Văn hóa giao thông chưa... 'thông'

TPO – Đúng 14h hôm nay, 20 - 5, các vị khách mời có mặt tại trụ sở báo Tiền Phong (Hà Nội), dự chương trình giao lưu trực tuyến Văn hóa giao thông - Ứng xử của bạn?, do Tiền Phong phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức. Qua phần hỏi - trả lời, nhiều ý kiến thống nhất, văn hóa giao thông của không ít người còn chưa... "thông". Các vị khách mời tham gia giao lưu trực tuyến "Văn hóa giao thông - Ứng xử của bạn?". Ảnh: Minh Đức.

- Ông Nguyễn Trọng Thái – Phó Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.

- Thượng tá Bùi Bá Mạnh – Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông – Công an Thành phố Hà Nội.

- Trung tá Nguyễn Văn Tòng – Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông số 1 - Công an Thành phố Hà Nội.

- Giáo sư Hoàng Chương – Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam; Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu văn hóa giao thông.

- Bạn Phạm Thị Minh Anh - Bí thư Chi Đoàn khu dân cư số 2 - phường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội), Đội trưởng Đội Thanh niên Tình nguyện trực chốt an toàn giao thông tại ngã ba đường Bưởi.

- Trung Úy Lê Văn Quyền - Bí thư Đoàn cơ sở, Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội.

Mở đầu cuộc giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn phát biểu: Thay mặt báo Tiền Phong, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị khách mời và bạn đọc, đã dành thời gian quý báu để tham dự buổi giao lưu trực tuyến hôm nay.

An toàn giao thông là vấn đề nóng bỏng, nhức nhối hiện nay. Kết quả thống kê các vụ tai nạn giao thông, những thiệt hại về người và của hàng năm là những con số làm bất cứ ai cũng phải choáng váng và đau lòng.

Những tổn hại về mặt vật chất và tinh thần do tai nạn giao thông và những vấn nạn khác như ùn tắc giao thông, nguy cơ tai nạn và nỗi sợ hãi luôn rình rập trên đường..., là khó có thể đánh giá hết.

Trong tập hợp hợp những nguyên nhân của thực trạng bức bối trên, bên cạnh hạ tầng giao thông yếu kém, có một căn nguyên rất cơ bản là ý thức và thái độ của người tham gia giao thông.

Chính việc không nhận thức được đầy đủ mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm an toàn giao thông, sự vô trách nhiệm trước sự an toàn về tính mạng và tài sản của người khác và của chính mình mà nhiều người có hành vi không đúng đắn khi tham gia giao thông, khiến cho nặng thì gây tai nạn, nhẹ gây ùn tắc giao thông hoặc thường xuyên gây nguy hiểm và ức chế cho người khác trên đường.

Nhận rõ tầm quan trọng của văn hóa giao thông và sự thiếu hụt của nó trong một bộ phận khá lớn người tham gia giao thông, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và báo Tiền Phong phối hợp phát động cuộc thi “Văn hóa giao thông – Ứng xử của bạn?” từ đầu năm 2010. Đến nay, cuộc thi được rất nhiều bạn đọc hưởng ứng.

Để thu hút đông đảo hơn nữa bạn đọc đến với cuộc thi (còn kéo dài đến hết tháng 8-2011) và cũng để góp phần tuyên truyền nhằm xây dựng một văn hóa giao thông rộng khắp, hôm nay hai đơn vị lại phối hợp tổ chức buổi giao lưu trực tuyến này.

Chúng tôi hy vọng, các vị khách mời và bạn đọc sẽ có nhiều trao đổi thú vị và bổ ích quanh chủ đề hết sức quan trọng này.

Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn. Ảnh: Minh Đức.

Em được biết, những năm gần đây, tình hình tai nạn giao thông ngày càng có xu hướng tăng lên, chủ yếu do vi phạm luật giao thông. Theo ông, cần phải truyền thông như thế nào để người tham gia giao thông nhận thức được mức độ nghiêm trọng của việc vi phạm Luật? (Dương Thị Thoa, 25 tuổi, thoabn45...@yahoo.com )

Ông Nguyễn Trọng Thái - Phó văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Từ năm 2007 đến nay, do thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách nêu trong Nghị quyết 32 của Chính phủ về kiềm chế và giảm tai nạn giao thông (TNGT) nên TNGT đã giảm trong các năm 2008, 2009, 2010.

