Văn hóa giữ rừng của dân tộc Hà Nhì

Đến xã biên giới Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, du khách thập phương sẽ bị cuốn hút bởi những khu rừng nguyên sinh quanh năm xanh tốt, cùng nhiều loài thực vật, động vật quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Những khu rừng nguyên sinh còn ở lại với Y Tý xuất phát từ sự tôn trọng, yêu quý rừng, ứng xử nhân văn với rừng của bà con dân tộc Hà Nhì nơi đây.

Say ngắm đất trời Y Tý

Từ trung tâm huyện Bát Xát, chạy dọc Tỉnh lộ 158 khoảng hơn 70km, du khách sẽ đặt chân đến xã Y Tý, được thỏa thích ngắm nhìn những khu rừng già thấp thoáng trong làn sương mỏng. Khu rừng nguyên sinh độc đáo này nằm giữa một thung lũng hình vòng cung, rộng khoảng 8.000ha, trải dài trên 3 xã: Y Tý, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo. Y Tý nằm ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, lưng tựa vào dãy Nhìu Cồ San, gần như quanh năm mây phủ. Y Tý hút hồn du khách bởi những thửa ruộng bậc thang đẹp đến mê hồn, chẳng khác nào một bức tranh thủy mặc được tạo hóa tạc vào thung lũng.

Bộ đội Đội Sản xuất số 3, Đoàn KT-QP 345 giao lưu văn nghệ với người dân giữa rừng già Y Tý.

Theo ông Hầu A Sinh, Chủ tịch UBND xã Y Tý: Toàn xã có 15 thôn, bản với 3 dân tộc cùng nhau sinh sống là Hà Nhì, Dao, Mông, trong đó nhiều nhất là người Hà Nhì, chiếm khoảng 54% dân số của xã. Đặc biệt, thôn nào của người Hà Nhì cũng có một khu rừng thiêng để thờ thần rừng, vị thần bảo hộ cho dân bản. Người Hà Nhì quan niệm rằng, rừng, cây rừng, con thú trong rừng đều có sinh mạng, có đời sống như con người. Trong mỗi khu rừng đều có một vị thần trị vì. Con người với cây, với thú trong rừng đều có quan hệ họ hàng. Một số loài động thực vật còn là vật tổ của các dòng họ. Chính vì vậy, trách nhiệm của con người phải bảo vệ rừng, cũng chính là bảo vệ nguồn sống của con người.

Vô trách nhiệm với rừng sẽ bị phạt nặng

Trong căn nhà trình tường ấm cúng ở bản Lao Chải 1, xã Y Tý, chúng tôi có cuộc trò chuyện thân mật với cụ Chu Thó Xe, 81 tuổi. Khi được hỏi về cách giữ rừng của người Hà Nhì, ông cụ khề khà: “Người Hà Nhì mình quý rừng lắm. Có rừng mới có nước, mới trồng được lúa trên ruộng bậc thang, mới trồng được hoa quả trong vườn. Bao đời nay, người Hà Nhì mình tồn tại được ở đất này đều nhờ vào rừng cả đấy”. Xâu chuỗi những câu chuyện của cụ Chu Thó Xe, chúng tôi được biết, luật tục giữ rừng của người Hà Nhì hằng năm đều được dân bản cùng nhau bàn bạc, thống nhất trong lễ cúng rừng dịp đầu năm và được thầy cúng trịnh trọng đọc trước lễ cúng ở rừng thiêng, cho nên luật tục vừa mang sức mạnh thống nhất ý chí của cả cộng đồng, vừa mang sức mạnh của thần linh với những lời thề trước các vị thần. Luật tục này cũng quy định, bất cứ ai vi phạm rừng cấm, rừng thiêng đều bị xử phạt nặng.

Gắn bó với mảnh đất biên cương này đã nhiều năm nên Trung tá Cao Trần Cử, Đội trưởng Đội Sản xuất số 3, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345 (Quân khu 2) hiểu rõ luật tục giữ rừng của đồng bào Hà Nhì. Anh Cử cho biết: “Nếu cần gỗ để làm nhà, các hộ dân đó phải xin phép kiểm lâm thôn. Kiểm lâm thôn báo cáo già làng, trưởng thôn. Anh đăng ký xin khai thác 4 cây thì chỉ được chặt đúng 4 cây ở khu rừng được phép khai thác. Thậm chí có nơi còn quy định rõ, làm một ngôi nhà tối đa là 15 cây và không được chọn cây quá lớn, không được chặt hạ bừa bãi. Mỗi khi chặt hạ một cây to thì phải trồng một cây con bên cạnh cái cây vừa bật gốc. Nếu anh sử dụng sai mục đích thì sẽ bị cấm vĩnh viễn, không bao giờ được vào rừng lấy gỗ làm nhà nữa”.

Ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, cho biết thêm: "Ở Y Tý, ngay cả việc lấy củi khô để đun nấu, sưởi ấm cũng quy định rõ ràng trong luật tục. Có thôn quy định cụ thể được đi lấy củi vào một ngày nhất định, mỗi nhà được lấy bao nhiêu gùi. Người Hà Nhì đặc biệt khác với các dân tộc khác là họ chỉ mở cửa rừng có một ngày ở khu rừng trồng, được phép khai thác. Theo đó, các hộ gia đình đều được vào đấy lấy củi và chỉ được lấy hai gùi củi khô từ những cây đã chết, không được chặt những cây tươi".

Chúng tôi còn ấn tượng với một điều khoản khá thú vị trong luật tục giữ rừng của đồng bào Hà Nhì: “Bất kỳ ai thấy rừng cháy mà thờ ơ, không dập lửa, hoặc không thông báo kịp thời cho dân làng biết để cứu rừng sẽ bị phạt rất nặng. Phạt luôn cả cái sự thờ ơ, vô trách nhiệm với rừng!”.

Đến giờ thì chúng tôi đã hiểu vì sao trên cùng một địa bàn, trong khi làng của tộc người khác trơ trụi cây xanh thì bao quanh thôn bản của đồng bào Hà Nhì Y Tý vẫn xanh ngắt những cánh rừng già với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, yên ổn chở che cho những mái nhà trình tường cheo leo bên sườn núi.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/van-hoa-giu-rung-cua-dan-toc-ha-nhi-547488