Văn hóa và thương hiệu yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp phát triển

Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu bằng các hoạt động hằng ngày, cố gắng tạo ra sự khác biệt cho hình tượng sản phẩm, sự độc đáo trong văn hóa của họ tới khách hàng và công chúng.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: P.V

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: P.V

Doanh nghiệp khởi nghiệp chưa có tiền làm thương hiệu

Ngày 11/9 tại Hà Nội, Báo Văn hóa phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức chức Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp (DN) và Phát triển thương hiệu”.

Năm nay, trong bối cảnh không ít DN lao đao vì dịch bệnh, văn hóa DN và phát triển thương hiệu càng cho thấy ý nghĩa và tác động thiết thực đến sự tồn tại bền vững của mỗi DN. Môi trường văn hóa của DN có ý nghĩa tác động quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên và việc sử dụng đội ngũ lao động, giúp DN trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ. Trên cơ sở đó, hình thành tâm lý chung và lòng tin vào sự thành công của DN.

Làm sao để văn hóa DN không còn là khẩu hiệu? Trả lời câu hỏi này, theo nhiều doanh nhân, văn hóa DN chính là sức mạnh để mỗi DN có thể lớn mạnh, trưởng thành và vượt qua sóng gió. Tuy nhiên, đối với không ít DN hiện nay, xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh lại là vấn đề không đơn giản. Trên thực tế, có đến hơn 80% các DN khởi nghiệp nghĩ rằng họ chưa có tiền nên chưa làm thương hiệu. Theo giới chuyên gia, các DN hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu bằng các hoạt động hằng ngày, cố gắng tạo ra sự khác biệt cho hình tượng sản phẩm, sự độc đáo trong văn hóa của họ tới khách hàng và công chúng.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn chiến lược CSCI Indochina cho rằng: “Thương hiệu được hình thành từ cách hành xử, ứng xử của con người trong công ty. Cách hành xử, ứng xử phụ thuộc vào cách những con người ấy tư duy. Cách tư duy phụ thuộc vào văn hóa của công ty, của đất nước ấy. Vì thế, văn hóa là nền tảng của thương hiệu và ảnh hưởng sâu sắc tới sức cạnh tranh của DN”.

Theo ông Thành, điều quan trọng với người làm marketing là phải đảm bảo và lên kế hoạch để khách hàng trở thành một bộ phận chủ động trong chiến lược, chứ không phải là những cá thể bị động chỉ biết đón nhận những hoạt động truyền thông hay tài trợ. Không phải là một thương hiệu nào đó, không phải những con robot hiện đại mà chính những con người trong công ty là đối tượng mang sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng. Chính họ sẽ tạo nên “định vị thương hiệu”, tương tác với khách hàng ở mọi điểm chạm, với sự xóa nhòa về khoảng cách không gian, thời gian nhờ vào không gian mạng. Mỗi nhân viên thực sự là một đại sứ thương hiệu, dù muốn hay không của công ty.

Văn hóa tạo sức mạnh DN trong kỷ nguyên 4.0

Ông Lê Quang Vũ, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần phát triển nội dung Blue C cho hay, ngay trong bối cảnh có nhiều khó khăn vì dịch bệnh, sự chung tay gánh vác trách nhiệm với cộng đồng của nhiều DN chính là một cách khẳng định thương hiệu, chinh phục niềm tin từ phía khách hàng.

PGS.TS Dương Thị Liễu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa DN Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh đề cập vấn đề xây dựng văn hóa DN thời 4.0 cho rằng, khi công nghệ phát triển nhảy vọt, robot và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế sức người trên nhiều lĩnh vực, nhưng không thể thay thế con người bởi những giá trị đặc trưng là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối...

Theo PGS.TS Dương Thị Liễu, văn hóa DN là một trong những công cụ quan trọng nhất của lãnh đạo DN trong việc quản lý điều hành, là yếu tố căn bản trong công tác quản trị DN để dẫn dắt sự phát triển bền vững trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Văn hóa DN là bản sắc riêng, là tư tưởng và niềm tin phát triển của DN. Đó luôn là năng lực cạnh tranh và sức mạnh riêng có để các DN phát triển mạnh, bền vững, không chỉ trong hiện tại mà đặc biệt là trong kỷ nguyên 4.0.

PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học BCSI, chuyên gia tư vấn thương hiệu cho biết trong nhiều cách nhìn nhận về thương hiệu, có một phần mà nhiều DN thường bỏ qua, đó là sự cảm nhận từ phía khách hàng. Lâu nay, các DN thường chỉ quan tâm đến các yếu tố liên quan đến chất lượng sản phẩm như độ bền, hình thức..., trong khi chất lượng của các dịch vụ đi kèm thì ít được quan tâm. “Văn hóa DN không tồn tại độc lập mà len lỏi trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình kinh doanh, từng ngày từng giờ tác động đến hoạt động của DN. Một DN không thể vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả để quảng bá cho thương hiệu, logo của mình”, PGS Thịnh lưu ý.

Hồng Quyên

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2020-09-11/van-hoa-va-thuong-hieu-yeu-to-cot-loi-de-doanh-nghiep-phat-trien-92157.aspx