận, đến nay, tủ sách Kẹp Hạt Dẻ đã có hơn 84 dịch phẩm. Mỗi bộ sách là những câu chuyện đầy ý nghĩa, trong đó, những câu chuyện về các con vật đáng yêu được nhân cách hóa nhẹ nhàng gần gũi với trẻ nhỏ. Điều mà người sáng lập tủ sách mong muốn là: trẻ em cũng giống những chú sóc thông minh và tinh nghịch, còn những cuốn sách chính là hạt dẻ chứa tinh hoa trí tuệ của nhân loại bên trong lớp vỏ cứng. Sau một thời gian, trẻ sẽ có thể “kẹp” vỡ lớp vỏ này và nhận lấy phần “nhân” là kiến thức phong phú.

Trong kỷ nguyên 4.0, trí tuệ, cảm xúc và hành động của con người bị chi phối khá nhiều bởi các thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, điều kỳ diệu mà sách mang lại và làm được chính là lôi những đứa trẻ ra khỏi thế giới ảo, giúp chúng tìm thấy niềm vui, cảm hứng và tình yêu nơi những trang sách giàu tính nhân văn.

Và sự tham gia của các em nhỏ

Điểm đặc sắc và ấn tượng nhất của giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn là sự tham gia của các tác giả đang độ tuổi thiếu nhi, thậm chí có em mới 9 tuổi. Nhà thơ “thần đồng” Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ sau lễ trao giải: “Thời chúng tôi có cả dàn nhà thơ nhí, nhưng hiện giờ không có. Giải thưởng lần này đã có sự tham gia của các em bé viết văn. Đó là điều rất đáng khuyến khích, bởi có các em tham gia thì chúng ta có nền văn học đương đại, có những tác giả trong tương lai”.

Nếu năm 2020 vinh danh Nguyễn Đới Chung Anh (sinh năm 2010), năm 2021 là họa sĩ nhí Xèo Chu (sinh năm 2007) với chùm tranh vẽ về thiên nhiên và cuộc sống xung quanh, thể hiện cái nhìn trong trẻo, thuần khiết đến mức “vô nhiễm”, thì năm 2022, Nguyễn Vũ An Băng (sinh năm 2013) trở thành thí sinh nhỏ tuổi nhất đoạt giải với bản thảo gồm 4 truyện đồng thoại trong veo và đầy bất ngờ.

Với sự xuất hiện của các tác giả nhí, giải thưởng Thiếu nhi Dế mèn đã tạo nên một hiệu ứng tốt trong việc kích thích sự đồng cảm, sẻ chia và sáng tạo.

Không chỉ là thơ, truyện ngắn, có những em còn tham gia cùng người lớn trong vai trò là họa sĩ minh họa các cuốn sách tranh hoặc dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Có em còn viết tiểu thuyết giả tưởng dài 3 tập, dày hàng trăm trang, dựng lên một thế giới nghệ thuật đồ sộ. Có em còn viết truyện trực tiếp bằng tiếng Anh sau đó tự dịch ra tiếng Việt để in sách song ngữ Việt - Anh, xác lập nên một kỷ lục đẹp trong đời sống văn học thiếu nhi vừa qua.

Để sách thiếu nhi vươn xa

Không chỉ được nhìn nhận đúng tầm, nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi trong vài năm trở lại đây đã vượt khuôn khổ quốc gia để đến với bạn đọc quốc tế. Sau khi xuất bản tại thị trường trong nước, cuốn tranh truyện “Chang hoang dã - Gấu” đã được bán bản quyền cho nhà xuất bản Pan Macmillan của Anh và nhượng quyền sang 5 quốc gia. “Đúng là Tết - This is Tết” cũng đã được bán bản quyền để xuất bản song ngữ tại Đức và đang trong quá trình thương thảo để xuất bản tại Pháp.

Để những cuốn sách của mình đến với nhiều độc giả hơn nữa, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã tiếp cận với hình thức sách nói. Bởi đây là điều cần thiết mang đến trải nghiệm mới cho những ai yêu sách. Ngoài ra, để tác phẩm vươn ra khỏi biên giới, sau “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” được phát hành bản tiếng Hàn vào năm 2013, “Tôi là Bêtô” cũng vừa xong phần chuyển ngữ tiếng Hàn và chờ xuất bản. Ông khẳng định: “Tôi tin văn chương không chỉ đem lại mỹ cảm mà đó còn là một phương tiện tuyệt vời để khám phá một vùng đất, thấu hiểu một quốc gia và cảm mến một dân tộc. Đó là lý do tôi hy vọng những cuốn sách của nhà văn Việt Nam sẽ giúp bạn đọc quốc tế thêm yêu mến con người và đất nước chúng ta”.

Không chỉ có các cá nhân hay công ty sách, Hội Nhà văn Việt Nam với quyết tâm đưa văn học thiếu nhi trở thành mảng trọng điểm, đã có giải thưởng chính thức trao riêng biệt cho sách văn học thiếu nhi, thành lập Hội đồng văn học thiếu nhi. Ngoài ra, sẽ có những đầu tư đặc biệt cho các nhà văn có những đề cương tốt nhất cho văn học thiếu nhi; tạo ra các “sân chơi văn học” để thiếu nhi có cơ hội viết về mình và bạn bè mình từ đó sàng lọc ra lực lượng sáng tác trẻ tuổi kế cận có tính chất lâu dài.

Đã từ lâu, văn học thiếu nhi bị mặc định là một khoảng trống lớn cần được lấp đầy, là phần “yếm thế” của văn chương Việt. Tuy nhiên vài ba năm gần đây với sự xuất hiện của những cuộc thi có uy tín, những quyết tâm xây dựng một nền văn học thiếu nhi, chúng ta đã nhìn thấy những tín hiệu vui. Đặc biệt, nhiều tác phẩm thiếu nhi có ấn bản lớn, một số cây viết mới đã được vinh danh, và hơn hết trên thị trường sách quốc tế đã bắt đầu có những cuốn sách với chủ đề xoay quanh thế giới thiếu nhi Việt Nam.

Bài và ảnh: Kiều Huyền

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/van-hoc-thieu-nhi-khoang-trong-dang-duoc-lap-day/24167.htm