Văn học kỳ ảo Việt Nam: Nhiều người đi mới thành đường

Tuần qua, talkshow về chủ đề 'Văn học Fantasy ở Việt Nam' và ra mắt tiểu thuyết 'Bãi săn'- tiểu thuyết thứ 11 của nhà văn Nguyễn Đình Tú - đã gây được sự chú ý của độc giả Hà Nội.

Tiểu thuyết "Bãi săn"của nhà văn Nguyễn Đình Tú đánh dấu sự chuyển hướng sang mảng văn học Fantasy, tức văn học kỳ ảo, dường như chính là sự khẳng định sức hút của thể loại văn học này đối với những cây bút đã thành danh nay muốn làm mới mình.

Đồng thời, sau một thời gian khoảng 10 năm với những bước đi chập chững, điều này còn khẳng định những nỗ lực "phải đi mới thành đường" của những cây bút trẻ ưa đổi mới, khám phá.

Nguyễn Đình Tú là nhà văn đã trở nên quen thuộc với độc giả Việt Nam với các tiểu thuyết được viết theo lối truyền thống được nhiều người biết đến như "Hồ sơ một tử tù", "Phiên bản", "Xác phàm"... Với tiểu thuyết "Bãi săn", nhà văn Nguyễn Đình Tú đã có một bước chuyển ngoạn mục khi bước chân vào thế giới văn học kỳ ảo.

"Bãi săn" gồm 2 phần, sau phần 1 có tên "Giếng cổ" vừa ra mắt, bản thảo của phần 2 với tên gọi "Phản đồ" cũng vừa hoàn thiện và dự kiến sẽ ra mắt độc giả vào mùa hè năm nay. Nội dung của "Bãi săn" được xây dựng đan xen giữa không gian mộng và thực, quá khứ và hiện tại một cách khéo léo, lồng trong một cốt truyện kỳ ảo với câu chuyện về "Phường săn", "Thợ săn" và những cuộc truy đuổi, tiêu diệt "con mồi".

Nhà văn Nguyễn Đình Tú (thứ 2 từ phải sang) trong buổi talkshow về chủ đề "Văn học Fantasy ở Việt Nam" và ra mắt tiểu thuyết "Bãi săn" của anh.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú (thứ 2 từ phải sang) trong buổi talkshow về chủ đề "Văn học Fantasy ở Việt Nam" và ra mắt tiểu thuyết "Bãi săn" của anh.

Theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Đình Tú, thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm vào tác phẩm văn học kỳ ảo đầu tiên này của mình, đó chính là phép ẩn dụ so sánh: "Cuộc đời dường như là một bãi săn mà ở đó con người lúc nào cũng như đang săn đuổi nhau. Và con người ta cần có đủ trí tuệ để đứng cao hơn phe phái và các cuộc chiến để có cuộc sống bình yên...".

Ở "Bãi săn", nhà văn Nguyễn Đình Tú đã mở ra một mê cung vừa chân thực, vừa huyền ảo khi đưa thời gian - không gian lùi về khoảnh khắc mà hàng ngàn năm trước xuất hiện ngôi trường bên cạnh Quốc Tử Giám, ngay sát thành Thăng Long chuyên đào luyện phù thủy, đạo sĩ với sứ mệnh "trừ ma, diệt quỷ, hàng yêu, yểm quái, giữ gìn long mạch quốc gia".

Bên cạnh việc xây dựng nội dung, tình tiết có yếu tố giải trí hấp dẫn, phù hợp với giới trẻ, điểm độc đáo tạo nên sự khác biệt của "Bãi săn" chính ở việc tác giả đã tạo nên mạch lịch sử xuyên suốt trong tác phẩm bắt đầu từ triều đại nhà Lý cho đến ngày nay.

Sự kết hợp giữa lịch sử - văn hóa - văn học - tôn giáo - văn học dân gian trong bối cảnh thế giới hiện đại - giả tưởng đã tạo nên sức hút của "Bãi săn" và có vẻ như đã trở thành lối đi mới cho nhà văn Nguyễn Đình Tú, góp phần quan trọng vào việc tạo nên diện mạo cho dòng văn học kỳ ảo thuần Việt vốn được xem là mảnh đất vẫn còn bỏ ngỏ.

