Văn hóa Thái Lan - đôi điều suy ngẫm

1. Phật giáo Tiểu thừa (Nam Tông) chiếm gần 95% dân số nên cuộc sống của người Thái luôn gắn bó mật thiết với chùa như một phần tất yếu.

Hoàng cung Thái Lan. Ảnh: TL TBKTSG

Các dịp lễ hội, đông vui nhất là ở chùa. Các sự kiện quan trọng trong cuộc đời cũng gắn kết với chùa mà quan trọng nhất là xuống tóc, đi tu, trước khi vào đời lập thân. Vào chùa là tâm tịnh để trải lòng và chia sẻ; không nói bậy - không sân si - không chấp ngã. Phật không có gì để lại cho đời ngoài kinh và những lời khuyên. Sẽ bất kính nếu vào lễ Phật mà cầu xin đủ thứ... Phật không có mặt trong các tiệm trang sức vàng, bạc, đá quý vì Phật không thể mua bán mà được thỉnh từ trong các chùa. Dĩ nhiên, người mua phải “tự nguyện cúng dường” với giá trị tương đương. Người Thái ít đeo nữ trang. Họ mang Phật trong người để nhắc nhở mình làm điều tốt, tránh xa việc xấu. Người Thái chỉ cầu Thần bốn mặt, tương ứng bốn nội dung: Công danh sự nghiệp - Kinh doanh, tài lộc - Gia cang bình an, hòa thuận - Tránh xa nghiệp chướng.

Ngẫm lại xứ mình với bao nỗi ngao ngán về nạn “mua thần bán thánh”, “hối lộ Trời, Phật” của lắm bậc quyền cao chức trọng. Phật không thể mua bán, cũng không phải là đồ trang sức để khoe của và hợm mình. Kinh doanh niềm tin, núp bóng du lịch tâm linh ở Việt Nam là nguồn lợi béo bở mà không bị đóng thuế.

2. Khẩu nghiệp là nền tảng đạo đức của cuộc sống. Người Thái có thể bắn, chém, đánh nhau nhưng gần như không chửi thề. Nặng nhất khi nói xấu người khác là gọi “Đồ khùng”, “Nó không tốt”... chứ không mạt sát, ví von với loài vật hoặc buông lời tục tĩu. Mọi người thường bảo nhau Chay den den (Hãy bình tĩnh) để không làm tổn thương người khác. Năm lời khuyên mà mỗi người dân luôn cố gắng thực hiện: Ăn trước khi đói - Suy nghĩ trước khi nói - Uống thuốc phòng trước khi bệnh - Đi tu trước khi lấy vợ - Làm phước trước khi làm giàu.

Chẳng bù cho xứ mình. Nói tục, chửi thề là câu cửa miệng của vô số người. Vết thương thân thể có thể chữa lành nhưng lời nói xúc phạm làm tổn thương người khác thì rất khó, thậm chí không thể chữa lành.

3. Bất hiếu là tội lớn nhất của đời người. Đi tu trước hết là để cầu an, báo hiếu cho cha mẹ. Tổ chức sinh nhật cho ba mẹ trong chùa, chuẩn bị cơm cúng dường, mời ba mẹ và người thân, rửa và hôn chân ba mẹ, chúc ba mẹ bình an. Chăm lo cho ba mẹ khi còn sống bằng việc làm cụ thể chứ không phải chỉ tiền bạc. Sinh nhật bản thân, việc làm đầu tiên là xin nghỉ phép và dành trọn ngày chăm sóc ba mẹ. Từ việc đi chợ, nấu ăn đến giặt giũ, tắm rửa và trò chuyện, vui đùa cùng ba mẹ. Ngày hôm sau mới mời người yêu, bè bạn mừng sinh nhật của mình. Sinh nhật bản thân là dịp báo hiếu cha mẹ tốt nhất.

Giật mình nghĩ lại, lắm lúc vô tình bất hiếu với cha mẹ mà đâu có biết. Hoặc hay đổ cho tại và bị nên...

Chăm sóc ba mẹ khi còn sống bằng việc làm cụ thể chứ không chỉ khóc than lúc chết và giỗ chạp linh đình. Sinh nhật lâu nay, chỉ nghĩ đến bản thân mà quên mất cha mẹ. Sinh nhật nào, cũng cùng bạn bè đàn đúm vui chơi mà quên các bậc sinh thành. Ngày sinh của mình còn không nhớ đến cha mẹ, nói chi ngày thường.

