Văn hóa kinh doanh là nguồn lực vô hình trong phát triển DN

Sáng ngày 5/12, tại Hà Nội, Báo Văn hóa phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo 'Văn hóa Doanh nghiệp và Đạo đức kinh doanh'.

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: Thu Uyên

Đây là cơ hội quý báu để các doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và văn hóa gặp gỡ, thảo luận, đồng thời từ đó tiếp tục hoàn thiện thể chế về kinh tế xã hội, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, cùng với đó là tăng cường phổ biến pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế tới từng doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, trừng phạt những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gian lận, làm ăn phi pháp, phi văn hóa gây tổn hại tới các doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp sẽ là cơ sở để giữ chân người lao động và bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp cũng là một cách để xây dựng thương hiệu, tạo dựng hình ảnh, ấn tượng; lòng tin của khách hàng và công chúng về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp và cả chính doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đạo đức kinh doanh là một nguồn lực vô hình, là hệ điều tiết trong quản lý, góp phần vào chất lượng kinh doanh của doanh nghiệp, tạo nên uy tín, tăng thị phần, đem lại doanh thu lớn và lợi nhuận cao, đời sống vật chất tinh thần được nâng lên.

Một số ý kiến tại Hội thảo đánh giá, trên khía cạnh văn hóa kinh doanh, hiện vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế về cơ sở pháp lý, nhận thức, hiệu quả triển khai trên thực tế trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tình trạng doanh nghiệp cố tình vi phạm quyền lợi người tiêu dùng còn khá phổ biến, nhất là ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, an toàn thông tin, chất lượng hàng hóa. Ví dụ, tại Hà Nội trong giai đoạn 2011-2016, các cơ quan chức năng kiểm tra hơn 824 nghìn cơ sở, phát hiện hơn 135 nghìn cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, xử lý hơn 41 nghìn vụ, phạt tiền hơn 18,5 nghìn cơ sở với tổng số tiền phạt trên 92 tỷ đồng, tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo chất lượng giá trị gần 48 tỷ đồng. Năm 2016, tổng số mẫu thực phẩm xét nghiệm là 24.905 mẫu, phát hiện 443 mẫu không đạt tiêu chuẩn quy định chiếm tỷ lệ 1,8%, tiến hành truy xuất nguồn gốc và tiêu hủy gần 10 tấn sản phẩm không đảm bảo ATTP. Một số vụ kéo dài và phức tạp thiếu hợp tác giữa người tiêu dùng với cơ quan chức năng, còn nhà sản xuất thì thiếu tôn trọng khách hàng và chối bỏ trách nhiệm.

Doanh nghiệp hiện nay đang gánh vác sứ mệnh phát triển nền kinh tế của đất nước trong bối cảnh hội nhập. Bản thân mỗi doanh nghiệp phải đề cao đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp, rèn luyện ý chí, nghị lực và tinh thần yêu nước để phát triển doanh nghiệp của mình bền vững.

Có thể nói, văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục như là một quá trình lâu dài, không có hồi kết, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và không kém phần quyết liệt nhằm khẳng định các giá trị chuẩn quốc gia, hình thành môi trường kinh doanh thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, cạnh tranh lành mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp và cả trong giới chức quản lý Việt Nam.

Thu Uyên

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/van-hoa-kinh-doanh-la-nguon-luc-vo-hinh-trong-phat-trien-doanh-nghiep.aspx