Văn hóa là tinh thần cốt lõi, dẫn dắt doanh nghiệp thời CMCN 4.0

Doanh nghiệp có cạnh tranh thành công trong thời kỳ CMCN 4.0 hay không sẽ không chỉ dựa trên sự đầu tư vào công nghệ, mà còn phải dựa trên sự đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nhận thức văn hóa doanh nghiệp là tinh thần cốt lõi, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững.

Hội thảo Văn hóa doanh nghiệp và Phát triển thương hiệu diễn ra sáng 11/9 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế là diễn đàn đa chiều về văn hóa doanh nghiệp gắn với phát triển thương hiệu. Hội thảo có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, đại diện tập đoàn cùng khoảng 200 đại biểu đại diện cho các cơ quan trung ương và địa phương.

Chịu ảnh hưởng mạnh bởi cách mạng công nghệ

Tại hội thảo, PGS.TS Dương Thị Liễu, Phó tổng thư ký Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh khẳng định, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN) đã làm thay đổi văn hóa doanh nghiệp.

“Văn hóa doanh nghiệp không phải bất biến mà được bồi đắp dần các giá trị, tư tưởng mới thông qua bối cảnh mới nên tất yếu văn hóa doanh nghiệp sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ từ CMCN 4.0” PGS.TS Dương Thị Liễu nhấn mạnh.

Phân tích của Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh cho thấy, trong CMCN 4.0, giá trị minh bạch được đề cao nhiều hơn. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, các công cụ quản lý ngày càng hiệu quả hơn, việc phân bổ công việc, nhiệm vụ của mỗi người sẽ hợp lý hơn. Đồng thời, đánh giá hiệu quả công việc càng trở nên khách quan. Vì vậy, thước đo minh bạch sẽ thể hiện sự chi phối lớn hơn trong các quyết định, các hành vi của mỗi người trong doanh nghiệp.

PGS.TS Dương Thị Liễu, Phó tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh.

PGS.TS Dương Thị Liễu, Phó tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh.

Trong CMCN 4.0, văn hóa quản lý bằng hiệu quả dần thay cho văn hóa áp đặt. Đối với người lãnh đạo doanh nghiệp hiện tại, văn hóa “áp đặt” được áp dụng rất phổ biến để đảm bảo người lao động tuân thủ quy trình, chấp hành nội quy làm việc, từ đó mới nghĩ đến việc đạt kết quả công việc mong muốn. Tuy nhiên, với sự thay thế của máy móc và các công cụ quản lý mới, con người có thể được phân công theo năng lực, đánh giá hiệu quả công việc rất rõ ràng. Dẫn đến người lãnh đạo chỉ cần quan tâm đến hiệu quả mỗi cá nhân làm được mà không cần phải lo lắng các khâu trung gian.

Tuy nhiên, CMCN 4.0 có thể làm suy giảm tính đoàn kết, tính tập thể do máy móc có thể trở thành trung gian trao đổi giữa các đồng nghiệp, phòng ban, tính tương tác ngày càng kém. Như vậy, mỗi người có thể chỉ cần làm tốt công việc của mình mà không cần quan tâm đến các nội dung sứ mệnh, tầm nhìn chung của doanh nghiệp, làm giảm tính kết nối, tính tập thể trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, CMCN 4.0 cũng ít nhiều làm suy giảm nhu cầu sáng tạo, tạo ra tâm lý sợ rủi ro…

PGS.TS Dương Thị Liễu kết luận, văn hóa doanh nghiệp là bộ “gen” giải mã bản sắc riêng và là nguồn cội tạo ra sự khác biệt lớn nhất cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp thời kỳ CMCN 4.0. Doanh nghiệp có cạnh tranh thành công trong thời kỳ CMCN 4.0 hay không sẽ không chỉ dựa trên sự đầu tư vào công nghệ, mà còn phải dựa trên sự đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nhận thức văn hóa doanh nghiệp là tinh thần cốt lõi, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững.

Vũ khí cạnh tranh mới

Bày tỏ quan điểm về văn hóa doanh nghiệp tại hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Elite PR School, Giám đốc điều hành đơn vị tư vấn chiến lược CSCI Indochina cho rằng, văn hóa doanh nghiệp tồn tại tự nhiên như khí trời người ta hít thở. Nhiều doanh nghiệp vẫn tồn tại dù không thực sự chú ý tới vấn đề này.

Tuy nhiên, để hướng đến sự vĩ đại, sự trường tồn, chủ doanh nghiệp cần đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp một cách có chiến lược, chiến thuật trong cả 3 yếu tố: Con người - nguồn lực - phương pháp để có sức khỏe thương hiệu tốt nhất để đối mặt với các nguy cơ, khủng hoảng, xung đột và tạo ra sự sẵn sàng để nắm bắt mọi cơ hội kinh doanh, phát triển.

Thạc sĩ Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Elite PR School, Giám đốc điều hành đơn vị tư vấn chiến lược CSCI Indochina.

“Trong quá trình vận động để phục vụ khách hàng, phát triển bền vững, doanh nghiệp luôn đi theo mục đích cốt lõi của mình, thực hiện dần dần mục đích ấy qua các nhiệm vụ được chia nhỏ, trong bộ khung được xác định bởi các giá trị cốt lõi. Từ đó chất lượng sản phẩm dịch vụ, phong cách làm việc, cách thức tương tác trong và ngoài doanh nghiệp, cung cách cung cấp và trao đổi thông tin, quá trình đào tạo nội bộ, chất lượng của truyền thông nội bộ đều được đặt trên nền tảng của văn hóa doanh nghiệp” - Thạc sĩ Nguyễn Đình Thành nói.

Hiện tại, khoảng cách về chất lượng, mẫu mã của các sản phẩm trên thị trường không còn nhiều khác biệt, khách hàng sẽ tập trung vào việc trải nghiệm trước khi quyết định mua hàng. Quyết định của khách hàng cũng phụ thuộc vào cách các nhân viên đối xử với họ như thế nào.

“Văn hóa doanh nghiệp phù hợp sẽ tạo ra những cảm xúc tích cực để khách hàng có thể cảm nhận thấy, ghi nhận, ghi nhớ. Văn hóa doanh nghiệp cởi mở, kích thích sự sáng tạo, tôn trọng con người, liên tục cải tiến, đặt khách hàng vào trung tâm của mọi hoạt động sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp” - Thạc sĩ Nguyễn Đình Thành nhấn mạnh.

Kết thúc hội nghị, nhiều đại biểu đánh giá, nội dung của hội thảo "đánh trúng" mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong việc tìm cách định vị thương hiệu, xây dựng văn hóa doanh nghiệp góp phần tích cực vào phát triển thương hiệu của doanh nghiệp, từ đó phát triển kinh doanh một cách bền vững.

M. Loan - X.Hinh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/van-hoa-la-tinh-than-cot-loi-dan-dat-doanh-nghiep-thoi-cmcn-40-578137.html