Văn hóa từ tên con đường

Thanh Hóa tọa lạc trên vùng đất cổ - với vô số trầm tích văn hóa đã lắng đọng trong từng thớ đất, mỗi mạch sông và thấm cả vào từng trang sử hình thành, tồn tại và phát triển của thành phố bên bờ sông Mã. Thế nhưng, nói đến khởi nguyên hình thành nên đô thị này, có lẽ phải bắt đầu từ Hạc Thành.

Một tuyến đường chạy dọc sông Mã được chỉnh trang thông thoáng, sạch đẹp.

Năm 1804, vua Gia Long ra chỉ dụ dời trấn thành Thanh Hoa từ làng Dương Xá (xã Thiệu Dương) về làng Thọ Hạc. Làng Thọ Hạc (lúc bấy giờ thuộc huyện Đông Sơn) được chọn để xây dựng Trấn lỵ. Sử sách đánh giá rằng, việc chọn Thọ Hạc làm nơi đặt tỉnh lỵ là một quyết định đúng đắn của nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Bởi, khác với các địa điểm đặt lỵ sở trước đây, Thọ Hạc nằm ngay trên trục đường bộ chính, nối liền hai miền Nam – Bắc và là đầu mối giao thông thuận lợi. “Con đường thiên lý” này giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đi lại của cư dân, binh lính, cũng như vận chuyển lương thực, hàng hóa vào thời bình và quân lương, vũ khí khi xảy ra chiến sự. Từ tỉnh lỵ có nhiều đường tỏa ra nối liền các phủ, huyện trong tỉnh, tới các châu lỵ miền rừng núi phía Tây và thông thương ra các tỉnh phía Bắc, vào phía Nam, sang Lào. Ngoài ra, mạng lưới đường thủy cũng rất thuận tiện, khi đây là nơi gặp gỡ của nhiều sông lớn nhỏ gồm sông Lễ (sông Hải Hán), sông Mã và sông Bồn Giang (một nhánh của sông Chu).

Tháng 7 năm Giáp Tý (1804), do bão lụt, nhà vua cho bãi việc quân dân lấy đá xây Trấn thành. Đến năm Minh Mạng thứ 9 (năm 1828) mới khởi công xây dựng Trấn thành bằng gạch, đá. Năm đó được mùa nên việc xây dựng Trấn thành có nhiều thuận lợi, chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn thành. Theo thuyết phong thủy thì Trấn thành được xây dựng trên lưng chim Hạc. Vậy nên thành mới có tên là Hạc Thành. Lúc dời từ Dương Xá về Thọ Hạc, ngoài đất thôn Thọ Hạc, nhà Nguyễn còn cắt thêm đất các thôn Phú Cốc, Mật Sơn và chia thành hai giáp là Đông Phố và Nam Phố. Giáp Đông Phố có 10 ấp gồm Văn Trường, Đông Trường, Tiền Nghĩa, Hậu Thành, Đông Lân, Đông Lạc, Tả Biên, Phú Mỹ, Hữu Biên, Bắc Biên. Giáp Nam Phố có 7 ấp gồm Tây Lý, Hữu Môn, Tiền Môn, Nhân Lý, Đông Lý, Nam Lý, Đông Thành. Sau khi Trấn thành được xây dựng, không chỉ mở mang thêm đất đai, nhà cửa, đường sá, chợ búa mà còn hình thành nên những phường nghề thủ công, được tập hợp lại thành các phố Hàng Thao (làm nón quai thao), Hàng Đồng (buôn bán đồ đồng), Hàng Than, Hàng Thêu, Lò Chum...