Đặc biệt, việc thực hiện thành công quy định đội mũ bảo hiểm với người đi mô tô, xe gắn máy, đã góp phần giảm hơn 1.500 người chết vì TNGT năm 2008. Đây là năm giảm nhiều TNGT nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và không ngừng đa dạng hóa những hình thức tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông.

Các tổ chức chính trị xã hội tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

Ủy ban An toàn giao thông đánh giá rất cao vai trò của giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường. Những chương trình giáo dục an toàn giao thông đã và đang được triển khai tại tất cả các cấp học. Tuy nhiên, cũng phải cải tiến, nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc này. Có như vậy, mới hình thành thế hệ trẻ hiểu biết và có ý thức chấp hành Luật giao thông, hình thành văn hóa giao thông.

Thưa Trung tá Nguyễn Văn Tòng: Nạn đua xe về đêm (bão đêm) hiện nay tuy có giảm, song vẫn diễn ra ở nhiều nơi tại địa bàn Hà Nội. Đây là vấn nạn nhức nhối của thành phố, vậy xin anh cho biết, lực lượng cảnh sát giao thông đã phối hợp với cảnh sát cơ động như thế nào để bắt giữ và xử phạt những người vi phạm này? (Lê Viết Sơn, 35 tuổi, anhchang_tramtinh20..@yahoo.com)

Trung tá Nguyễn Văn Tòng: Đội trưởng Đội CSGT số 1- Công an Hà Nội: Trên thành phố Hà Nội nói chung và địa bàn chúng tôi phụ trách nói riêng, nạn đua xe về đêm (bão đêm) đã giảm rất nhiều. Để tổ chức cả một cuộc đua thì không có, mà đó chỉ là bột phát của nhóm, một số ít thanh niên, thiếu niên vì hiếu kì mà tăng ga, lạng lách, bốc đầu trên một đoạn đường nào đó.

Qua nắm bắt tình hình như vậy, chúng tôi thường xuyên bố trí lực lượng những ngày nghỉ, lễ, tết, những ngày diễn ra ngày hội thể thao, ngày hội lớn để chốt chặng ở những tụ điểm thường xuyên tụ tập và cổ vũ đua xe trái phép. Tình trạng này được giải quyết một cách cơ bản.

Chào Minh Anh. Em tham gia đội Thanh niên Tình nguyện trực chốt giao thông lâu chưa? Vì sao em lại chọn công việc tình nguyện này? Ngoài thời gian tình nguyện, em có thường xuyên vận động bạn bè xung quanh chấp hành luật giao thông không? (Đào Thu Hà, 30 tuổi, thuha123...yahoo.com)

Phạm Thị Minh Anh - Bí thư Chi Đoàn khu dân cư số 2 - phường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội): Em tham gia tình nguyện từ năm 2005 tại địa phương.

Em tham gia tình nguyện này vì thấy giao thông Việt Nam và ngay chính tại địa phương mình có nhiều bất cập như ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông... Là công dân và thanh niên tham gia công tác Đoàn, thôi thúc em tự tin, quyết tâm góp sức vào công việc cùng những đoàn viên, thanh niên địa phương.

Ngay cả khi tham gia hỗ trợ lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng giao thông và giải tỏa ách tắc, em cùng các bạn trong đội trực chốt vẫn thường xuyên nhắc nhở những người tham gia giao thông vi phạm những lỗi như: không đội mũ hay không cài dây mũ bảo hiểm, đánh võng lạng lách, đi không đúng phần đường quy định....

Bạn Phạm Thị Minh Anh. Ảnh: Minh Đức.

Mặc dù không ít lần nhận được lời khiếm nhã từ người vi phạm luật an toàn giao thông, nhưng với ý thức và trách nhiệm của thanh niên tình nguyện, em và các bạn trong đội vẫn tích cực, nhiệt tình tham gia nhắc nhở mọi người về văn hóa tham gia giao thông.

Ngoài thời gian tình nguyện, em và các bạn trong đội luôn chấp hành quy định về luật lệ an toàn giao thông, thường xuyên tuyên truyền và vận động bạn bè chấp hành luật giao thông.

1. Vấn đề ATGT hiện nay tại nước ta rất được các lãnh đạo Nhà nước,cơ quan chức năng và cả người dân quan tâm. Nhưng thực tế TNGT vẫn đang xảy ra ngày càng phức tạp. Đó là nỗi kinh hoàng cho người thường xuyên tham gia giao thông, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Với cương vị là người của cơ quan bảo vệ pháp luật, các đồng chí sẽ làm gì để bảo vệ người dân khi tham gia giao thông?

