Văn hóa khoa cử Nhật Bản trước thách thức của thời đại 4.0

Tại Nhật Bản, định kiến xã hội đối với những học sinh thi trượt đại học là rất nặng nề, khiến những thanh niên này chấp nhận hành xác trong các lò luyện thi trong một năm (thậm chí là nhiều năm) cho đến khi bước được chân vào cánh cửa trường đại học mơ ước...

“Ronin” thời hiện đại

Tháng 1 năm nay, 580.000 học sinh Nhật Bản đã tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học thường niên được tổ chức chung toàn quốc, gọi tắt là “cuộc thi chung”. “Cuộc thi chung” là điểm đến cuối cùng trong một chặng đường dài chuẩn bị và ôn luyện vốn bắt đầu ngay từ trường mẫu giáo. Trong ngày quan trọng này, những bà mẹ đến đền thờ cầu nguyện cho con làm bài suôn sẻ, và các học sinh thì mua những con búp bê daruma - được cho là đồ vật sẽ xua đuổi tà ma và mang lại may mắn.

Và may mắn chính là điều họ cần. “Cuộc thi chung” sẽ quyết định xem những ai sẽ được vào các trường đại học hàng đầu, đồng nghĩa với việc tương lai của họ được bảo đảm. Đa số tin rằng, những người tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng sẽ dễ dàng tìm được một việc làm lương cao tại một tập đoàn lớn hoặc một cơ quan chính phủ.

Chính bởi niềm tin này, rất đông học sinh Nhật khi không thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng thường không chấp nhận nhập học những trường xếp hạng thấp hơn mà chờ đợi đến kỳ thi năm sau để để thi lại. Trong khoảng thời gian chờ đợi, những thanh niên này, thường được gọi là “ronin”, dành phần lớn thời gian trong các lò luyện thi. Trong lịch sử cận đại Nhật Bản, “ronin” là từ dành để gọi những võ sĩ samurai không có chủ tướng. Bởi lý do này, họ bị mất địa vị xã hội và bị cấm làm một số nghề nghiệp được cho là cao quý trong xã hội cũ. Việc xã hội Nhật Bản gọi các sĩ tử thi trượt ngày nay là “ronin” nói lên một điều: Tại Nhật Bản, định kiến xã hội đối với những học sinh thi trượt đại học là rất nặng nề, khiến những thanh niên này chấp nhận hành xác trong các lò luyện thi trong một năm (thậm chí là nhiều năm) cho đến khi bước được chân vào cánh cửa trường đại học mơ ước.

Hậu quả tâm lý do việc thua kém trong cuộc đua vào đại học đem lại đối với các học sinh Nhật Bản là vô cùng nặng nề. Trong một nghiên cứu công bố năm 2014, các nhà tâm lý học Nhật Bản phát hiện ra rằng có tới 58% “ronin” được khảo sát bị mắc bệnh trầm cảm, trong đó có khoảng 20% ở mức độ nghiêm trọng. Nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa việc ôn thi căng thẳng tại các lò luyện với tình trạng sa sút sức khỏe tinh thần trong các “ronin”. Theo nghiên cứu này, các “ronin” phải đối mặt với sự mất niềm tin vào bản thân, cảm giác thất bại, sự lo âu, buồn bực, mất bình tĩnh trước triển vọng phải tham gia cuộc thi chung một lần nữa.

Ngoài Nhật Bản, nhiều nước Đông Á khác cũng có văn hóa khoa cử khắc nghiệt như vậy. Một nghiên cứu khác được tiến hành năm 2000 tại Hàn Quốc cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên Hàn Quốc bị mắc bệnh trầm cảm cao hơn tỉ lệ tại Mỹ và chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa tình trạng sức khỏe tinh thần của học sinh Hàn Quốc với áp lực từ hệ thống tuyển sinh đại học ở nước này. Còn tại Trung Quốc, nơi trẻ em phải đối mặt với áp lực trường lớp từ khi còn rất nhỏ, một nghiên cứu năm 2010 cũng chỉ ra rằng môi trường giáo dục canh tranh và khắc nghiệt của nước này đã dẫn đến việc rất đông học sinh tiểu học bị mắc hội chứng rối loạn lo âu và căng thẳng ở mức độ cao với các triệu chứng như đau đầu và đau bụng thường xuyên.

