Văn hóa Ê Đê bị thuyết giảng sai lệch trong sách Tiếng Việt lớp 5

Văn hóa Ê Đê có những đặc thù riêng biệt, hoàn toàn không giống như cách miêu tả của tác phẩm 'Buôn Chư Lênh đón cô giáo' trong sách Tiếng Việt lớp 5.

 Tác phẩm "Buôn Chư Lênh đón cô giáo" trong sách Tiếng Việt lớp 5.

Tác phẩm "Buôn Chư Lênh đón cô giáo" trong sách Tiếng Việt lớp 5.

Văn hóa Ê Đê ở vùng Tây Nguyên đã góp những nét độc đáo vào di sản văn hóa Việt Nam. Văn hóa Ê Đê từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh nổi tiếng, mang lại sự thú vị cho công chúng nhiều lứa tuổi. Vì vậy, khi đưa những bài học liên quan đến văn hóa Ê Đê vào sách giáo khoa, không thể chấp nhận bất cứ sự dễ dãi và tùy tiện nào.

Tình cờ đọc trên báo TT&VH có bài ca ngợi ca ngợi nhà văn Hà Đình Cẩn có tác phẩm “Buôn Chư Lênh đón cô giáo” được đưa vào sách Tiếng Việt 5 là “một chuyện lạ đường rừng” hấp dẫn, tôi rất tò mò. Tìm mượn cuốn sách Tiếng Việt lớp 5 tập một do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam ấn hành, tôi giật mình khi đọc “Buôn Chư Lênh đón cô giáo”.

Nếu chỉ xét dưới góc độ truyện ngắn - một tác phẩm văn chương - thì “Buôn Chư Lênh đón cô giáo” khá hấp dẫn. Lời văn trong sáng, giàu chất thơ. Đoạn văn ngắn mà có nhiều chi tiết lạ, nhiều tình huống gay cấn như kịch... Nhưng xét về mục đích mà Tiếng Việt lớp 5 muốn truyền thụ kiến thức văn hóa, xã hội, ngôn ngữ cho học sinh, thì có nhiều chi tiết cần phải bàn bạc, xem xét lại.

Đoạn trích bài tập đọc “Buôn Chư Lênh đón cô giáo” (trang 144) có nhiều chi tiết mà tôi (một người đã ở Tây Nguyên gần 40 năm) và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên có chung nhận định: tác giả hư cấu theo dạng “chuyện lạ đường rừng” để tác phẩm thêm hấp dẫn. Khi nó nằm trong tập truyện ngắn, thì người đọc có thể “thông cảm”, bởi văn chương cho tác giả “cái quyền” hư cấu, lạ hóa chi tiết… nhưng khi đưa vào sách giáo khoa để dạy cho học sinh tiểu học thì nhất định phải đúng đắn, chuẩn mực.

Bối cảnh của đoạn văn xảy ra ở “Buôn Chư Lênh”, tức là xảy ra ở một làng của người Ê Đê, thuộc tỉnh Đắk Lắk. Bởi, ở Tây Nguyên chỉ có người Ê Đê mới gọi làng là “buôn” (các dân tộc khác có cách gọi khác, ví dụ người M’nông gọi là “bon”, người Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng... ở Gia Lai, Kon Tum gọi là “plei”, một số dân tộc ở Kon Tum gọi là “kon”). Đắk Lắk cũng là nơi sinh sống chủ yếu của người Ê đê (các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên có người Ê Đê sinh sống nhưng rất ít). Nội dung của đoạn văn kể việc buôn Chư Lênh đón tiếp cô giáo Y Hoa “đến mở trường bằng nghi thức trang trọng nhất dành cho khách quý”.

Có hai chi tiết được xem là “lạ”, “hấp dẫn”. Chi tiết thứ nhất là “mấy cô gái vừa lùi vừa trải những tấm lông thú thẳng tắp từ đầu cầu thang tới cửa bếp giữa sàn” để đón khách quý là cô giáo Y Hoa. Chi tiết thứ hai là khi cô giáo Y Hoa đã vào nhà thì già Rok- trưởng buôn trao cô giáo con dao, cô giáo “nhằm vào cây cột nóc chém một nhát thật sâu vào cột. Đó là lời thề của người lạ đến buôn”.

Cả hai chi tiết “lạ”, “hấp dẫn” này, cả hai nhà nghiên cứu văn hóa dân gian là Tiến sĩ Lương Thanh Sơn (nguyên giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk) và nhà văn Linh Nga Niê Kđăm, đều khẳng định là không có trong văn hóa nghi lễ của người Ê Đê, càng không có trong thời hiện đại (thời đã có cô giáo đi mở trường học). Chỉ có thể có trong các chuyện cổ, sử thi mà thôi.

Tác giả Đặng Bá Tiến đã có hơn 40 năm sống với đồng bào Ê Đê ở Đắk Lắk.

Chi tiết “nhằm vào cây cột nóc chém một nhát thật sâu” cũng thể hiện căn nhà đón khách không phải căn nhà của người Ê Đê. Bởi lẽ, người Ê Đê ở nhà dài, không có cột nóc. Chỉ có các tộc người khác, như Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng, Giẻ Triêng... ở Gia Lai, Kon Tum mới có nhà có cột nóc, đó là nhà rông. Rõ ràng ở đây đã có sự hư cấu và lẫn lộn về văn hóa sinh hoạt, văn hóa kiến trúc giữa các tộc người Tây Nguyên.

Cả tên gọi của cô giáo Y Hoa cũng là cách gọi của các tộc người ở Kon Tum, Gia Lai. Người Ê Đê không gọi phái nữ là “Y” mà là “H” (ví dụ H’Linh, H’Xíu). Tuy vậy, chi tiết này có thể chấp nhận được (bởi cô giáo là người dân tộc này vẫn có thể đi dạy học ở vùng dân tộc khác).

Một chi tiết nữa không chính xác trong cách dùng từ của bài tập đọc này là “Y Hoa lấy trong gùi ra một trang giấy”. Ở đây tác giả đã dùng từ “trang” không đúng. “Trang ” là “Mỗi mặt của từng tờ giấy trong sách, báo, vở” (Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, 2000). Vậy thì làm sao để cô giáo Y Hoa có thể lấy ra được “một trang giấy”?. Từ dùng đúng ở đây phải là “tờ”, “lấy trong gùi ra một tờ giấy”.

Đấy là những điều chúng tôi xin được trao đổi cùng nhóm tác giả biên soạn sách Tiếng Việt lớp 5 tập một với mong muốn: ở lần tái bản tới cuốn sách sẽ được chỉnh sửa tốt nhất để con em chúng ta được học những điều đúng đắn nhất, chuẩn mực nhất.

ĐẶNG BÁ TIẾN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/van-hoa-e-de-bi-thuyet-giang-sai-lech-trong-sach-tieng-viet-lop-5-d292215.html