Văn hóa là 'đại sứ thiện chí' trong thời kỳ hội nhập

Lịch sử đất nước qua hàng nghìn năm chứng minh một chân lý bất biến, khi đã có một nền văn hóa đủ mạnh, đủ bản lĩnh thì chúng ta sẽ vững vàng bước ra thế giới, cho dù có hội nhập đến đâu, kinh tế phát triển đến đâu chúng ta vẫn không thể hòa tan, vẫn là một đất nước và con người Việt Nam riêng biệt và kiêu hãnh.

Năm 2007, Việt Nam đã đánh dấu thời kỳ hội nhập bằng một sự kiện quan trọng đó là chính thức ra nhập WTO. Cũng kể từ đây, câu chuyện giữ gìn bản sắc luôn luôn được đặt ra một cách nghiêm túc. Đặc biệt là trong quá trình hội nhập và tăng trưởng kinh tế, thực tế ngày càng cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc, giữ gìn nhân cách và lối sống. Chính là văn hóa, chính là bản sắc dân tộc sẽ định danh mỗi con người, mỗi đất nước trong dòng chảy của thời kỳ toàn cầu hóa.

Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Năm 2002, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) đã đưa ra định nghĩa: “Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”. Theo Bộ trưởng Bộ văn hóa và Thể thao Nguyễn Ngọc Thiện, ở Việt Nam, văn hóa còn là “sứ giả hòa bình”, là “đại sứ thiện chí” trong thời kỳ hội nhập.

Chia sẻ với báo Lao động Thủ đô, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong mục tiêu phát triển của xã hội thời điểm hiện tại, ngành văn hóa tiếp tục khẳng định vai trò của mình và có những đóng góp không thể phủ nhận đối với sự phát triển chung của quốc gia như: nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của xã hội; tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách; bồi bổ tâm hồn, thị hiếu, thẩm mỹ cho công chúng…

Và một điểm mới rất quan trọng là hiện nay văn hóa không chỉ đảm nhiệm chức năng tuyên truyền, giáo dục và sống dựa vào sự bao cấp của các ngành khác, mà đã bắt đầu khai thác được tiềm năng kinh tế trong văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần vào sự tăng trưởng chung của quốc gia.

Có nhiều ý kiến cho rằng, một chính sách phát triển đúng đắn là chính sách làm cho các yếu tố cấu thành văn hóa thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực sáng tạo của con người, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá, thực ra, bản chất của văn hóa là sáng tạo. Văn hóa theo nghĩa rộng là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và tích lũy trong quá trình tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh.

“Hoàn toàn đúng là tính đúng đắn, hiệu quả của một chính sách có thể đo lường, kiểm chứng qua việc nó có giúp cho “chất” văn hóa thấm sâu được vào mọi lĩnh vực sáng tạo của con người, cũng như vào mọi lĩnh vực của đời sống con người nói chung được không. Nếu chính sách đó phù hợp, tương thích với thực tiễn, nó sẽ giúp khơi thông mọi nguồn lực, kích thích các tiềm năng sáng tạo, từ đó khuyến khích các văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao; phát huy được năng lực sáng tạo trong các chủ thể văn hóa ở các cộng đồng, từ đó thu được các kết quả trong các hoạt động và sinh hoạt văn hóa, trong bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, phát triển và sáng tạo văn hóa đương đại, v.v…”, Bộ trưởng cho biết.

Trong những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực, nhiểu hoạt động, nhiều địa bàn. Đó là sự đóng góp công sức và tâm huyết của toàn ngành cũng như toàn xã hội. Về văn hóa, có thể thấy lĩnh vực di sản văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Di sản văn hóa là nơi lưu giữ tốt nhất truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa của dân tộc.

Trong những năm qua, chúng ta đã làm tốt công tác trùng tu, tôn tạo các di tích cũng như bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là gắn với du lịch. Đến nay Việt Nam đã có 26 di sản được UNESCO ghi danh. Các sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được quan tâm.

Về du lịch, Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng ngoạn mục. Về thể thao, những năm gần đây Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển mình ấn tượng của thể thao Việt Nam, đạt được những thành tích đáng tự hào trong bóng đá, bóng chuyền, điền kinh…, đạt nhiều giải thưởng lớn trên các đấu trường khu vực và quốc tế. Điều đó góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế, đồng thời truyền nguồn cảm hứng lớn lao tới mọi người dân Việt Nam, củng cố khối đại đoàn kết, khơi dậy lòng tự hào dân tộc.

Về du lịch, Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng ngoạn mục. Về thể thao, những năm gần đây Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển mình ấn tượng của thể thao Việt Nam, đạt được những thành tích đáng tự hào trong bóng đá, bóng chuyền, điền kinh…, đạt nhiều giải thưởng lớn trên các đấu trường khu vực và quốc tế. Điều đó góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế, đồng thời truyền nguồn cảm hứng lớn lao tới mọi người dân Việt Nam, củng cố khối đại đoàn kết, khơi dậy lòng tự hào dân tộc.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, mặt trái của hội nhập thế giới đã làm cho những thang giá trị có phần bị lệch lạc trong những năm qua. Nhiều biểu hiện xuống cấp của đạo đức, lối sống hiện ra rõ tới mức đáng báo động. Đồng tiền chi phối rất nhiều lĩnh vực, đôi khi làm lung lay tới từng gia đình Việt Nam. Tình nghĩa vợ chồng, đạo nghĩa cha mẹ và con cái không phải không có lúc chao đảo. Quy luật của vật chất chi phối cả vào chốn tâm linh, vào bệnh viện và trường học. Có thể nói rằng thực trạng diễn biến văn hóa những năm qua không tránh khỏi những cuộc “xâm lăng văn hóa” từ nước ngoài.

Nhiều chương trình truyền hình, chương trình ca nhạc, nhiều bài hát, kịch bản phim… xa lạ với văn hóa và bản sắc dân tộc được du nhập vào Việt Nam. Chính vì vậy, nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc trong thời kỳ hội nhập càng được chú trọng hơn bao giờ hết.

“Trong thời kỳ hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, vai trò của văn hóa càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Văn hóa trở thành “sứ giả hòa bình” đem các thông điệp thân thiện, hòa giải, hòa hợp giúp cho nhân loại xích lại gần nhau hơn trong một thế giới đang có rất nhiều xung đột, mâu thuẫn, bất đồng. Đối với Việt Nam, văn hóa là cầu nối đưa chúng ta ra với thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, là “đại sứ thiện chí”, “sức mạnh mềm” hỗ trợ cho các lĩnh vực khác trên trường quốc tế như: kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng.

Mặt khác, cũng nhờ văn hóa mà chúng ta giữ được bản sắc riêng trong quá trình hội nhập. Văn hóa là nơi lưu giữ tốt nhất di sản văn hóa của cha ông để lại, là nơi thể hiện rõ nhất cốt cách, tâm hồn Việt Nam, nhờ đó chúng ta “hòa nhập mà không hòa tan”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/van-hoa-la-dai-su-thien-chi-trong-thoi-ky-hoi-nhap-98724.html