Văn hóa tham gia giao thông: Chỉ văn hóa khi phải 'trả giá'!

Việc xây dựng văn hóa giao thông ở nước ta đã trở thành định hướng và mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như một giải pháp quan trọng để hạn chế thực trạng tai nạn giao thông hiện nay. Tuy nhiên, trước hàng loạt vụ vi phạm giao thông nghiêm trọng thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc không thể chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu với những tính từ cảm thán!

Vụ việc dậy sóng dư luận những ngày vừa qua khi chiếc xe container BKS 72C - 121.80 đã quay đầu và đi ngược chiều để vào lối rẽ nút giao QL10 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Hàng loạt ôtô khác phải phanh gấp và xếp hàng dài chờ chiếc container này. Việc làm của tài xế container được đánh giá là vô cùng nguy hiểm, tai nạn thảm khốc có thể xảy ra nếu các ôtô khác không xử lý kịp khi đang đi với tốc độ lên tới 120 km/h. Tuy nhiên, mức phạt giành cho lái xe này là bị CSGT lập biên bản, xử phạt 7 triệu đồng và giữ bằng lái trong 5 tháng.

Theo Ban quản lý tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng lái xe liều lĩnh quay đầu, đi ngược chiều trên tuyến cao tốc này. Trước đó, vào hồi 14h25 ngày 10/9/2018, chiếc ô tô Hyundai i10 màu đỏ, BKS 88A-10994 đi ngược chiều với tốc độ khá cao từ Km25 (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) hướng Lào Cai - Hà Nội. Vụ việc khá nguy hiểm, rất may không có tai nạn nào đáng tiếc xảy ra. Sau đó, nữ tài xế cũng chỉ bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính.

Hậu quả của hành vi vi phạm giao thông, thiếu ý thức khi tham gia giao thông cũng đã từng bị trả giá khi ngày 19/11/2016, Sơn lái xe Innova 8 chỗ ngồi chở 9 người đi ăn cưới ở TP Thái Nguyên. Tài xế lái xe đi trên cao tốc do vượt quá lối ra khỏi cao tốc tại nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên) nên đã cho ôtô đi lùi, sát hàng rào bên phải. Cùng lúc đó, lái xe đầu kéo kéo theo rơ moóc đi thuận chiều trên cao tốc, tốc độ 60-65 km/h, sau đó xe đầu kéo tông và đẩy ôtô chở khách. Sự cố khiến 4 người tử vong tại chỗ, 2 nạn nhân khác bị thương. Các phương tiện hư hỏng nặng.

Chiếc ô tô Hyundai i10 màu đỏ, BKS 88A-10994 đi ngược chiều trên tốc độ (ảnh st)

Không chỉ là những vụ việc xảy ra trên đường cao tốc, ngay giữa nội thành Hà Nội, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người cũng đang ở mức báo động. Đơn cử nhìn từ việc báo chí nêu, clip dòng người dắt xe trên vỉa hè Mỗ Lao – Tố Hữu được quay vào sáng 5/11 nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, với hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ. Để tránh đoạn đường Tố Hữu ùn tắc kéo dài, nhiều người chạy xe máy ngược chiều trên vỉa hè khu vực ngã ba Mỗ Lao - Tố Hữu. Khi nhìn thấy CSGT từ xa, người dân thường quay đầu tìm đường khác, nhưng không ít trường hợp đối phó bằng cách xuống xe dắt bộ qua quãng đường 200 m. Nhiều người cho rằng tình trạng chạy xe trên vỉa hè xảy ra ở nhiều nơi ở Hà Nội. Ai cũng muốn nhanh, ngay cả khi đường không tắc họ vẫn đi ngược chiều…

Thực tế, tai nạn giao thông đang diễn ra từng ngày từng giờ, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trên các mặt báo hay chương trình thời sự hàng ngày những tin tức về các vụ tai nạn giao thông thường xuyên được cập nhật. Mỗi ngày trôi qua là có không biết bao nhiêu sinh mạng bị đe dọa bởi tai nạn giao thông? Tai nạn giao thông có thể đến với bất kì ai mà không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp hay địa vị xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, bao gồm: cơ sở hạ tầng giao thông còn kém, phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện an toàn (quá hạn, quá cũ, xe tự tạo),… Theo thống kê, mỗi năm, ở nước ta TNGT đã cướp đi tám đến chín nghìn người, làm bị thương cũng chừng đó, có người đã từng so sánh TNGT như chiến tranh… Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này như công tác quản lý nhà nước về TTATGT còn nhiều bất cập; hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp tốc độ phát triển; chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, thiếu sức răn đe; công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ cơ quan chức năng chưa quyết liệt, nhiều nơi còn xảy ra tiêu cực, thiếu nghiêm minh… Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, cơ quan chuyên trách về ATGT được thành lập; CSGT, TTGT được tăng cường; hạ tầng được nâng cấp; phương tiện 'quá đát' bị cấm lưu hành; luật pháp được phổ biến rộng rãi, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh… nhưng TNGT vẫn chưa giảm sâu. Vì sao lại như vậy? Có lẽ, nguyên nhân cốt lõi nhất là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông còn hạn chế, chuẩn mực văn hóa khi tham gia giao thông còn quá nhiều vấn đề?