Trên thế giới, văn học kỳ ảo đã có lịch sử hàng trăm năm, có vị thế nhất định trong dòng chảy chung của văn học với nhiều tác phẩm được yêu thích trên quy mô toàn thế giới. Nhiều tiểu thuyết lớn đã được chuyển thể thành phim như "Phù thủy xứ Oz", "Alis ở xứ sở diệu kỳ", "Piter Pan", "Harry Potter", "Biên niên sử Narnia"...

Nhưng theo một số ý kiến đưa ra gần đây tại những buổi talkshow - ra mắt sách về thể tài này, thì văn học Fantasy (hay còn gọi là văn học kỳ ảo, văn học thần diệu, văn học huyễn tưởng...) mặc dù đã có sự xuất hiện của một số tác giả, nhận được sự quan tâm nhất định của độc giả nhưng vẫn chưa thể thành "một dòng" được.

Mặt khác, nó còn bị coi là dòng văn học giải trí kiểu bình dân, thứ cấp nên kể cả người viết lẫn độc giả vẫn có sự dè dặt, "vừa làm vừa nghe". Có thể nói, từ khi các tập "Harry Potter" của nhà văn J.K.Rowling làm mưa làm gió trên khắp thế giới và xâm nhập vào Việt Nam, dòng văn học Fantasy của thế giới bắt đầu có những ảnh hưởng đặc biệt đối với độc giả Việt Nam, trong đó có cả những nhà văn chuyên nghiệp và bắt đầu có sự phát triển mạnh hơn trong giới trẻ.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ rằng, ông bắt tay vào viết cuốn văn học kỳ ảo "Chuyện xứ LangBiang" của mình cũng là bởi ông bị sự hấp dẫn của "Harry Potter" dẫn dụ và ông có mong muốn viết nên bộ truyện mang màu sắc văn học kỳ ảo của Việt Nam, dành cho độc giả Việt Nam.

Và Nguyễn Nhật Ánh đã thực sự thành công khi "Chuyện xứ LangBiang" (4 tập) đã cuốn hút được rất nhiều bạn đọc trẻ và tác phẩm đã được tái bản nhiều lần. Nhưng cho đến nay, tên tuổi ghi được dấu ấn đậm nét nhất đối với độc giả ở dòng văn học kỳ ảo, đó chính là nhà văn Phan Hồn Nhiên. Nhà văn Phan Hồn Nhiên với chùm tác phẩm "Những đôi mắt lạnh", "Chuỗi hạt Azoth", "Xuyên thấm", "Máu hiếm" đã trở thành nhà văn có những bước dấn thân mạnh mẽ và kiên định với thể tài này, trở thành một cái tên không thể không nhắc tới khi nói đến văn học kỳ ảo.

Ngoài ra, có một số tên tuổi khác cũng xuất hiện lác đác trong một số cuộc thi viết văn trẻ như "Văn học tuổi 20" lần thứ V -2014 như Nhật Phi với "Người ngủ thuê", Phạm Bá Diệp với "Urem - Người đang mơ"... Mặc dù, trong cuộc thi viết "Văn học tuổi 20" lần thứ VI (2018), đã có hàng chục tác phẩm thuộc thể loại văn học kỳ ảo lọt vào chung khảo, nhưng số lượng người viết thể loại văn học này ở Việt Nam hiện nay vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Một số tác phẩm Văn học Fantasy dành cho thiếu nhi đã được NXB Kim Đồng ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi.

Với các tập "Harry Potter" lần lượt ra đời và được bạn đọc cả thế giới, trong đó có Việt Nam chờ đón, những người quan tâm đến văn học, các NXB trong nước đều nhận ra sự thiếu hụt của dòng văn học kỳ ảo mang màu sắc Việt Nam.