Hệ thống giáo dục sau phổ thông của Nhật Bản cũng đang tạo ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần tương tự như vậy. Nhật Bản có hệ thống giáo dục đại học quy mô, gồm hầu hết là các trường tư thục và một số trường công lập. Bên cạnh “cuộc thi chung”, nhiều trường đại học còn yêu cần thí sinh phải tham gia các cuộc thi tuyển sinh riêng rẽ của mình. Mỗi trường học, và mỗi khoa trong trường, có các nội dung thi tuyển sinh riêng và có thể thay đổi theo từng năm. Đại học Tokyo, trường đại học danh tiếng nhất Nhật Bản, có thang điểm tuyển sinh là 550, trong đó 110 điểm là từ “cuộc thi chung” và 440 điểm là từ cuộc thi riêng của trường.

Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi tại Nhật Bản, cũng như tại Trung Quốc, Hàn Quốc, cuộc chạy đua vào các trường đại học thường bắt đầu từ rất sớm. Một ngành công nghiệp lò luyện thi đã nở rộ, đáp ứng nhu cầu của tất cả các cấp học. Những lò luyện thi này có học phí rất đắt đỏ và có thể lên tới 13.000 USD mỗi năm, tương đương gần 50% thu nhập sau thuế trung bình của các gia đình ở Nhật Bản.

Văn hóa khoa cử khắc nghiệt của Nhật Bản và các nước Đông Á đã mang lại những kết quả nhất định. Khu vực Đông Á sản sinh ra những học sinh, sinh viên xuất sắc nhất trong số các nước phát triển. Học sinh và sinh viên đến từ Hàn Quốc, Thượng Hải, Việt Nam, Đài Loan và Hồng Kông thường đạt được kết quả cao hơn các đối thủ đến từ Mỹ trong các kỳ thi quốc tế, bởi văn hóa khoa cử ở quê nhà đã đặt ra cho họ những kỳ vọng cao hơn.

Như các nghiên cứu đã chỉ ra, những hậu quả của văn hóa khoa cử này vượt ra ngoài phạm trù ví tiền của phụ huynh. Nó buộc trẻ em phải tham gia cuộc đua đại học từ rất sớm, tạo ra một nỗi ám ảnh thường trực và ngày càng trở nên nặng nề hơn khi trẻ lớn lên.

Thách thức cải cách khoa cử

Bộ Giáo dục Nhật Bản đang vạch ra những cải cách có tính đột phá nhằm thay đổi hoàn toàn vai trò của các cuộc thi tuyển sinh trong quy trình tuyển sinh đại học, và thay đổi cách đánh giá tài năng, cũng như trang bị cho học sinh sinh viên những kỹ năng thiết thực hơn cho sự nghiệp sau này.

Nhật Bản không phải nước duy nhất đang tìm kiếm một con đường cải cách hệ thống giáo dục - cũng không phải nước duy nhất đang diễn ra những cuộc tranh cãi xung quanh tác dụng của các cuộc thi tuyển sinh được chuẩn hóa.

Tại Mỹ, khi mô hình thi kiểm tra năng lực học sinh trung học (SAT) được đưa ra năm 1926, nó được cho là một công cụ toàn diện để đánh giá năng lực học thuật của học sinh. Tuy nhiên, qua thời gian, thực tế cho thấy bài thi này không thực sự làm được những mục tiêu nó đề ra. Thay vào đó, SAT được cho là chỉ tạo ra một hệ thống mà những học sinh có điều kiện thuê gia sư và tới các lớp học luyện thi sẽ giành lợi thế trước các học sinh khác. Bởi vậy, ngày càng có nhiều trường cao đẳng và đại học đang đưa ra các chính sách không bắt buộc thí sinh ứng tuyển phải có điểm thi SAT, và đưa ra những tiêu chí thay thế trong hoạt động tuyển sinh. Từ năm 2016, cuộc thi SAT đã được điều chỉnh theo hướng đề cao khả năng phản biện và giảm nhẹ áp lực lo âu với những thí sinh tham gia.