Những tên đất, tên làng, tên đường, tên phố và những phường nghề được gọi tên, gắn liền với sự ra đời của Hạc Thành giờ đã trở thành một phần lịch sử - văn hóa thành phố, cũng chính là sợi dây gắn kết thành phố trẻ với Hạc Thành hơn 200 năm tuổi. Từng có dịp trao đổi với ông Lê Đức Nghi (nguyên Phó Ban lịch sử Đảng của thị xã Thanh Hóa, thời kỳ từ 1968 – 1988) về việc đặt tên đường, phố, chúng tôi được biết, ngay từ thời Pháp thuộc, nhiều đường phố của thị xã Thanh Hóa đã được người Pháp đặt tên. Lúc bấy giờ cả thị xã có chừng 25 đường, phố. Nổi bật trong đó là đại lộ Tòa sứ (đoạn từ chợ Vườn Hoa đến Tượng đài Lê Lợi ngày nay), đường Ruy Paurbert (đoạn từ công an thành phố đến bưu điện), đường Grandrue (đoạn từ bưu điện đến đường Nguyễn Trãi)... Sau Cách mạng Tháng Tám, qua mấy lần đổi tên mà tên đường, tên phố của thành phố mới định hình và ổn định cho đến hôm nay.

Mục đích của việc đặt tên cho các con đường, tuyến phố, trước hết là nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước hay giao dịch hành chính - xã hội. Tuy nhiên, xét dưới khía cạnh muốn tạo ra “bản sắc” riêng cho đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa thì tên đường, phố cũng phải phần nào phản ánh được những nét đặc trưng riêng của xứ Thanh. Điều này đã được xem xét đến, thông qua việc sử dụng tên các danh nhân, anh hùng dân tộc là người Thanh Hóa. Điển hình trong đó là các nhân vật trong khởi nghĩa Lam Sơn như Lê Lợi, Lê Lai, Lê Khôi, Trần Nguyên Hãn... Cùng với đó còn có cách đặt tên khá thú vị, đó là gắn liền những nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng lớn là các bà hoàng hậu, thái hậu. Chẳng hạn, song song với Đại lộ Lê Lợi là đường Trịnh Thị Ngọc Lữ; song song với đường Lý Thánh Tông là đường Ỷ Lan hoặc song song với đường Quang Trung là đường Lê Ngọc Hân...

TP Thanh Hóa ngày nay đã và đang được mở rộng địa giới hành chính, với nhiều khu dân cư, khu đô thị mới hình thành. Nhiều xóm làng cũng theo đó mà bỗng dưng hóa phố. Thế nhưng, vẫn còn một số làng vẫn giữ được đôi phần “vốn cổ” của Hạc Thành xưa qua tên gọi. Ví như đường Thọ Hạc, đường Đông Tác, đường Đông Sơn, đường Quảng Xá, đường Mật Sơn, đường Tạnh Xá... Trong giai đoạn từ 1994 – 2010, thành phố đã tiến hành 5 lần đặt tên đường, phố cho 523 tuyến đường, phố, ngõ. Cùng với tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, hệ thống giao thông cũng phát triển ngày càng đa dạng. Nhiều tuyến đường mới được xây dựng, nhiều tuyến đường nhỏ được nâng cấp, mở rộng, thông tuyến. Được biết, thành phố hiện còn khoảng 500 đường, phố chưa được đặt tên. Các tên đường, tên phố này đang được người dân gọi theo thói quen. Do vậy, việc đặt tên, đổi tên các tuyến đường, phố hiện rất cần được quan tâm, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị hiện đại, cũng là xứng với diện mạo đô thị loại I.

Nếu tên đường, tên phố ban đầu chỉ là cách giúp phân biệt các tuyến đường, tuyến phố. Nhưng qua thời gian, con đường ấy đã gắn bó mật thiết với đời sống, cũng trở thành một nhân chứng về sự đổi thay của thành phố. Vì vậy mà, tên gọi của nó - cũng vốn là danh xưng của các danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc - dần trở thành một tín hiệu văn hóa lấp lánh, góp phần làm nên diện mạo văn hóa - văn minh cho thành phố trẻ.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/van-hoa-tu-ten-con-duong/110434.htm