Chính vì thế, từ trước năm 2010 đã có một cuộc thi mang tên "Bước qua hai thế giới" do NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn Đan Mạch phối hợp với Hội nhà văn Hà Nội tổ chức với mong muốn hướng người sáng tác đến với thế giới của sự tưởng tượng, huyền ảo.

Kết thúc cuộc thi với một số tác phẩm đã được trao giải thưởng nhưng có vẻ như đến nay người ta chỉ còn nhớ đến tác phẩm "Vương quốc tàn lụi" của nhà văn Trần Đức Tiến - một cây bút có nhiều tác phẩm dành cho tuổi thơ được các em nhỏ và các các bậc phụ huynh yêu thích.

Đến giữa năm 2017, chùm tác phẩm văn học kỳ ảo dành cho thiếu nhi được NXB Kim Đồng ấn hành và giới thiệu rộng rãi đến độc giả đó là: "Những người bạn của Kathy" của Thu Hà, "Những hốc nhà bí hiểm" của Hàn Băng Vũ, "Nhóc tì nhà rối rắm" của Nguyễn Thị Kim Ngân. Có lẽ đây chính là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự hình thành rõ nét hơn cho diện mạo những tác phẩm văn học kỳ ảo tập trung vào đối tượng độc giả là thiếu nhi và các bạn trẻ.

Có thể nhiều người vẫn còn nhớ, khi tiểu thuyết đầu tay của cậu bé 10 tuổi Nguyễn Bình (con trai nhà văn Nguyễn Hòa) với tên gọi "Cuộc chiến với hành tinh Fantom" ra đời, đã rất nhiều người ngạc nhiên, thích thú và đã gọi cậu bé là "thần đồng tiểu thuyết" với những kỳ vọng cậu bé sẽ lại cho ra mắt những cuốn sách tiếp theo.

"Cuộc chiến với hành tinh Fantom" chính là một tác phẩm văn học kỳ ảo thực thụ và gây được sự chú ý, được nhiều bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích, song có vẻ thời điểm năm 2011 khi cuốn tiểu thuyết này ra đời, văn học kỳ ảo Việt mới chỉ có một vài "viên gạch" và nó chưa tạo được sự chú ý bởi chưa có những "vệt tác phẩm kỳ ảo" như khoảng thời gian 5-7 năm lại đây.

Nhiều người quan tâm đến thể tài văn học này vẫn tỏ ý mong chờ cậu bé Nguyễn Bình thần đồng ngày nào sẽ sớm có tác phẩm tiếp theo để khẳng định sức sống của thể loại truyện kỳ ảo - thể loại truyện được cho là có tính giải trí lành mạnh, có khả năng lan truyền sự hứng thú, giải phóng sức tưởng tượng, nâng con người lên khỏi cuộc sống đời thường.

Tại talkshow về chủ đề "Văn học Fantasy ở Việt Nam", một số nhà phê bình văn học và diễn giả đều cho rằng, các tác giả trẻ khi theo đuổi văn học kỳ ảo của Việt Nam dường như đều bị ảnh hưởng khá sâu đậm bởi các tác phẩm văn học kỳ ảo của nước ngoài chứ chưa thực sự có được lối đi cho riêng mình và mang màu sắc bản địa.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu, Tiến sĩ Đoàn Minh Tâm đều cho rằng, việc nhà văn Nguyễn Đình Tú tạo nên một tác phẩm văn học kỳ ảo mang đậm màu sắc Việt Nam với những trang viết hết sức gần gũi, tái hiện không gian Phật giáo đời Lý hay tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa của Việt Nam trong tác phẩm của mình là một tín hiệu rất đáng vui mừng, cần được cổ vũ và mở ra hướng đi mới cho văn học fantasy.

Bởi vì, xét đến cùng, còn gì tuyệt vời hơn khi một tác phẩm ngoài việc mang đến cho bạn đọc sự thư giãn, giải trí mà còn chứa đựng trong đó những chiều kích văn hóa - lịch sử - tôn giáo mang đậm sắc màu của dân tộc mình.

Nguyệt Hà

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/van-hoc-ky-ao-viet-nam-nhieu-nguoi-di-moi-thanh-duong-534717/