Trở lại với câu chuyện về cải cách “cuộc thi chung” ở Nhật Bản. Bộ Giáo dục nước này đã nhận thấy những mặt tiêu cực của hệ thống khoa cử cũ vốn đề cao học thuộc lòng và chưa quan tâm đúng mức đến các kỹ năng lý luận phản biện. Tuy nhiên, lý do chính mà Bộ Giáo dục đưa ra để giải thích cho những cải cách này không phải vì sức khỏe tâm thần của học sinh sinh viên, mà vì vấn đề kinh tế vĩ mô.

Bà Chihiro Otsuka, một quan chức của Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết, mô hình “cuộc thi chung” hiện tại không còn phù hợp trước những thách thức của thời đại mới: “Trước đây, khả năng học thuộc lòng một lượng thông tin lớn là một khả năng được thị trường lao động đánh giá cao”, bà Otsuka cho biết. “Tuy nhiên, trong thế giới đang thay đổi chóng mặt với sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo, những kỳ vọng đặt ra cho người lao động cũng đang thay đổi”.

Do đặt quá nhiều trọng tâm vào việc học thuộc lòng, “cuộc thi chung” vô tình đã cản trở các nhà giáo dục điều chỉnh chương trình giảng dạy của mình cho phù hợp với xu thế của thời đại. Thay vào đó, họ thường có tâm lý dạy đối phó để học sinh có thể đạt kết quả cao trong cuộc thi. Hậu quả là điều mà các chuyên gia gọi là “hiệu ứng ánh xạ tiêu cực” - và các nhà lập pháp Nhật Bản lo sợ rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đáp ứng của thanh niên nước này trước những đổi thay của nền kinh tế.

Phiên bản “cuộc thi chung” mà Bộ Giáo dục Nhật Bản đang nghiên cứu phát triển được cho là sẽ đánh giá khả năng lý luận, biểu đạt và nhận định vấn đề của học sinh. Bà Otsuka cho biết, “cuộc thi chung” phiên bản mới sẽ khuyến khích không chỉ việc trau dồi kiến thức và phát triển kỹ năng, và còn nuôi dưỡng khả năng đáp ứng với những môi trường nghề nghiệp và nhu cầu thị trường khác nhau.

Bộ Giáo dục Nhật Bản tin tưởng rằng, cải cách khoa cử này sẽ kích hoạt hàng loạt thay đổi trong cách dạy và học ở trường trung học, giúp thế hệ tiếp theo đáp ứng được những thách thức trên thị trường lao động và duy trì được sức cạnh tranh của Nhật Bản trong nền kinh tế toàn cầu.

Cải cách khoa cử là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Nhật Bản nhằm đảm bảo rằng hệ thống giáo dục đại học có thể theo kịp thực tế thời đại - trong đó có thực tế rằng cuộc khủng hoảng dân số nghiêm trọng đang diễn ra tại đất nước này có thể đẩy hệ thống giáo dục đại học vào tình trạng suy thoái. Tỉ lệ thanh thiếu niên tại Nhật Bản đang ngày càng giảm. Năm 1950, Nhật Bản có 16,2 triệu thanh thiếu niên tuổi từ 15-24. Tới năm 2015, con số này chỉ còn 12 triệu. Số lượng thanh thiếu niên ngày càng ít đồng nghĩa với việc các trường đại học không thể tuyển sinh đủ sống lượng và nhiều trường có thể buộc phải đóng cửa, đặc biệt là những trường có xếp hạng không cao.

Trong bất cứ trường hợp nào, các trường đại học ở Nhật không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thích nghi với thời đại mới. Trong khi Bộ Giáo dục không thể giải quyết cuộc khủng hoảng dân số tại nước này, các nhà lập pháp cho rằng việc cải cách hệ thống khoa cử là cách để giúp cho lớp sinh viên còn lại được đào tạo tốt hơn và trang bị tốt hơn cho thị trường việc làm đầy cạnh tranh sau này.

Minh Châu (theo The Atlantic)

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/the-gioi/van-hoa-khoa-cu-nhat-ban-truoc-thach-thuc-cua-thoi-dai-40-80256.html