Văn hóa Tết

'Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ /Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh'

Văn hóa Tết nay đã có sự đổi khác với văn hóa Tết xưa

Chỉ bấy nhiêu thôi đã tàng chứa một truyền thống văn hóa kỳ diệu, vô cùng lớn lao. Tiếc rằng: “Tràng pháo” đã bị cấm từ lâu. Cây nêu, tượng trưng cho sự giao hòa giữa trời và đất. Đây là một phong tục đẹp cần được báo chí cổ xúy. Bánh chưng xanh. Tại sao lại là bánh chưng?

Chưng là tròn theo tiếng Việt cổ. Bánh chưng là bánh tròn. Sau này gói vuông, ông cha ta vẫn gọi bánh chưng. “Mùng một Tết cha. Mùng hai Tết mẹ. Mùng ba Tết thầy”. Đơn giản vậy thôi nhưng ẩn chứa hiếu thảo và đạo nghĩa. Tiếc rằng lớp trẻ bây giờ, ít người biết đến. Đây là lỗi của gia đình và nhà trường. Thầy ở đây không có nghĩa chỉ những người dạy ta ở học đường. Có câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Bạn cũng là thầy ta.

“Ăn Tết”. Ở đây, quyết không phải là ăn nhậu tùm lum. Ông bà ta ghê lắm, tinh tế lắm. Ăn phải có “thịt mỡ, dưa hành” bên “câu đối đỏ”. Văn hóa ẩm thực là nét truyền thống văn hóa Tết của dân ta. Đừng lầm tưởng món ăn nào cũng có văn hóa. Đặc điểm lớn nhất trong ẩm thực Việt Nam là ông bà ta dùng rất ít gia vị, không giống bất kỳ nước nào quanh ta. Đấy là văn hóa.

Người Thái Lan, có món ăn, họ cho đến mấy chục gia vị, chúng triệt tiêu lẫn nhau. Nguyên liệu chính không còn là mình. Mỗi món ăn xuất hiện trong những điều kiện sống nhất định, qua hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm mới trở thành truyền thống văn hóa. Những món ăn biến tấu, không văn hóa chút nào. Nếu có chăng, là văn hóa thời @. Người ta chiếu trên truyền hình hẳn hoi, một ông thầy dạy nấu ăn món bún thang. Cuối cùng, ông móc túi lấy ra một cái lọ nhỏ xíu: “Đây là vani, quý vị nên cho vào mấy giọt”. Món ăn của ta không bao giờ dùng đến vani. Bún thang cần nhất là tinh dầu cà cuống. Điều đó thực chất là “vô văn hóa”.

Còn nữa

“Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi, bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”.

Tinh tế quá. Mỗi món ăn chỉ cần một vài gia vị.

Ngày Tết, mừng tuổi là một nét truyền thống văn hóa quý báu. Nhưng dù giàu có đến đâu cũng đừng mừng nhiều quá. Có khi là trả nợ, thậm chí hối lộ.

Sau Tết là mùa lễ hội. Bất kỳ lễ hội nào cũng có truyền thống hàng trăm, hàng nghìn năm. Biến dạng là lỗi của người đời nay. Lấy lễ hội chém lợn làm ví dụ. Muốn tham gia phần lễ, bà con phải thức trắng, chờ đến canh giờ nào đó, tùy từng địa phương, mới thắp hương chém lợn. Sáng ra chỉ còn phần hội. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn xảy ra chết người. Đó là do lỗi của Ban tổ chức, là tai nạn, không nên đặt vấn đề bỏ Lễ hội.

Cũng như nhiều việc khác, cần phải nghiên cứu, cải tiến, sửa đổi để thực hiện tốt hơn.

Cái gì hay sẽ lan tỏa. Cái dở sẽ bị đào thải./.

Trần Hoàng

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/van-hoa-tet-n8583.html