Văn học nghệ thuật và sức mạnh kết nối các miền di sản

Một vần thơ hay làm lay động lòng người; một nốt nhạc ngân vang đủ sức dệt nên bao cung bậc cảm xúc. Sức mạnh của văn học nghệ thuật (VHNT) chính nằm ở khả năng tác động vào mỗi cá nhân, cộng đồng thông qua những rung động tinh tế của cảm xúc, nhận thức bởi tâm hồn. Các sản phẩm sáng tạo của VHNT, bản thân nó vốn đã là một di sản văn hóa phi vật thể hàm chứa giá trị sâu sắc nhưng hơn tất thảy, nó còn có khả năng kết nối, nâng tầm giá trị những di sản khác.

Các tác phẩm ảnh nghệ thuật tiêu biểu của nghệ sĩ 5 vùng kinh đô được lựa chọn trưng bày tại Triển lãm ảnh nghệ thuật 5 vùng kinh đô (Phú Thọ – Hà Nội – Ninh Bình – Thanh Hóa – Thừa Thiên Huế) với chủ đề “Kết nối các miền di sản”.

Giáo trình Lý luận Văn học (tập I) do Trần Đình Sử (chủ biên) nhận định: “Đối tượng của văn học là toàn bộ thế giới trong tính cụ thể, sinh động, toàn vẹn. Văn học không phân môn biệt loại thế giới bằng sự trừu tượng như các nhà khoa học mà tái hiện nó trong trạng thái toàn vẹn như các giác quan con người cảm nhận được... Trong các hình thái ý thức xã hội duy nhất chỉ có VHNT thể hiện đời sống dưới dạng cụ thể, cảm tính, toàn vẹn như vậy”. Thông qua vẻ đẹp của ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh, VHNT thổi hồn vào di sản, khiến cho chúng hiện diện rõ nét như vốn có đời sống riêng để rồi cùng hội tụ, kết thành mạch nguồn văn hóa chảy mãi suốt mấy ngàn năm lịch sử. Nhờ có VHNT mà con người có thể nhận thấy giá trị thẩm mỹ, giá trị nhân văn sâu sắc trong những cạnh khía tưởng chừng như vô hình, rất khó nắm bắt; từ đó đánh thức bản chất nghệ sĩ và niềm say mê sáng tạo vốn có. Quan trọng hơn tất thảy, chính trạng thái thẩm mỹ và sự tác động vào khả năng nhận thức giúp VHNT khơi gợi lên tư tưởng, tình cảm, nâng đỡ nhân cách con người.

Điều này lý giải vì sao, ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ vẫn kiên trì, bền bỉ sáng tạo, cho ra mắt bạn đọc công trình khoa học công phu, chất lượng: “Tinh hoa văn hóa xứ Thanh”. Ngay từ những lời nói đầu của cuốn sách, tác giả đã có sự định hướng rất rõ ràng: “Tinh hoa văn hóa xứ Thanh” không phải lịch sử tiến trình phát triển văn hóa hay truyền thống văn hóa xứ Thanh. Đây là công trình nghiên cứu những thành tựu về nhiều mặt: Lịch sử, kinh tế, xã hội, kiến thiết làng xã, nghệ thuật kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo, ca nhạc... những tinh hoa, cốt lõi nhất, in đậm dấu ấn sắc thái Thanh Hóa của bốn mươi vạn năm văn hóa xứ Thanh” – “miền di sản” đặc sắc.

Lật dở từng chương của cuốn sách, người đọc có cảm giác như đang đồng hành, dõi theo những bước chân của người Lạc Việt Cửu Chân (ngày nay mang danh Thanh Hóa) từ giai đoạn người vượn – vượn người đứng thẳng lên bằng hai chân và bắt đầu mở ra những thời kỳ phát triển. Trên hành trình phát triển ấy, những người con xứ Thanh – bằng bàn tay, khối óc đã cùng nhau bồi đắp, chắt chiu thành những di sản văn hóa đặc sắc. Đó là di chỉ khảo cổ học núi Đọ, núi Rùa và hệ thống núi “đàn em” như: Núi Nuông, núi Nổ, núi Quân Yên... Chúng được ví như “những trang sử đá chứng minh lịch sử hình thành và phát triển của loài người đã có từ rất sớm trên mảnh đất xứ Thanh này”. Những công trình tuyệt xảo như trống đồng và nhiều đồ đồng khác tại di chỉ khảo cổ học văn hóa Đông Sơn chứng tỏ “kỹ thuật luyện kim thời Đông Sơn – sông Mã lên cao tới độ nhiều dân tộc hiện nay đứng vào hàng văn minh nhất thế giới, lúc bấy giờ cũng chưa sánh nổi”. Sự thăng hoa rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn khiến “châu Âu cổ đại đã phải quay mặt về phương Đông”. Âm vang của trống đồng Đông Sơn lúc xung trận có sức mạnh kinh hồn bạt vía quân thù nhưng giữa lòng nhân dân, âm vang ấy đại diện cho khát vọng về cuộc sống yên bình, no đủ, nhân ái, chan hòa: “Từ nền văn hóa nguyên thủy tối cổ núi Đọ đến văn minh Đông Sơn, quê hương trống đồng Việt Nam, khẳng định xứ Thanh một miền văn hóa lớn trải dài bốn mươi vạn năm lịch sử”.

