Văn hóa ứng xử giao thông: Sai lầm từ 'cái tôi cá nhân'

Tối muộn ngày 28-9-2018, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một đoạn clip gây chú ý, trong đó là hình ảnh người phụ nữ trẻ ăn mặc tươm tất, lượn hai vòng quanh chiếc xe hơi màu đen đang đỗ tại phường Yên Sở, Hà Nội dùng đồ vật gì đó trên tay để cào xước sơn chiếc xe. Chiếc xe bị xước tương đối sâu, với dự đoán chi phí hoàn nguyên không hề rẻ.

Thông tin chú thích được đăng tải kèm với đoạn phim clip kể trên có nội dung: "Ngày hôm nay (28-9), trên đường đi về nhà, có một xe ô tô đi ngược chiều vào đường cấm, đối đầu với xe tôi (tôi đi đúng làn đường của mình). Sau đó, đồng chí cảnh sát giao thông đến giải quyết, bắt xe của người phụ nữ đó lùi lại để trả đường cho tôi. Khi tôi vào nhà quay ra thì người phụ nữ ngồi ghế phụ của xe vi phạm đã xuống cào xước toàn bộ xe của tôi (như trong clip)".

Không ít người dùng một hành vi sai trái để điều chỉnh một cái sai khác là phá hoại tài sản người khác.

Vậy là phần nào câu chuyện đã được sáng tỏ. Nếu đúng sự việc tuần tự diễn ra như vậy, có lẽ đây là một hành động trả thù nhỏ nhen cần lên án, thậm chí theo ý kiến của luật sư thì thiệt hại tài sản là đáng kể, có thể xử lý hình sự.

Tại nhiều đô thị Việt Nam có mật độ giao thông vô cùng lớn, nhất là tại giờ cao điểm. Với tình trạng như vậy, chỉ cần những vi phạm luật giao thông nhỏ cũng có thể gây ùn ứ như đi sai làn đường hay dừng đỗ không đúng nơi qui định. Có thể khẳng định ý thức tham gia giao thông hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, một phần nhờ vào các diễn đàn trên mạng Internet bàn luận, đăng tải, trao đổi và lên án những hành vi vi phạm hoặc vô văn hóa trên đường. Đó là những tài liệu sống động để tất cả phải nhìn vào tự rút kinh nghiệm hoặc kiểm soát hành vi, mọi thứ có thể bị phơi bày.

Song hành với đó, cộng đồng cũng đang ngày càng nghiêm khắc hơn với những hành vi vi phạm, ví dụ như việc đi lấn làn đường sẽ thường không nhận được bất kể sự thông cảm nào mà họ quyết tâm bắt người vi phạm quay trở lại làn của mình như bài học.

Nhưng cũng không ít người dám đối diện với cái sai của mình mà quay ra hậm hực, chửi bới, cà khịa hoặc hèn hạ hơn là có hành vi trả thù. Hàng trăm đoạn clip được quay bởi camera hành trình những cảnh tài xế mở cửa xe, hung hăng chửi bới, cà khịa người đi đúng luật. Nhưng hành vi được cho là trả thù như phần mở đầu bài viết này thì là lần đầu tiên và kinh ngạc hơn được thực hiện bởi một người phụ nữ mà cách ăn mặc có phần sành điệu.

Có thể do tâm lý ức chế khi tham gia giao thông với mật độ cao, ùn ứ liên tục cũng gây ra nhiều bức xúc và chỉ trong tích tắc thiếu kiềm chế có thể dẫn đến những hành vi vô văn hóa như chửi bới, cà khịa đánh nhau bất chấp đúng sai.

Thế nhưng không ít người dùng cái sai để điều chỉnh một cái sai khác. Ví dụ như tự "xử lý" việc đỗ xe chẳng hạn. Với tình trạng chỗ đỗ xe ngày càng hiếm hoi trong thành phố, việc đỗ xe bừa bãi gây không ít bức xúc cho người dân. Trong sự bức bí chỗ đỗ, chuyện dừng đỗ ô tô không đúng chỗ, gây cản trở đến sinh hoạt chung của người dân từ lâu đã trở thành vấn đề tương đối nghiêm trọng.

Với một số người, việc sở hữu một chiếc xe hơi đắt tiền có vẻ như luôn dễ dàng hơn trang bị cho bản thân ý thức, văn hóa giao thông, một số khác thể hiện sự vô ý thức và ích kỉ khiến những người xung quanh thực sự khó chịu. Từ cái sai người khác người ta đối xử với nhau cũng không còn lịch lãm khi trả đũa các tài xế bằng nhiều cách không khoan nhượng.

Có người lựa chọn cách thức nhắc nhở nhẹ nhàng bằng cách cài tờ giấy lên kính lái xe, nhằm nhắc nhở tài xế lần sau đỗ xe có ý thức hơn, tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của người khác. Tuy nhiên, nhiều người khác lại chọn cách cực đoan hơn như viết, vẽ bằng bút xóa, sơn hay vạch tô vít lên xe bằng ngôn từ nặng nề, thậm chí chửi tài xế.

Có thể nói cộng đồng đang nỗ lực, cố gắng xây dựng văn hóa giao thông để tất cả chúng ta có thêm cơ hội được an toàn hơn, đi lại nhanh chóng cũng như không gánh những cảm giác nặng nề khi ra đường. Điều này chắc chắn cần thiết sự chung tay, ý thức của từng người.

Từ lâu việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia xem là biện pháp quan trọng nhất nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên để hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành, đặc biệt trước hết là người tham gia giao thông. Nói một cách tổng thể, văn hóa khi tham gia giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông.

Phía trước tay lái là sự sống, và ngoài ra mọi hành vi nóng giận hay cư xử thiếu chuẩn mực đều có thể dẫn con người ta vào vòng lao lý bởi những sự việc hoàn toàn có thể giải quyết bằng lời xin lỗi hoặc nụ cười.

Minh Trí

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/van-hoa-ung-xu-giao-thong-sai-lam-tu-cai-toi-ca-nhan-513325/