2. Ở một bộ phận giới trẻ hiện nay, văn hóa giao thông rất kém, vì thế nên đưa văn hóa giao thông vào giáo dục, đồng thời tăng chế tài, cũng như bổ sung quyền hạn, trách nhiệm, kinh phí cho lực lượng thi hành nhiệm vụ (Cảnh sát và Thanh tra giao thông,...). Xin cảm ơn các đồng chí! (Nguyen Ngoc Lan, 28 tuổi, ngoclan8..4vp@gmail.com )

Ông Nguyễn Trọng Thái – Phó văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia: Trước hết, thay mặt Ủy ban, tôi xin cám ơn báo Tiền Phong đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến chủ đề Văn hóa giao thông - Ứng xử của bạn?.

Chúng tôi hy vọng, qua cuộc giao lưu này, chúng tôi cùng những người làm công tác an toàn giao thông sẽ nhận được nhiều thông tin, phản ánh của người tham gia giao thông hoặc những người quan tâm vấn đề an toàn giao thông, nhất là những đề xuất, giải pháp về kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Năm 2010, báo Tiền Phong tổ chức cuộc thi Văn hóa giao thông - Ứng xử của bạn? với mục đích nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, tạo thói quen tự giác chấp hành quy tắc giao thông, có hành vi ứng xử văn minh, chuẩn mực khi tham gia giao thông, đặc biệt, đối với các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Chúng tôi hy vọng, bạn đọc báo Tiền Phong sẽ ủng hộ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia về xây dựng văn hóa giao thông.

Ông Nguyễn Trọng Thái. Ảnh: Minh Đức.

Trong quá trình triển khai, chúng tôi được sự hỗ trợ mạnh mẽ của T.Ư Đoàn với cuộc vận động Thanh niên với văn hóa giao thông, và giáo sư Hoàng Chương – Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam; Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu văn hóa giao thông - tổ chức Hội thảo Quốc gia về văn hóa giao thông năm ngoái. Nhiều nhà văn hóa, nhà quản lý, tri thức đã rất quan tâm và đưa ra giải pháp hữu hiệu xây dựng văn hóa giao thông một cách tốt nhất.

Giáo sư Hoàng Chương: Sinh hoạt thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng luật pháp đã diễn ra từ rất lâu rồi, đặc biệt với thanh niên. Vấn nạn hiện nay là nhiều người rất thiếu ý thức trong việc chấp hành luật lệ giao thông.

Năm 2010, chúng tôi tổ chức bốn hội thảo "Văn hóa giao thông" cấp quốc gia, từ Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP Hồ Chí Minh, mời lực lượng rất đông đều là thanh niên và sinh viên. Vì hiếu động, đi theo lối sống tự do, đã dẫn đến những hành vi không đúng như phóng xe máy bạt mạng, không đội mũ bảo hiểm...

Đó là những nỗi băn khoăn, nhức nhối. Tôi nghĩ, Tiền Phong là báo của tuổi trẻ, thanh niên, nên tôi cho rằng, các bạn tổ chức cuộc thi "Văn hóa giao thông - Ứng xử của bạn?" rất hay.

Chúng ta nên tuyên truyền ý thức cho thanh niên bằng những cuộc thi như thế này, điều đó rất có ý nghĩa. Tôi hy vọng, những cuộc thi như thế này sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa, mở rộng hơn nữa.

Em được biết, gần đây, có tăng tiền phạt khi phạm luật giao thông. Vậy từ ngày thực hiện số lượng người vi phạm có giảm (theo số liệu thống kê của các anh)?. Theo anh, cách đánh vào tài chính của người dân có hiệu quả trong việc nâng cao văn hóa tham gia giao thông không? (Mai Đình Tùng, 27 tuổi, tungdinh...@gmail.com)

Thượng tá Bùi Bá Mạnh - Phó trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội: An toàn Giao thông là vấn đề không của riêng ai và với chúng tôi, những người cảnh sát giao thông, thì luôn coi đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

Chúng tôi đã có nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông như tuyên truyền Luật giao thông, tổ chức lại giao thông của thành phố, chỉ huy điều khiển giao thông, đồng thời cũng tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát và xử lý những hành vi vi phạm luật giao thông. Đây là biện pháp cưỡng chế, nhằm tạo cho mọi người chấp hành luật giao thông nghiêm túc.