Tinh hoa văn hóa xứ Thanh đâu chỉ dừng lại ở đó. Mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này còn có “Những áng sử thi”, “Giáp xưa Bối Lý”, “Kẻ Sắp – Khả Lập”, “Dấu tích vua Hồ”, “Gia miêu quý hương”, “Kinh thành Tây đô”, “Âm vang cồng chiêng”, “Múa hát chèo chải”, “Tú huần – múa đèn”, “Tiếng hò sông Mã”, “Cội nguồn ca trù”, “Đạo mẫu tam phủ”, “Văn chương xuất chúng”... Với việc điểm mặt, gọi tên một cách có hệ thống, khoa học những nét đặc trưng tiêu biểu in đậm dấu ấn sắc thái xứ Thanh, cuốn sách không chỉ cho người đọc hình dung khái quát, tổng hợp về bức tranh đa sắc đa màu của “miền di sản xứ Thanh” mà hơn hết, nó cho thấy nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, “kho tàng” tri thức rộng lớn của tác giả. Kết nối các miền di sản ấy lại, dụng công bày biện thông qua những con chữ, tác giả đã lan tỏa niềm yêu thương, tự hào, trân trọng đối với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước tới đông đảo thế hệ bạn đọc: “Xứ Thanh cùng Việt Nam, với cả nhân loại cắm những cái mốc lịch sử vĩ đại, đánh dấu những chặng đường tiến lên, từ trong đêm dài tối cổ bước ra thế giới tràn ngập ánh sáng đất trời, biển khơi. Tổ tiên, ông bà chúng ta là chủ nhân của những nền văn hóa lớn nổi tiếng, để lại cho con cháu kho tàng tài sản giàu có vô giá. Từ cái nôi của nền văn hóa cổ, các thế hệ nối tiếp các thế hệ trên miền đất xứ Thanh bồi đắp, mở mang, phát triển cho mặt trời Đông Sơn ngày càng chói lọi, rực rỡ, cho nền văn minh sông Mã thêm lấp lánh”.

Trên hành trình kết nối các miền di sản sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc đến những đóng góp to lớn của nghệ thuật nhiếp ảnh. Vượt ra khỏi giới hạn chật hẹp, cách trở về mặt thời gian và không gian, từ năm 2010 đến nay, việc tổ chức các cuộc giao lưu, gặp gỡ giữa các nghệ sĩ của 5 vùng kinh đô (Phú Thọ - Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế) đã trở thành hoạt động thường niên, hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vừa qua, tại Thanh Hóa, Triển lãm ảnh nghệ thuật 5 vùng kinh đô được tổ chức long trọng với chủ đề “Kết nối các miền di sản”. Triển lãm trưng bày hàng trăm bức ảnh mang sắc thái đặc trưng vùng miền và dấu ấn sáng tạo của tác giả. Thông qua triển lãm, đông đảo văn nghệ sĩ thuộc các hội VHNT 5 vùng kinh đô có dịp về đây tụ hội, mang theo những nét riêng văn hóa đặc sắc, nhân lên niềm tự hào về vùng đất, con người và văn hiến của các vùng kinh đô xưa và nay giao thoa cùng sắc thái quyến rũ của văn hóa xứ Thanh; từ đó góp phần làm nên tầm vóc văn hóa Việt Nam. Triển lãm không phải là cuộc thi giành giải thưởng mà tựa hồ như điểm hẹn văn hóa gần gũi, thân tình, nơi phô diễn nét đẹp, tài năng của đất và người 5 vùng kinh đô. Trong khuôn khổ triển lãm, tọa đàm “Ảnh nghệ thuật 5 vùng kinh đô “kết nối các miền di sản”” được tổ chức nhằm tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ được thảo luận, đóng góp ý kiến về sự cần thiết kết nối, liên kết góp phần tạo động lực làm nên sức mạnh chung của 5 vùng kinh đô. Các hoạt động tại triển lãm góp phần nâng cao chất lượng ảnh nghệ thuật và khẳng định ý nghĩa thiết thực của các tác phẩm VHNT với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tạo nên chất liệu cho sự phát triển của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung, nhất là trên phương diện phát triển văn hóa, du lịch.

Di sản văn hóa là nguồn lực nội sinh quý giá mà nếu biết khai thác, phát huy có hiệu quả, nó sẽ biết “trả vàng trả bạc”. Cùng với các lĩnh vực khác, VHNT đã, đang và sẽ là một trong những nhân tố đóng góp tích cực vào công cuộc tuyên truyền, quảng bá, phát huy hiệu quả nguồn lực ấy. Sức mạnh của VHNT được xây dựng nên từ những chủ thể sáng tạo nên nó – những người nghệ sĩ tài năng trong phút giây thăng hoa nhất của cảm xúc, trí tuệ. Vì vậy, thiết nghĩ, để VHNT tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, đội ngũ văn nghệ sĩ phải là những người tiên phong sáng tạo. Bên cạnh đó, chính sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành, các cấp là nguồn động viên to lớn giúp VHNT vững bước đi lên, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

Nguyên Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/van-hoc-nghe-thuat-va-suc-manh-ket-noi-cac-mien-di-san/115404.htm