4. Đi tu là sự kiện quan trọng nhất trong đời người. Sư đến nhà, với ba mẹ, anh chị em, người yêu, bạn bè cùng cạo tóc, chân mày, tắm và chúc phúc cho người đi tu. Cả nhà mở tiệc trọng thể, người đi tu mặc đồ trắng, ngồi xe hoa cùng cha mẹ. Đoàn người trang phục cổ truyền rồng rắn múa hát theo nhạc sống rước bộ rồi đi 5 vòng quanh chùa và vuốt áo người đi tu cầu may mắn. Người đi tu được bảo lưu công việc, thậm chí được trả lương trong thời gian đi tu nếu người đi tu đang đi làm có thu nhập thấp. Việc làm này giúp người đi tu toàn tâm toàn ý rèn luyện phẩm chất, học tập kiến thức và sẽ làm việc tốt hơn khi hoàn tất tu tập. “Chú tiểu đi tu” là bài thuyết giảng vỡ lòng về chữ hiếu. Những ngày đầu khất thực, lần lượt mỗi ngày chú chỉ nhận được rác hoặc đất, đá trộn lẫn hay cháo nóng, chè lạnh... Vừa ăn vừa tủi. Cháo nóng hay chè lạnh đều làm phỏng tay khi bê bình bát. Những vất vả cực nhọc này chưa là gì so với những tháng năm mang nặng đẻ đau và nuôi con khôn lớn của ba mẹ.

Người xưa đã tổng kết “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Tu thân trước khi vào đời, lấy vợ và kinh doanh. Tu thân trước hết là cho mình, hiểu hơn công đức nuôi dưỡng sinh thành của cha mẹ để báo hiếu thiết thực hơn. Đây cũng là dịp nhìn lại mình để hoàn thiện bản thân; giúp ích cho công ty, đơn vị mình và cho cả xã hội.

5. Đám cưới đơn giản, chỉ năm ba mâm đổ lại, cốt lõi là hạnh phúc của hôn phối. Đám cưới nhỏ nhưng thách cưới to. Thanh niên muốn lấy vợ phải có “ISO Chùa”, nghĩa là hoàn tất tu tập, thời gian tùy điều kiện và khả năng. Nhiều khi chú rể được bố vợ tương lai kiểm tra kinh Phật. Đám ma không khóc. Người chết được đưa đến bệnh viện tìm nguyên nhân rồi đưa vào chùa quàn hòm lạnh. Vào chùa không khóc than vì người chết sẽ khó siêu thoát, chỉ được khóc khi chưa đưa vào chùa. Người nhà nấu nướng đãi mọi người ăn giùm để giảm nghiệp chướng cho người chết. Ăn không hết thì bố thí. Người chết hỏa táng, tro để trong tháp quanh chùa.

Cốt lõi của hôn nhân là hạnh phúc của vợ chồng mới, chứ không phải là dịp khoe khoang gia cang, quan hệ. Nhiều cặp đôi khốn khổ vì chưa góp đủ tiền để làm đám cưới cho bằng chị bằng em. Đám ma cũng tương tự. Nhiều người còn tranh thủ “kinh doanh”, tính toán lời lỗ. Khi còn sống thì đối xử với nhau chẳng ra gì, lúc chết lại khóc than ầm ĩ, giỗ chạp linh đình. Họ cũng không phải chạy đua xây mồ mả hoành tráng cho người thân.

6. Du lịch là ngành kinh tế quan trọng. Ba năm qua, người Thái đã ngoạn mục soán ngôi người Mã, giành vị trí quán quân du lịch ASEAN. Người Thái làm dịch vụ cực giỏi, từ mua sắm, giải trí cho đến các trò chơi mạo hiểm... Từ du lịch biển đảo đến du lịch rừng, du lịch văn hóa, lịch sử... biến cái bình thường thành sự khác biệt, biến không thành có. Liên kết là nguyên nhân thành công của du lịch Thái Lan. Chính phủ miễn giảm thuế cho các công ty lữ hành, ưu đãi giá cho khách nước ngoài vì họ mang ngoại tệ đến. Khách đến Thái Lan được chào đón nồng nhiệt, sử dụng dịch vụ trên đất Thái là của người Thái. Các trung tâm mua sắm giảm giá trực tiếp vào tour cho khách. Giá tour đi Thái Lan hiện nay gần như không có đối thủ.

Du lịch Việt Nam đang mải mê chạy theo số lượng kiểu phong trào với hàng chục ngàn lễ hội quanh năm. Lễ hội nào cũng hoành tráng và tốn kém (tốn tiền, kém hiệu quả). Thế mạnh nhất của kinh tế Việt Nam nói chung và du lịch nói riêng là “Mạnh ai nấy làm” với rất nhiều vấn nạn.

Khách sạn Thái Lan hầu như không có bàn chải, kem đánh răng, lược... Cứ nghĩ là để giảm giá thành nhưng không phải. Những thứ dùng một lần rồi bỏ là nguồn rác khổng lồ, toàn loại rất khó phân hủy và tái xuất. Tốt nhất là để khách tự mang theo, vừa hợp vệ sinh, vừa bảo vệ môi trường. Các khách sạn đều thu phí Wi-Fi; trừ trường hợp khuyến mãi vì khách sạn ở xa hoặc ế.

Người Việt thích làm khác thiên hạ, từ việc nhỏ đến chuyện lớn. Nghèo nhưng xài sang và sĩ diện. Khoản Wi-Fi là vô địch, xe nước mía hay bán xôi cũng Wi-Fi miễn phí. Có khi miễn phí cả thành phố.

Nguyễn Văn Mỹ

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277399/van-hoa-thai-lan--doi-dieu-suy-ngam-.html