Vụ việc xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên

Trong Hội thảo quốc gia “Văn hóa giao thông - Trách nhiệm thuộc về ai? giữa Báo Nhân Dân phối hợp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG), ông Phan Huy Hiền, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đã nêu bật vai trò văn hóa trong xây dựng môi trường giao thông trật tự, an toàn và văn minh, đáp ứng sự phát triển của một xã hội hiện đại. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Không thể tách rời văn hóa giao thông ra khỏi văn hóa nói chung vì đó là nền tảng để tạo ra môi trường giao thông. Môi trường ấy có an toàn, văn minh, nhân ái hay không, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố văn hóa. Vì vậy, việc xây dựng văn hóa giao thông ở nước ta đã trở thành định hướng và mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như một giải pháp quan trọng để hạn chế thực trạng tai nạn giao thông hiện nay. Việc xây dựng văn hóa giao thông không chỉ phụ thuộc vào sự nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông mà còn phải đồng bộ với các quy định pháp luật, môi trường giao thông, trách nhiệm của người thực thi công vụ và việc giáo dục, phổ biến kỹ năng tham gia giao thông cho cộng đồng.

Xây dựng văn hóa giao thông nói một cách đơn giản là tham gia hoạt động giao thông một cách có văn hóa cả trong hành vi cũng như ứng xử, bảo đảm tuân thủ luật pháp cùng các quy định liên quan. Làm được điều này phần lớn phải dựa vào ý thức của những người tham gia giao thông. Tuy nhiên, ở nước ta, văn hóa giao thông nhiều khi chưa được coi trọng. TS Nguyễn Xuân Thủy, Nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Giao thông vận tải đã nêu các dẫn chứng: Trong tình huống xảy ra ùn tắc giao thông, người tham gia giao thông sẽ xuất hiện tâm lý tự nhiên mong muốn “thoát” khỏi điểm ùn tắc để “về đích” càng nhanh càng tốt. Một bộ phận người tham gia giao thông chấp nhận thực trạng hiện hữu, có ý thức nhường nhịn, kiên nhẫn chờ đợi, tuân thủ sự điều hành của cảnh sát giao thông, trong khi một bộ phận khác lại tìm mọi cách phải vượt qua cho được điểm ùn tắc, bất chấp luật lệ, thậm chí coi thường cả tính mạng của mình và của người chung quanh. Điều đáng buồn, tỷ lệ người thuộc nhóm thứ hai chiếm khá cao, chứng tỏ thực trạng coi thường luật pháp, thói quen đi lại không phù hợp với nếp sống văn hóa đang tồn tại khá nặng nề ở nước ta. Theo đánh giá của cảnh sát giao thông, nguyên nhân đưa đến tai nạn và ùn tắc giao thông rất đa dạng và phức tạp; trong đó có sự tác động tiêu cực của những hành vi thiếu văn hóa của người tham gia giao thông, không tự giác thực hiện những quy định của luật lệ giao thông như: Đi không đúng phần đường, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều, đi xe lên vỉa hè, chở người quá quy định, uống rượu bia, sử dụng ma túy khi lái xe, chen lấn, lạng lách, đi xe máy khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có bằng lái, đi bộ qua đường tùy tiện, đua xe bất hợp pháp, không đội mũ bảo hiểm, gây gổ khi va chạm trên đường, chống lại người thi hành công vụ, chất lượng phục vụ giao thông công cộng (GTCC) yếu kém như: Chạy ẩu, bỏ chuyến, chở quá tải, thiếu nhã nhặn với hành khách…

Nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV giao thông quốc gia khẳng định: Trong tuyên truyền về văn hóa giao thông, đã đến lúc không thể chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu với những tính từ cảm thán. Thay vào đó, cần đề cập một cách cụ thể về “khả năng trả giá” của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông với những thói quen phản văn hóa. Ủy ban ATGTQG cần phối hợp các ngành văn hóa thông tin, các đơn vị báo chí, truyền thông xây dựng một bộ quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông với những tiêu chí cụ thể về hành vi. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Thắng, đại diện Diễn đàn Otofun nhấn mạnh: Việc tuyên truyền về văn hóa giao thông càng cụ thể bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Bên cạnh đó, nhất thiết phải có chế tài đủ mạnh để xử lý những vi phạm. Tuy nhiên, chế tài cũng cần bảo đảm yếu tố nhân văn để nâng cao hiệu quả giáo dục, thay đổi nhận thức của người tham gia. Chẳng hạn, với những lỗi nhỏ do sơ suất, vô tình mắc phải chỉ nên nhắc nhở, hướng dẫn người tham gia giao thông cần chú ý.

Có thể thấy, văn hóa giao thông đang ở mức báo động. Làm sao để giải quyết thực trạng này? Trước hết, chúng ta phải tuyên truyền để cho người dân thấy được tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được, cần ý thức, trách nhiệm của người dân. Hiện, người dân mới chỉ kêu mà chưa tham gia đóng góp ý thức văn hóa giao thông, phải mạnh dạn tham gia chống lại người chưa ý thức... Ngoài ra, phải có biện pháp, chế tài xử phạt đủ mạnh, thường xuyên nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Theo ý kiến của nhiều luật sư cho rằng, Bộ luật Hình sự chỉ quy định những vi phạm chung về ATGT đường bộ, để xem xét hành vi có nguy hiểm hay không cần có phương pháp tạo nguồn để đánh giá hành vi có độ nguy hiểm cao. Luật pháp hoàn toàn có thể điều chỉnh theo thực tế cuộc sống, không phải là quy định cứng. Vì vậy, các cơ quan chức năng trong quá trình kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật cần đưa các hành vi vi phạm có tính nguy hiểm cao với cộng đồng như đi lùi, chạy ngược chiều trên cao tốc vào diện có thể xử lý hình sự để đảm bảo tính răn đe.

Thành Vinh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/dien-dan-cong-luan/van-hoa-tham-gia-giao-thong-chi-van-hoa-khi-phai-tra-gia-48620