Biện pháp xử phạm vi phạm bằng cách tăng mức phạt cao đã tác động tích cực tới việc chấp hành luật của những người tham gia Giao thông. Song, hiện nay, nhiều người vẫn vi phạm Luật Giao thông. Lực lượng CSGT và các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường và duy trì việc tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý những vi phạm thật triệt để thì mới giảm được những vi phạm dẫn tới tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Thượng tá Bùi Bá Mạnh - Phó trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội. Ảnh: Minh Đức.

Năm 2010, trên địa bàn Hà Nội đã xử lý gần 500 nghìn trường hợp vi phạm an toàn giao thông và thu tới 90 tỷ đồng tiền phạt. Tuy nhiên, theo nhận định của tôi, đây mới chỉ xử phạt được khoảng 30-40% những trường hợp Vi phạm.

Việc đánh vào tài chính nhằm làm giảm thiểu tới mức tối đa những vụ vi phạm giao thông hiện nay. Nếu người dân chấp hành tốt luật giao thông thì không ai có thể xử phạt họ được.

Theo tôi văn hóa giao thông chính là chấp hành luật giao thông và cũng là đạo đức của người dân khi tham gia giao thông nhằm đảm bảo tính mạng cũng như tài sản của chính bản thân họ và những người tham gia giao thông.

Hiện nay, ô tô ngày càng nhiều nhưng đường xá vẫn không được mở rộng hay mở thêm nhiều tuyến mới. Tôi xin hỏi nhà nước có chính sách gì để giảm tải tình trạng tắc đường và quá tải cho người tham gia giao thông? (Chu Thị Vân Anh, 23 tuổi, vananhbck52..0201@gmail.com )

Ông Nguyễn Trọng Thái – Phó văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia: Trong thời gian qua, Nhà nước và Chính phủ cũng như các địa phương đầu tư rất lớn để cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường bộ. Hệ thống quốc lộ đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp toàn tuyến. Do đó, đã cải thiện được về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, so với sự phát triển kinh tế nhanh và ổn định trong thời gian qua, cũng như sự tăng trưởng phương tiện cơ giới đường bộ thì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được, đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tình hình ùn tắc giao thông vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là vào giờ cao điểm tại một số tuyến và vị trí trọng điểm.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2011 - 2015 mà Đại hội Đảng XI đề ra, phát triển hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá. Đây là điều kiện hết sức quan trọng, thuận lợi để cải thiện hệ thống giao thông đường bộ hiện nay.

Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đường bộ 2020 cũng như quy hoạch hệ thống đường bộ cao tốc. Trong thời gian tới, chính phủ cũng như các địa phương sẽ quan tâm, đầu tư về vốn, có chính sách huy động nguồn lực trong nước và ngoài nước để xây dựng hệ thống đường, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, cũng như hệ thống giao thông đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Thưa giáo sư Hoàng Chương. Cháu đã được chứng kiến rất nhiều người băng qua đường mà không đi qua cầu vượt dành cho người đi bộ, phải chăng chúng ta xây dựng hệ thống cầu vượt là quá lãng phí? Theo bác, cách nào để mọi người có "văn hóa sử dụng cầu vượt để qua đường"? (Nguyễn Bích Thủy, 20 tuổi, thuyhn...@yahoo.com)

Giáo sư Hoàng Chương: Xây dựng cầu vượt để giải quyết vấn đề ách tắc và đảm bảo an toàn giao thông là rất cần thiết, nhưng lại đi đôi với vấn đề giải quyết nếp sống văn hóa như thế nào?

Từ trước đến nay, chúng ta không có cầu vượt, nên thói quen đi tự do, muốn là băng nhanh qua đường đã có từ rất lâu. Mà sửa thói quen rất khó. Đáng ra, chúng ta phải có cầu vượt từ rất lâu thì mọi chuyện đã khác.

Hiện nay, cần giáo dục, thậm chí phải thành quy định, bắt buộc người đi qua đường phải đi qua cầu vượt thì mới được. Nó vừa giải quyết vấn đề an toàn giao thông, vừa giải quyết vấn đề tránh lãng phí tiền của khi xây dựng cầu vượt.

Giáo sư Hoàng Chương. Ảnh: Minh Đức.

