Văn hóa kỳ lạ ở Phố Hiến

Một ngôi làng nằm ven thành phố Hưng Yên (ngày xưa là Phố Hiến) lại mang nhiều phong tục vô cùng lạ đời, được truyền từ nhiều đời. Những tục lệ đó minh chứng cho cái gọi là 'phép vua vẫn thua lệ làng'.

Tục lên lão cho người đã chết
Cái tục lên lão ở thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên cũng đúng như những câu thơ châm biếm trong bài “Lên lão” của cụ đồ Nguyễn Khuyến ngày xưa: “Ông chẳng hay ông tuổi đã già / Năm lăm ông cũng lão đây mà / Anh em hàng xóm xin mời cả / Xôi bánh, trâu heo cũng gọi là…”.

Người ta ai cũng sợ đến tuổi lão bởi theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Nếu sống thọ đến 70, 80, 90 tuổi mới làm lễ mừng thọ. Nhưng ở Đào Đặng bước vào tuổi 55 xem như lên lão và đã trở thành cái tục rất được xem trọng. Người Đào Đặng xem lên lão như một cái gì đó oai phong, nhất định mọi đàn ông bước vào tuổi 55 phải qua thủ tục này, không thì sẽ bị cả dân làng khinh bỉ, coi thường…

Cụ Khái tự hào khoe mũ lên lão của làng mình.

Cụ Khái tự hào khoe mũ lên lão của làng mình.

Chúng tôi tìm gặp cụ Vũ Văn Khái, 85 tuổi, hiện làm chức Thứ Chỉ của làng. Cụ Khái cho biết ở Đào Đặng đàn ông 55 tuổi phải làm lễ tân lão trình dân, trình thánh. Người lên lão phải mang cơi trầu, nước, thuốc, xôi, gà… đi làm lễ ở tất cả các đình, đền, chùa trong làng.

Ngày xưa người ta còn thi nhất xôi, nhất gà, có nghĩa mâm xôi ông lên lão nào đẹp nhất, con gà cúng nào có hồn nhất. Thậm chí người lên lão còn phải thịt hẳn một con lợn béo để khao cả làng. Chính vì vậy, khi xưa ở Đào Đặng có nhiều gia đình khó khăn đã khuynh gia bại sản vì tục lên lão.

Tang ma ở Đào Đặng vẫn còn nhiều hủ tục nặng nề

Cụ Khái cho biết: “Xưa kia nhiều ông đã phải bán cả ruộng, nhà cửa để làm lễ lên lão. Mình ở quê chẳng lẽ lại trốn đi nơi khác, sẽ mất mặt với dân làng lắm. Tuy nhiên, ngày nay tục lệ đã thay đổi, những người lên lão không phải đi trình tất cả các đền, chùa và không phải mang lợn, gà ra cúng tế nữa. Thay vào đó, người lên lão sẽ công đức vào đình chùa một ít tiền và sau đó về nhà mở cỗ khao họ hàng, làng xóm”.

Chính vì vẫn nặng tục lệ ngày xưa, con gà tức nhau tiếng gáy, nên nhiều gia đình ở Đào Đặng đã đua nhau làm cỗ to, cỗ đầy để thể hiện mình. Không chỉ rườm rà ở lễ cúng, khao lão, mà từ 60 tuổi người lên lão ở Đào Đặng còn được phát và mặc những bộ quần áo rất đặc biệt. Thí dụ, khi 60 tuổi làm lễ trung lão (hay còn gọi là tăng thọ), sẽ được phát cho một cái áo tứ thân và một cái mũ có 1 chữ thọ tròn. Đến lão thượng thọ (thất thập 70 tuổi) được phát cho mũ hoa sen, lá tọa có 1 chữ thọ vuông. Đến lão 80 tuổi gọi là thượng thượng thọ, sẽ được làng phát cho cái mũ có 3 chữ thọ vuông… Đến nay lễ lên lão vẫn được các cụ ở Đào Đặng coi như một niềm tự hào.

