Văn hóa luôn là nền tảng tinh thần và động lực phát triển

Đảng coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Sự tăng trưởng kinh tế sẽ tác động tích cực tới việc phát triển văn hóa. Ngược lại, khi văn hóa phát triển sẽ tác động đến nền kinh tế quốc dân góp phần tăng trưởng GDP.

Từ Nghị quyết TW5, khóa 8 của Đảng đã chỉ ra 5 quan điểm lớn để xây dựng và phát triển văn hóa trong tình hình mới. Đó là: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội; Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng; Văn hóa là một mặt trận, xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp lâu dài đòi hỏi có ý chí cách mạng và sự kiên trì thận trọng.

Tại Hội thảo “Nhìn lại quá trình xã hội hóa văn học nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay”, trong tham luận của mình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, đã từng tồn tại hai quan điểm về lý luận giữa hoạt động kinh tế và hoạt động văn hóa: Quan điểm thứ nhất, kinh tế là hoạt động thuộc lĩnh vực vật chất, phục vụ cho những mục tiêu, nhu cầu thực tế, còn văn hóa là hoạt động của lĩnh vực tinh thần, phục vụ cho những mục đích chính trị, nghệ thuật. Kinh tế và văn hóa là hai lĩnh vực khác biệt, hầu như không có quan hệ với nhau.

Nghệ thuật biểu diễn đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội (ảnh minh họa: BT)

Nghệ thuật biểu diễn đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội (ảnh minh họa: BT)

Còn quan điểm ngược lại thì cho rằng, hoạt động văn hóa cũng là hoạt động kinh tế, chịu tác động của các quy luật kinh tế, quy luật thị trường như các sản phẩm vật chất khác. Quan niệm này dẫn đến việc coi hoạt động văn hóa là kinh doanh đơn thuần, coi nhẹ, thậm chí bỏ qua chức năng nghệ thuật, mục đích chính trị. Đó chính là nguyên nhân gây ra những hiệu quả tiêu cực đối với đời sống xã hội như nạn video đen, biểu diễn “chạy show”, câu khách bằng các chiêu trò, sao băng đĩa lậu…

Qua từng thời kỳ Đảng đã có nhưng chỉ thị uốn nắn khắc phục kịp thời như Chỉ thị 08/CTTW năm 1992 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí xuất bản; Nghị quyết số 23 năm 2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”…

Có thể thấy, kết hợp kinh tế và văn hóa cho phát triển đã được khẳng định là tư tưởng chỉ đạo về quản lý kinh tế xã hội. Trong môi trường hoạt động của nền kinh tế hàng hóa, hoạt động văn hóa, trong đó có hoạt động biểu diễn nghệ thuật không thể không tính đến các yếu tố kinh tế. Kinh tế là một yếu tố khách quan tồn tại trong hoạt động văn hóa.

Trong mọi lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là trong hoạt động biểu diễn luôn cần đế kinh tế như chi phí đầu tư, thiết bị, kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, nhà hát… Những chi phí này phải được tính toán cụ thể sao cho hiệu quả nhất. Hoạt động nghệ thuật là một loại hình lao động dịch vụ của xã hội, góp phần gia tăng tổng sản phẩm của xã hội, góp phần vào GDP. Tại nhiều nước trên thế giới, sự đóng góp vào GDP của nghệ sĩ là rất lớn như Thái Lan, Malayxia, Mỹ, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Đảng coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Trong các loại hình văn hóa thì nghệ thuật biểu diễn đóng một vai trò quan trọng. Nó hấp dẫn bởi tính nghệ thuật phong phú, tài năng của nghệ sĩ và hình thức biểu diễn đa dạng sinh động từ sân khấu trong nhà đến sân đình hát chèo, ao làng múa rối… Các hình thức từ kinh điển như giao hưởng, ba lê đến các hình thức sân khấu dân tộc như hát đúm, hát xoan, hát đối quan họ,… cho đến các sân khấu tuồng, chèo, cải lương, đờn ca tài tử, hòa tấu cồng chiêng…

Chính vì sự hấp dẫn và sự thu hút của các loại hình nghệ thuật biểu diễn nên đây chính là một phương tiện truyền bá văn hóa và tuyên truyền văn nghệ giáo dục tư tưởng đạo đức lối sống.

Mối quan hệ kinh tế và văn hóa là không thể tách rời, chúng luôn song hành trong sự nghiệp phát triển đất nước. Sự tăng trưởng kinh tế sẽ tác động tích cực tới việc phát triển văn hóa. Ngược lại, khi văn hóa phát triển sẽ tác động đến nền kinh tế quốc dân góp phần tăng trưởng GDP.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/van-hoa-luon-la-nen-tang-tinh-than-va-dong-luc-phat-trien-118949.html