Văn hóa - Nghệ thuật Những tấm thiệp '3D'…
TTH - So với cách đây chỉ mấy tháng, khi chúng tôi được triệu tập để tham dự Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam, lần này quay lại, thấy Hà Nội nhịp sống gần như đã trở lại bình thường. Nếu không có những chiếc khẩu trang, những chai nước sát khuẩn được bố trí đây đó… thì không ai nghĩ thành phố Thủ đô cũng đã từng phải qua những ngày vắng lặng vì cơn đại dịch mang tên COVID-19 hoành hành.
Cũng đã rất lâu rồi không lang thang Hà Nội, nhân xong việc sớm nên tôi quyết định thuê chiếc xe máy, cộng với google map trong tay, hùng hồn tuyên bố chở cho người bạn đồng hành đi bất kể đâu bạn muốn. Tất nhiên, Lăng Bác, chùa Một Cột, khu vực Hồ Gươm, phố cổ, Hồ Tây… là những điểm nhất định phải chiêm bái, trải nghiệm. Tại những điểm đến thấy đã rộn ràng khách du lịch đông - tây, nội - ngoại đủ cả. Cảnh ấy cũng khiến chúng tôi rộn ràng vui lây. Đó là chỉ dấu cho thấy du lịch, ngành kinh tế quan trọng của đất nước đã và đang hồi sinh.
Văn miếu - Quốc Tử giám, biểu tượng của Hà Nội nghìn năm văn vật đây rồi. Rất nhiều những đoàn học sinh, sinh viên đang tuần tự chờ đến phiên để vào dâng hương lên liệt Thánh và các đấng tiền nhân chữ nghĩa. Ngay bên ngoài cổng ra vào, một người phụ nữ với chiếc ô lật ngửa, bên trong chưng bày các tấm thiệp “3D”. Đó là những tấm thiệp bằng giấy cứng, khi gấp lại thì cũng như những tấm thiệp bình thường, nhưng mở ra thì lập tức nổi lên hình các công trình biểu tượng của Việt Nam như chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Ngọ Môn Huế, chợ Bến Thành (TP. HCM), hoặc hình các loài vật, các con thú cưng… Đẹp và lạ mắt. Thế nhưng, tôi vẫn cảm thấy ái ngại vì cái “cửa hàng” nhỏ gọn của chị đang hết sức trầm lặng, không một khách hàng ghé qua. Nhưng hình như tôi đã nhầm. Hai chiếc xe du lịch cỡ lớn chợt dừng lại, một đoàn du khách Hàn Quốc hay Nhật Bản gì đấy bước xuống. Trước khi vào tham quan, tất cả họ đều dừng lại xem ngắm, cười nói tỏ ra rất thú vị với món quà lưu niệm có lẽ là rất lạ mắt với họ. Và rồi ai cũng nhanh tay giành chọn cho mình vài tấm thiệp vừa ý nhất. Cứ mỗi tấm 50 ngàn đồng, tức chỉ chừng 2 USD. Quá nhẹ nhàng so với khả năng chi tiêu của khách quốc tế. Nét mặt của bà chủ “cửa hàng” tươi tắn hẳn lên, chị nhanh tay sắp xếp, chưng bày thêm vào chỗ trống của những tấm thiệp đã được bán đi, rồi lại thư thả ngồi chờ những đoàn khách mới. Niềm vui của chị như cũng lan qua chúng tôi. Bức tranh du lịch đã bắt đầu sáng dần lên sau những ngày bị phủ che bởi sắc màu u ám của đại dịch; cũng đồng nghĩa, cuộc sống của hàng vạn, hàng chục vạn lao động trong ngành, hoặc nhờ vào ngành công nghiệp không khói cũng đang bắt đầu vượt dần khỏi khúc quanh có lẽ là nhọc nhằn nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Những tấm thiệp “3D” ở Văn miếu làm tôi nhớ về chuyến đi Malaysia - Singapore cách đây ít năm cùng với mấy người đồng nghiệp. Suốt dọc hành trình, nhiều địa chỉ được ghé qua, nhiều món hàng được mời chào, nhưng trong đoàn rất ít người mua. Thứ nhất là có những món hàng không không thực sự ấn tượng, không thực sự cần thiết cho nhu cầu của khách. Chẳng hạn như dầu xanh - thứ sản phẩm trước đây dân mình rất quý, rất thích khi được bà con, bạn bè từ nước ngoài về tặng cho một hai chai. Nay thì ở ta đầy, mùi hương lại còn bị nhiều người chê rằng khá dị ứng. Hay như sâm Alipas, đắt mà thấy cái củ sâm lại to tổ chảng hơn củ khoai mì lâu năm bên ta nên nhiều người cân nhắc, nghi ngại, và sau cùng là quyết định đóng hầu bao. Còn ngọc trai thì Phú Quốc, Quảng Ninh quê nhà cũng có. Giá bán thì không phải ai cũng đủ sức để mua làm tặng phẩm. Dĩ nhiên, trừ các đại gia hoặc những cặp đôi đang yêu đương tán tỉnh rủ nhau đi du lịch thì có khi không thành vấn đề… Cho đến gần cuối hành trình, khách được mời chào những chiếc ô, những chiếc móc khóa, những cái chặn giấy, hay những chiếc thìa xinh xắn, sáng loáng… gắn với biểu tượng của 2 đảo quốc vừa đi qua như tháp đôi Petronas, tượng các nữ thần, tượng nhân sư… Tất cả những món quà lưu niệm ấy có giá rất rẻ, chỉ một vài USD mỗi món tùy loại. Tôi để ý thấy ai trong đoàn cũng hào hứng chọn mua và mua rất nhiều. Đơn giản là chúng ý nghĩa nhưng lại vừa với túi tiền, dễ mua, dễ tặng cho nhiều bạn bè, người thân mà không phải quá lo lắng về nguy cơ “thâm thủng ngân sách”.
Những tấm thiệp “3D” ở Văn miếu, những chiếc móc khóa, chặn giấy… ở Sin-Mã khiến tôi nhận ra một thực tế vui vui rằng, đồ lưu niệm đôi lúc không cần phải to tát. Nhỏ gọn, vừa túi tiền, và cần nhất là làm sao phải thiết kế, gắn cho được biểu tượng, đặc trưng của “điểm đến” là ăn tiền. Lẽ dĩ nhiên, hình thức sản phẩm nhất định phải bắt mắt, dễ nhìn, thêm chút sáng tạo nữa thì thắng là cái chắc. Khách mua hài lòng; người sáng tạo mẫu mã, cho đến người sản xuất, người đưa sản phẩm đến với du khách ai cũng đều vui vẻ vì cùng được lợi lạc. Và quan trọng hơn, thông qua những món hàng lưu niệm như vậy, thông điệp và hình ảnh của vùng đất, của quê hương đất nước sẽ được tỏa lan, mời gọi. Ấy là nói với góc độ quảng đại du khách. Còn với lớp khách du lịch hạng sang, chuyện quà cáp có lẽ lại phải bàn ở một “đẳng cấp” khác nữa…
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/nhung-tam-thiep-3d--a114132.html