Tuy nhiên, có 1 điều đặc biệt, các cụ bà trong làng dù thượng thọ đến đâu cũng không được làm lễ lên lão, bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại. Và có một tục nhiều người không ngờ ở làng Đào Đặng còn có tục lão âm (lên lão cho người đã chết). Tục này thực hiện với những người đàn ông đã mất chưa đủ 55 tuổi và khi đến tuổi gia đình sẽ mang lễ ra đền, đình ở làng để cho họ cũng được lên lão ở dưới suối vàng. Tuy không bắt buộc và nặng nề như lão dương, nhưng tục lên lão âm ở Đào Đặng cũng đã có từ lâu.

Ăn chay ngày Tết
Khi sống chuyện lên lão đã nhiều phức tạp, rắc rối, đến khi chết người Đào Đặng cũng vô cùng cầu kỳ chẳng giống ai. Trong lễ đưa thi thể người quá cố vào áo quan, người nhà phải nhờ một ông thầy cúng làm lễ trảm mộc, dùng dao chém 6 nhát vào 6 tấm ván ở quan tài rồi mới đóng nắp lại. Trước khi đưa linh cữu ra nghĩa địa, đội khiêng gồm những thanh niên trai tráng khỏe mạnh của làng bắt đầu làm lễ tập đòn. Có một ông lão cầm cờ chạy theo hình bát quái.

Nhóm thanh niên tập đòn khiêng quan tài chạy vòng quay sân theo hiệu lệnh của ông cầm cờ. Nhưng lạ đời nhất trong phong tục tang ma ở Đào Đặng chính là việc đào huyệt an táng. Theo cụ Khái, việc đào huyệt mộ ở làng vô cùng cầu kỳ và phải đào tam cấp. Nghĩa là huyệt mộ sẽ được đào rộng từ miệng và qua 3 cấp hẹp dần mới đến nơi hạ quan tài. Chính vì thế một huyệt mộ ở Đào Đặng phải to bằng một gian nhà lớn.

Tìm đến nhà ông Nguyễn Đăng Lợi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi của Đào Đặng, ông tâm sự: “Làng tôi xưa nay có tục lệ ăn chay vào ngày Mùng 1 Tết Nguyên đán. Bởi người Đào Đặng xưa nay có tính hướng Phật, chính vì thế ngày Mùng 1 tết mọi nhà trong làng kiêng sát sinh, chỉ làm các loại bánh ăn. Nhưng theo thời gian, phong tục tốt đẹp, tiết kiệm và hướng thiện ấy đã dần dần biết mất. Giờ đây có nhiều nhà đã thịt gà, thịt lợn, rượu chè ăn uống linh đình nên ngày lễ ăn chay mất dần sự nghiêm trang, linh thiêng rồi”.

Những hàng nhãn cổ nổi tiếng vùng Hưng Yên ven con kênh nhỏ lặng lẽ đưa tiễn chúng tôi rời ngôi làng với nhiều tục lệ lạ. Ở ngôi làng này, một phong tục, một nét đẹp văn hóa đang dần mai một, còn những hủ tục vẫn hiện hữu, tồn tại kéo cuộc sống người dân về sự nghèo nàn, lạc hậu. Hơn ai hết, chính người Đào Đặng phải tự mạnh dạn từ bỏ những tục lệ nặng nề, cổ hủ, chí thú làm ăn vượt thoái nghèo khổ, chứ không thể trông chờ sự ban phát lộc tài qua những tục lệ xưa.

Dường như những tục lệ lạ đời, rườm ra, phức tạp, nặng nề dành cho cả người sống lẫn người chết đã tác động lớn đến cuộc sống người dân nơi đây. Đi vòng quanh khắp làng chúng tôi vẫn thấy hiện hữu sự nghèo đói, khó khăn của người dân trực thuộc thành phố, chỉ cách khu Phố Hiến sầm uất chưa đầy 4km.

Văn Hải

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/phong-su-sang-tac/van-hoa-ky-la-o-pho-hien-51171.html