Văn hóa sông nước Việt Nam

Thuở đất trời hình thành, sinh ra ngày đêm mưa nắng, đất giữ nước cho vạn vật sinh tồn. Nước trả ơn đất bằng các dòng sông.

Từ khi loài người biết dùng những loài động vật để làm thức ăn, thì sông nước là nơi cung cấp nguồn thức ăn nhiều nhất và sớm nhất. Chim thú rất nhiều nhưng săn bắt không dễ dàng. Con người chẳng tốn mấy công sức có thể bắt được tôm cá, cua rạm làm nguồn đạm rất bổ dưỡng. Cá, tôm, ruốc và nhiều loài thủy sản khác không chỉ là nguồn thức ăn chủ đạo của con người, mà còn được chế biến thành mắm, trở thành vật phẩm để ban thưởng cho quan lại có công trong các thời đại phong kiến xa xưa. Chất đạm từ thủy sản, đến thời bây giờ vẫn còn giá trị trong đời sống thường nhật, kể cả miền núi có nhiều thịt chim, thú rừng nhưng chất đạm từ mắm và muối không thể thiếu.

Có thể nói, nước là “người mẹ” của con người từ thuở sơ khai. Cây lúa nước xuất hiện trên đồng ruộng là một điều kỳ diệu với người Việt. Nó cung cấp thức ăn là chất bột có nhiều dinh dưỡng lại bảo quản được lâu. Thiếu nước sẽ không có lúa nước và sẽ chẳng có một nền văn minh lúa nước.

 Lễ hội đua thuyền làng Quát, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Lễ hội đua thuyền làng Quát, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Không ngẫu nhiên mà con người lại dựa vào các triền sông làm nhà ở. Tục ngữ có câu: “Nhất cận thị, nhị cận giang” (thứ nhất là gần chợ, thứ nhì là gần sông) đã chứng minh điều đó. Con người cư trú ven sông, trồng lúa nước, quăng chài, kéo lưới sinh sống. Những ngã ba sông, nơi ven biển nhanh chóng tạo thành làng mạc đông vui, thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa. Ở đây là nơi hội tụ những gì tinh túy, những thông tin mới mẻ từ kinh thành về các vùng quê, con gái ở ven sông thường gặp gỡ được bạn trai tứ xứ, kết mối lương duyên.

Thời kỳ chưa có đê, người Việt cổ sống bằng thuyền. Trên các sông ngòi đầy thuyền thay thế ngôi nhà. Khi mà trên đường bộ chưa hình thành, thì việc đi lại chủ yếu là trên sông nước. Trên đồ đồng Đông Sơn người ta đã thấy xuất hiện thuyền, mảng, bè… do con người tự tạo từ thời Hùng Vương. Những con thuyền đầu tiên được trang trí khá đẹp. Trên các thạp, trống, rìu đều có hình thuyền với đủ kiểu phong phú. Đến quan tài dành cho người chết cũng có hình thuyền với mái chèo chôn theo, đã minh chứng một văn minh thời Việt cổ. Đến thế kỷ 18 người phương Tây vẫn còn nhận xét: “Xứ này (tức Việt Nam) không có đường cái lớn, lại chằng chịt ruộng đồng. Muốn đến Huế cũng như bất kỳ nơi nào đều phải đi đường thủy”.

Ngày xưa người Việt đã biết dùng ba loại thuyền. Nhỏ nhất là thuyền độc mộc, thuyền thúng. Loại thuyền lớn hơn đóng bằng ván, có chèo lái ở đằng đuôi thuyền dùng để vận tải, trang trí tương đối đẹp. Loại lớn nhất là thuyền chiến, trang bị vũ khí như: Rìu, giáo, con lao, dao găm, mộc chắn, cung nỏ… phục vụ chiến đấu.

Con người nhờ sông nước mà có thức ăn, nhà ở, phương tiện đi lại, sinh tồn. Sông nước che chở con người. Chẳng có gì khó hiểu tại sao con người thờ Mẫu là nước.

Hàng nghìn năm người Việt cổ sống gắn bó với sông nước đã hình thành hệ thống văn hóa sông nước. Chuyện sấm sét dông mưa, hô vân hoán vũ có ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Người dân thuở xưa cho rằng trên đời này có các thần linh trông coi về nước, về mưa để dân chúng trồng cấy và sinh sống. Các hình thức làm lễ nguyện cầu các thần phù hộ độ trì cho con người thoát khỏi tai ương ra đời, lâu dần thành tập tục. Nhiều tập tục có ý nghĩa xã hội như hội té nước, hội đua thuyền còn lưu truyền đến tận ngày nay. Vua Lê Đại Hành chính thức lấy hội đua thuyền hằng năm làm thành quốc lễ. Nhà vua ý thức rằng, nước Việt như một hòn núi đặt trên thuyền bồng bềnh sông nước, đã phát huy truyền thống sông nước trong dân chúng.

Hàng loạt các loại hình văn hóa, nghệ thuật ra đời bắt nguồn từ sông nước: Truyện dân gian, truyền miệng, ca dao, tục ngữ có liên quan đến sông nước như truyện thần thoại Sơn Tinh-Thủy Tinh đánh nhau do ghen tuông tạo ra trận lũ lụt hằng năm; một mối tình ngang trái giữa anh lái đò Trương Chi và Mỵ Nương; Chử Đồng Tử và Tiên Dung trong câu chuyện tình huyền thoại bên dòng sông… Rồi những điệu hát ngồi tựa mạn thuyền, chèo đò, đò đưa, các điệu hò kéo lưới, quăng chài xuất hiện đặc sắc ở vùng sông biển.

Người Việt thành thạo sông nước, thạo dùng thuyền, giỏi chài lưới, thông luồng lạch, nắm rõ quy luật sông nước. Khi đất nước có chiến tranh, sông nước góp phần lập chiến công hiển hách cùng với con người. Lúc ấy sông nước biết hờn căm, biết hóa thành tiếng thét giết giặc.

Trong lịch sử Việt Nam có nhiều danh nhân nổi tiếng nghề sông nước. Yết Kiêu thời Trần là ví dụ điển hình. Ông nhà nghèo, hàng ngày lăn lội bờ sông, mò cua, bắt cá kiếm sống. Ông có tài lặn bơi như loài thủy tộc, được Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn trọng dụng, tin cậy. Trong kháng chiến chống quân Nguyên-Mông thế kỷ 13, ông từng lặn xuống đáy sông đục thuyền giặc, lập công to. Đó là một danh tướng biết đặt Tổ quốc lên trên hết, lòng trung trinh sáng vằng vặc giữa trời sao. Khi Yết Kiêu mất, nhân dân nơi quê ông đã lập đền thờ bên bờ sông làng Hạ Bì tức làng Quát, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Hội đền Quát rất đông vui thường có tục bơi chải, đua thuyền nam, thuyền nữ để đua tài, nhưng là tỏ lòng nhớ Yết Kiêu-vị tổ nghề bơi lặn, mong ông ban cho mọi phước lành.

Bài và ảnh: KHÚC HÀ LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/van-hoa-song-nuoc-viet-nam-610773