Văn hóa đọc với thanh niên: Đọc sách để khởi đầu…

Giới trẻ đang tiếp cận với sách và văn hóa đọc bằng rất nhiều hình thức. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, dù với hình thức nào thì những tri thức mà sách mang đến cho chúng ta luôn là những giá trị bất biến…

Người trẻ luôn hào hứng khám phá những cuốn sách mới (nguồn Internet)

Tại tọa đàm Thanh niên với văn hóa đọc trong khuôn khổ Ngày hội sách 2021 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng văn hóa đọc của thanh niên hiện nay đã phong phú hơn trước rất nhiều. Theo nhà thơ Hữu Việt, Trưởng Ban Văn hóa văn nghệ của Báo Nhân Dân, thanh niên thời nay rất nhanh nhạy với việc áp dụng công nghệ mới, họ có quá nhiều thuận lợi để áp dụng phương tiện hiện đại cho việc đọc và tiếp cận sách báo. Với một chiếc laptop hay điện thoại thông minh, người ta có thể ung dung “đi vào” thế giới, san bằng mọi trở ngại về không gian và thời gian… Bên cạnh đó, các yếu tố như điều kiện kinh tế, thông tin kịp thời cũng giúp người trẻ nhanh chóng sở hữu bất cứ cuốn sách nào mà họ yêu thích.

TS Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho hay, cũng chính vì có nhiều thuận lợi xoay quanh việc đọc mà thanh niên ngày nay không còn bị thiếu hụt kiến thức và kỹ năng sống. “Không có một mẫu số chung về cuốn sách gối đầu giường cho mọi thế hệ. Bản thân mỗi người đều có riêng cho mình cuốn sách yêu thích, tâm đắc. Bởi thế mới có chuyện thay vì các cuốn sách từng được yêu thích của những năm trước đây như Mãi mãi tuổi 20, Lê Vân yêu và sống, Thép đã tôi thế đấy, Bông hồng vàng và Bình minh mưa… việc đọc theo mốt Thế giới phẳng, một cuốn sách thành công của nhà kinh tế - xã hội học Thomas Friedman, hay truyện tranh Nhật Bản hiện nay là điều hoàn toàn dễ hiểu”, bà Hồng nói.

Thiếu sách dẫn đến việc bị hạn chế trong việc tìm kiếm thông tin tri thức nhân loại là nỗi khổ của thế hệ bạn đọc mấy thập kỷ trước đây. Ngày nay, mặc dù vấn đề này đã thuận lợi hơn rất nhiều song vẫn chưa được thế hệ trẻ tận dụng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cho biết, chưa có số liệu cơ sở nào để thống kê đầy đủ mỗi người Việt đọc bao nhiêu cuốn sách một năm, cũng theo đó, không điều tra nào cho thấy học sinh từng cấp hay thanh niên đọc sách như thế nào. Tuy nhiên ở Nhật, cứ 5 năm lại có một cuộc điều tra dân số phối hợp điều tra về việc đọc sách. Số liệu mới nhất công bố, đối tượng từ 16 tuổi trở lên chiếm 53% dân số Nhật trong vòng 1 tháng đọc 1 cuốn sách; so với những năm 1990, con số này đã giảm xuống 4 lần. Hằng năm, đối tượng dưới 16 tuổi này mượn từ hệ thống thư viện công 300 triệu bản sách và nếu so với số dân 129 triệu, đây là con số khổng lồ và đáng mơ ước của người Việt.

Các diễn giả cũng đồng tình, bản thân người Nhật có văn hóa đọc một phần nhờ công tác xuất bản, phát hành linh hoạt và phong phú. Mặc dù không có Luật Xuất bản nhưng họ giới hạn các loại sách cho từng đối tượng. Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Khuất Thị Hoa Phượng bày tỏ, công tác xuất bản cho thanh niên Việt Nam hiện cũng đang học theo mô hình các nước tiên tiến. Với hơn 60 nhà xuất bản (NXB) và nhiều công ty sách tư nhân, các NXB nhà nước được phân chia chức năng, nhiệm vụ rất rõ ràng. Ví dụ, NXB Trẻ sẽ phục vụ chuyên biệt cho giới trẻ, hay NXB Phụ nữ mặc dù không có chức năng phục vụ thanh niên song có một bộ phận nữ trẻ rất cần sách của chúng tôi. Rồi NXB Kim Đồng, ngoài sách dành cho lứa tuổi nhỏ còn có tầng lớp thanh, thiếu niên...

Nhìn vào bức tranh chung, khu vực tư nhân như các nhà sách Nhã Nam, An Pha, Đinh Tỵ, Thái Hà, Liên Việt... cũng đang đầu tư nhiều mảng sách dịch dành cho độc giả trẻ. Bà Hoa Phượng đánh giá, sách dịch cho thanh niên tại Việt Nam đang làm khá tốt. Hầu như cuốn sách của tác giả nổi tiếng nào trên thế giới cũng có mặt tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, nếu quan sát sức mua và sức đọc của thanh niên sẽ thấy, nhiều khi chỉ bắt đầu từ một đoạn tản văn, mẩu chia sẻ ngắn nhưng chứa đựng các quan sát, tư tưởng, góc nhìn mới sẽ kích thích họ khát khao được bung phá, thử nghiệm để khởi đầu... Những nhà làm sách Việt cứ nhìn vào nhu cầu này để tăng lượng sách xuất bản, kích thích sự đọc của thanh niên”.

THU HƯƠNG

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/%C4%91oi-song/ban-tre/artmid/589/articleid/39555/van-hoa-doc-voi-thanh-nien-doc-sach-de-khoi-dau%E2%80%A6