Văn hóa 'nhanh lên' và những cái chết vì tai nạn xe buýt ở Hàn Quốc

Văn hóa 'nhanh lên' giúp Hàn Quốc tăng tốc phát triển, nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro như các vụ tai nạn xe buýt gây chết người.

Tại Hàn Quốc, "ppalli, ppalli" là câu nói cửa miệng của người dân nước này với ý nghĩa giục giã mọi người làm gì cũng phải “nhanh lên”. Chính văn hóa “nhanh lên” đã góp phần giúp Hàn Quốc đạt tới tốc độ phát triển kinh tế thần kỳ đuổi kịp các nước phương Tây. Nhưng không thể phủ nhận chính sự vội vàng lại tiềm ẩn những rủi ro như những vụ tai nạn xe buýt gây chết người chỉ vì nhanh chậm vài giây.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), hồi tháng Một, cô Kim Jung-eun (21 tuổi) đã thiệt mạng sau khi cánh tay của cô này bị kẹp vào giữa 2 cánh cửa xe buýt. Nạn nhân còn bị kéo lê đi hơn 10 m trước khi ngã xuống đường và bị lốp sau của xe buýt cán qua người gây tử vong. Tài xế xe buýt 62 tuổi bị cáo buộc lái xe bất cẩn dẫn tới chết người.

Văn hóa "nhanh lên" là nguyên nhân khiến cả tài xế và hành khách ở Hàn Quốc bất cẩn dẫn tới những cái chết thương tâm. (Ảnh: SCMP)

Văn hóa "nhanh lên" là nguyên nhân khiến cả tài xế và hành khách ở Hàn Quốc bất cẩn dẫn tới những cái chết thương tâm. (Ảnh: SCMP)

“Nếu như tài xế kiểm tra xem hành khách đã xuống hẳn xe hay chưa và chờ thêm 3 giây để hành khách hoàn toàn bước ra khỏi xe, những cái chết thương tâm như thế sẽ không xảy ra”, chị gái của nạn nhân Kim viết trong đơn kiến nghị gửi lên chính phủ Hàn Quốc.

Trong đơn, người nhà của nạn nhân Kim kêu gọi chính phủ cần tăng cường các quy định đảm bảo an toàn trên xe buýt, đồng thời tăng nặng hình phạt đối với những cá nhân gây ra tai nạn xe buýt. Đơn kiến nghị của chị gái cô Kim đã nhận được hơn 35.500 chữ ký ủng hộ.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn trên YTN Radio hồi tháng Một, luật sư Jung Kyung-il cho hay hình phạt đối với tài xế gây tai nạn xe buýt dẫn đến tử vong vì bất cẩn khi lái xe thường là án phạt chưa tới 2 năm tù giam, hoặc có thể bồi thường bằng tiền.

Theo luật hiện hành ở Hàn Quốc, mức phạt đối với tài xế xe buýt gây ra cái chết cho cô Kim tối đa là 5 năm tù giam, hoặc nộp phạt số tiền tối đa là 20 triệu won (17.500 USD).

Nhiều người Hàn Quốc nhận định cái chết của cô Kim là vụ tai nạn chờ để xảy ra. Dù hành khách được khuyên chỉ đứng dậy ra đứng ở cửa chờ xuống xe sau khi xe buýt dừng hoàn toàn, nhưng nhiều hành khách vẫn ra đứng chờ ở cửa xuống trước một lúc lâu xe mới dừng lại.

Còn theo ông Han Sang-jin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Vận tải Hàn Quốc, phần lớn tài xế xe buýt lập tức cho xe tăng tốc ngay khi hành khách vừa bước lên xe.

Một vụ tai nạn tương tự từng xảy ra vào năm 2017 khi chiếc áo khoác của một nữ hành khách bị mắc kẹt vào giữa hai cánh cửa xe buýt khi cô này đang xuống xe. Cô này bị kéo lê một đoạn do chiếc xe tăng tốc ngay khi hành khách vừa xuống xe. Rất may cô chỉ bị thương. Tài xế sau đó bị phạt vì lỗi lái xe bất cẩn. Nhưng sự việc chỉ được làm rõ khi gia đình nữ nạn nhân đệ đơn kiện, công ty xe buýt mới thừa nhận lỗi từ phía lái xe.

Hồi năm ngoái, tờ Dong-a dẫn dữ liệu từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc cho hay 60% tai nạn xe buýt trong năm 2019 xảy ra do “lỗi lái xe mất an toàn từ tài xế” và 10% do lỗi xuất phát từ việc không giữ khoảng cách an toàn.

Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn xảy ra do người dân quá vội vàng trong quá trình sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Tại Seoul, từ năm 2010 – 2014, hơn 1.000 vụ tai nạn liên quan tới cửa tại Hệ thống Tàu điện ngầm thủ đô Seoul do hành khách cố tình chen cánh tay hoặc phần cơ thể vào khoảng giữa khi 2 cánh cửa đang dần đóng sập lại. Ngoài ra, 553 vụ tai nạn liên quan tới thang cuốn nằm bên trong các nhà ga tàu điện ngầm do người dân bước như chạy trên thang và có tới 339 vụ người dân ngã từ thang cuốn xuống đất khi vội vàng di chuyển.

Tình trạng tương tự xảy ra đối với hệ thống thang máy. Theo Cơ quan An toàn Thang máy Hàn Quốc, từ năm 1993 – 2015, 64% vụ tai nạn thang máy là hậu quả do người dùng chen vào giữa 2 cánh cửa đang từ từ đóng lại để cố len vào bên trong.

Liên quan tới xe buýt, nhiều nhà điều hành các hãng xe cho hay tài xế thường phải chịu sức ép đúng giờ về bến hơn là quan tâm tới mức độ an toàn.

Ông Kim Ki-chung (92 tuổi), người từng điều hành một công ty xe buýt quy mô nhỏ vào thập niên 70 tại Hàn Quốc, cho biết những chiến thuật mà tài xế hay dùng là nhồi nhét nhiều hành khách nhất có thể, lái xe bất cẩn, từ chối chở người già hoặc người tàn tật và thậm chí bỏ điểm dừng.

Nhà nghiên cứu Han còn chỉ ra một nguyên nhân khác làm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn từ xe buýt. Theo đó, độ tuổi trung bình của các tài xế lái xe buýt tại Hàn Quốc là trên 50 tuổi. Do đó, nhiều người đã quá quen với sự vội vã và không chấp nhận thay đổi cung cách làm việc theo xu hướng hiện đại.

“Nhiều tài xế xe buýt không thích thay đổi cách mà họ đã làm việc mấy chục năm qua. Họ không nghĩ rằng, sự thay đổi là cần thiết trong quá trình làm nghề. Do đó, những quy định về an toàn trên xe buýt cần được tăng cường, nhưng không thể chỉ đặt sức ép lên vai tài xế. Chúng ta cần đảm bảo rằng đã có đủ những điều kiện để tài xế có thể làm việc trong môi trường chú trọng tới lái xe an toàn”, ông Han kết luận.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/van-hoa-nhanh-len-va-nhung-cai-chet-vi-tai-nan-xe-buyt-o-han-quoc-280463.html