Văn hóa 'Không túi nilon': Từ nghĩ 'xanh' đến hành động

Những việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn đang được nhân lên trong từng khu phố, trường học, nơi công cộng, nhà hàng, khách sạn, công sở, doanh nghiệp… nhằm hạn chế tác hại của rác thải nhựa bằng những hành động rất cụ thể, thiết thực.

Chợ Nhớn là khu chợ dân sinh lớn tại TP. Bắc Ninh, một trong những chợ đầu tiên tại miền Bắc thực hiện thí điểm giảm thải rác thải nhựa.

Chợ Nhớn là khu chợ dân sinh lớn tại TP. Bắc Ninh, một trong những chợ đầu tiên tại miền Bắc thực hiện thí điểm giảm thải rác thải nhựa.

Xuân Canh Tý đã đến, các gia đình tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để chào đón một năm mới. Trên khắp mọi nẻo đường, khu phố, công viên, khu vui chơi… đều được dọn dẹp thật sạch sẽ hơn ngày thường.

Đặc biệt, vấn đề sử dụng rác thải nhựa đã được người dân lưu tâm hơn trước. Bởi năm nay, phong trào ấy được tuyên truyền sâu rộng và cho những kết quả đáng khích lệ.

Từ lâu nay, các đồ dùng làm từ nhựa vẫn được sử dụng rộng rãi trong đời sống sinh hoạt, đặc biệt là những vật dụng như túi nilon, chai lọ, hộp nhựa bởi tính tiện lợi, giá thành lại rẻ.

Sử dụng túi nilon cũng là một trong những thói quen của đa số người tiêu dùng tại Việt Nam, từ đựng những đồ tươi sống như rau, củ, quả, thịt, cá cho đến đồ ăn nóng như bánh, bún, xôi, giò. Trong dịp Tết, nhu cầu sử dụng túi nilon tăng gấp nhiều lần.

Chưa bao giờ việc chung tay chống rác thải nhựa tại các tỉnh, thành phố lại trở nên “nóng bỏng” như trong năm 2019. Ngay từ đầu năm, hàng loạt phong trào thi đua, chương trình hạn chế rác thải nhựa diễn ra đã nhận được sự hưởng ứng, quan tâm mạnh mẽ của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, nhân dân… trên tại các tỉnh, thành từ Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế đến Bắc Ninh, Phú Thọ, Kon Tum, Thanh Hóa...

Từ các phong trào, nhận thức của người dân đã có sự chuyển biến tích cực. Dễ dàng nhìn thấy nhất là thay vì sử dụng đồ nhựa dùng một lần, nhiều nơi đã chuyển sang dùng sản phẩm thân thiện môi trường.

Tiên phong trong việc cắt giảm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, Hội phụ nữ tại các địa phương đã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động như: “Ngày không túi ni lông”, tập huấn “Đan làn nhựa đi chợ”…

Các cấp hội phụ nữ ở một số nơi như Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng cũng tổ chức phát miễn phí làn nhựa, túi thân thiện với môi trường cho hội viên đi chợ nhằm âng cao nhận thức về việc sử dụng các sản phẩm dễ tiêu hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường cho chị em phụ nữ, những bà nội trợ.

Không chỉ trong các hộ gia đình, phong trào hạn chế rác thải nhựa cũng được lan tỏa tới các hội kinh doanh như quán ăn, cà phê, khách sạn, siêu thị, đặc biệt là các chợ dân sinh. Các tiểu thương kinh doanh tại chợ Đồng Xuân, chợ Hôm (Hà nội) đã có ý thức hạn chế phát sinh lượng lớn túi nilon bằng những sáng kiến như sử dụng túi giấy đựng đồ lưu niệm, hoa quả sấy khô, đóng nhiều mặt hàng trong một túi ni lông thay vì một sản phẩm đựng trong một túi ni lông như trước.

Là một trong những địa điểm hưởng ứng phong trào "Thanh niên hành động chống rác thải nhựa", lâu nay, Chợ Nhớn (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) với khoảng 270 tiểu thương kinh doanh đã trưng biển "Tại đây không sử dụng túi nilon", "Khuyến khích khách hàng tự mang hộp đựng đồ ăn".

Cùng nhằm thực hiện hạn chế đồ nhựa dùng một lần, tại nhiều địa phương lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế, hay tại các bộ, ngành Trung ương, phong trào giảm thiểu rác thải nhựa cũng đang được đẩy mạnh. Nhiều cuộc họp hiện giờ đã không có sự xuất hiện của nước uống đóng chai nhựa mà thay vào đó là cốc, chai thủy tinh.

Cùng tham gia vào sự thay đổi nhận thức đó, rất nhiều các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê đang từng bước chuyển mình, dần thay thế cốc, thìa, ống hút nhựa bằng sản phẩm thân thiện với môi trường như cốc giấy, ống hút giấy, ống hút inox…

Tại Hà Nội, nhận thấy tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa, trong năm học 2019-2020, các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn đã đăng ký Chương trình thu gom vỏ hộp sữa do Sở TN&MT phối hợp với Sở GD&ĐT cùng các đơn vị liên quan thực hiện.

Hiện nay, Hà Nội đã có 637 trường tại 16 quận, huyện, thị xã với trên 1.000 trường học đăng ký tự nguyện tham gia chương trình.

Từ những thay đổi trên có thể thấy, việc giảm thiểu rác thải nhựa trên cả nước đã có những bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, tỉ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp. Điều này càng khiến việc xử lý rác nhựa thêm phần khó khăn.

Ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết khó khăn vướng mắc nhất hiện nay là vấn đề rác không được phân loại tại nguồn dẫn đến chất lượng rác không đảm bảo khó cho các công nghệ xử lý.

Vì vậy, đối với các nhà máy xử lý phải nghiên cứu kĩ về đặc điểm thành phần rác để đưa ra các công nghệ xử lý phù hợp, hiệu quả. Bổ sung dây chuyền hạng mục phân loại rác, đặc biệt là rác thải nhựa để làm sao thu gom rác thải nhựa phục vụ tái chế.

Các thành phố lớn cần thí điểm mô hình phân loại rác đang tái chế và rác thải phải đem đi xử lý. “Để thực hiện được mô hình này, chúng tôi sẽ kêu gọi các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư, cùng với đó cần có sự vào cuộc của cơ quan nhà nước cùng tham gia. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ có những hệ thống lắp đặt thùng thu gom rác tại khu chung cư, tập thể đưa xuống thu gom giúp nguồn nguyên liệu không lãng phí, có thể đem đi tái chế. Đây là chính sách chúng tôi đã và đang nghiên cứu và sẽ kêu gọi nhà đầu tư, để khi đã đưa ra thí điểm thì phải đồng bộ, đưa ra chính sách hỗ trợ để đạt được thành công nhất định”, ông Mai Trọng Thái nhấn mạnh.

Nhật Nam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/van-hoa-khong-tui-nilon-tu-nghi-xanh-den-hanh-dong/385880.vgp