Chào Trung tá Nguyễn Văn Tòng. Tôi có một thắc mắc bấy lâu nay chưa tìm được giải đáp thỏa đáng, đó là tại sao tình trạng người đi xe ga hạng sang như SH, Air Blade, Yamaha Mio, Mio Classio,...vẫn ngang nhiên vi vu trên phố mà ít bị bắt hoặc xử phạt, trong khi những người đi xe số bình thường hay bị phạt hơn? Rất mong anh trả lời cho mọi người rõ hơn về thực trạng này! Cảm ơn anh! (Nguyễn Anh Thư, 28 tuổi, nhoque5..55@yahoo.com)

Trung tá Nguyễn Văn Tòng: Đội trưởng Đội CSGT số 1- Công an Hà Nội: Thời gian qua, đối với việc vi phạm luật lệ giao thông thì bất kì ai, đi phương tiện gì khi vi phạm giao thông đều bị xử lí như nhau.

Tuy nhiên, những xe máy phân khối lớn (xe hạng sang như SH, Air Blade,...) thường do thanh thiếu niên điều khiển. Những đối tượng này, qua phân tích thấy, phần lớn là thanh thiếu niên ở thành phố. Do vậy, lực lượng cảnh sát giao thông, thời gian qua, đã tập trung xử lí nghiêm khắc những đối tượng này khi vi phạm. Thậm chí, có những chuyên đề chỉ tập trung vào những thanh thiếu niên vi phạm khi tham gia giao thông chứ không phải cảnh sát giao thông ngại xử lí.

Hiện tượng một số đơn vị khi tuần tra, kiểm soát giao thông còn "mai phục, ẩn nấp", không bật đèn báo hiệu theo quy trình, làm giảm lòng tin của người tham gia giao thông, ngành công an có biện pháp gì chấn chỉnh?

Thượng tá Bùi Bá Mạnh - Phó trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội:

Cám ơn bạn đã có câu hỏi trên!

Việc CSGT và những lực lượng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông còn "mai phục, ẩn nấp" như bạn đọc nêu là vi phạm những quy định của Quy trình tuần tra kiểm soát. Chúng tôi đã thường xuyên kiểm tra, giáo dục nhằm hạn chế những trường hợp vi phạm trên.

Tuy nhiên, tôi cũng đã nhận được nhiều ý kiến của những người tham gia giao thông, của nhân dân, của bạn bè cho rằng: Việc đứng khuất một chỗ mới xử lý được những người khi tham gia giao thông thiếu tự giác chấp hành luật là cần thiết (như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy đinh...). Nếu người dân tham gia giao thông đều thực hiện đúng luật thì CSGT đứng ở vị trí nào cũng không quan trọng.

Sắp tới, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia có triển khai kế hoạch cụ thể gì để giảm thiểu tình hình tai nạn giao thông không? (Đinh Văn Chiến, 27 tuổi, chienhn...@gmail.com )

Ông Nguyễn Trọng Thái – Phó văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia: Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện Chiến lược An toàn giao thông đường bộ quốc gia đến 2020, tầm nhìn 2030. Hiện nay, chương trình đang chờ Chính phủ phê duyệt. Đây là định hướng quan trọng cho công tác đảm bảo an toàn giao thông đường bộ trong những năm tới.

Ngoài ra, Ủy ban còn triển khai một số giải pháp hạn chế TNGT như việc phòng chống uống rượu bia khi điều khiển phương tiện. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ sơ kết bốn năm thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ để tìm kiếm các giải pháp mới cho phù hợp tình hình hiện tại và 10 năm tới.

Những đối tượng nào có quyền bắt lỗi vi phạm giao thông, ngoài lực lượng cánh sát giao thông và cánh sát cơ động? (Chu Thị Vân Anh, 23 tuổi, vananhbck520201@gmail.com)

Thượng tá Bùi Bá Mạnh - Phó trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội: Bạn Vân Anh thân mến. Việc bắt lỗi vi phạm giao thông, ngoài lực lượng CSGT thì các lực lượng khác như cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, Công an các quận phường khi được giao nhiệm vụ xử lý một số chuyên đề, một số tuyến đường được sự phép của Giám đốc Công an TP Hà Nội thì được quyền dừng và xử lý các lỗi vi p

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tuong-tac/truc-tuyen/538758/van-hoa-giao-thong-chua-thong-tpov.html