Văn hóa doanh nghiệp – Yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững

Doanh nghiệp là nơi tập hợp những con người khác nhau về trình độ chuyên môn, quan hệ xã hội, tư tưởng văn hóa…, sự khác nhau đó tạo ra một môi trường làm việc đa dạng.

Để doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn lực của mọi con người, gia tăng giá trị của từng cá nhân đơn lẻ, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng và duy trì một nếp văn hóa đặc thù, phát huy được năng lực và thúc đẩy sự đóng góp của tất cả mọi người vào việc đạt được mục tiêu chung của tổ chức – đó là văn hóa doanh nghiệp.

Để cạnh tranh thành công trên thương trường thì sự khác biệt là rất quan trọng. Có thể với cùng một loại sản phẩm, công nghệ giống nhau nhưng khách hàng chọn mua của doanh nghiệp này mà không mua của doanh nghiệp kia, điều đó phụ thuộc vào cách ứng xử, các nguyên tắc kinh doanh và tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp này hơn doanh nghiệp kia.

Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa, văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình, là hồn cốt của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp được xây dựng từ người lãnh đạo đến nhân viên nhằm tạo ra môi trường làm việc hiệu quả để thực hiện mục tiêu cuối cùng là tạo ra sản phẩm, dịch vụ hướng đến người tiêu dùng và cộng đồng.

Khi nhìn ra trường quốc tế, chúng ta nhận thấy các quốc gia có nền kinh tế vững mạnh đều có một nền văn hóa doanh nghiệp đặc sắc. Như Mỹ, Nhật là các quốc gia quản lý doanh nghiệp tốt, bởi họ xây dựng văn hóa doanh nghiệp hợp lý, kích thích được hứng thú lao động và niềm say mê sáng tạo của con người.

Sản phẩm dây cáp điện Trần Phú được khách hàng tin dùng.

Việt Nam ngày nay cũng có những thương hiệu được xây dựng dựa trên những cam kết về giá trị bền vững, nhờ việc đề cao những nguyên tắc và giá trị tiến bộ, phù hợp với xu thế của thời đại mà đã có những sản phẩm được khách hàng yêu thích và đón nhận.

Trong quá trình phát triển, mỗi doanh nghiệp đều nỗ lực xây dựng một hệ thống quan điểm giá trị tạo ra sự hài hòa trong nội bộ doanh nghiệp, một không khí văn hóa tích cực để phát huy thế mạnh văn hóa của tập thể, tăng cường sức mạnh nội lực của doanh nghiệp.

Nhiều phương thức, hình thức đa dạng đã được áp dụng vào quản trị doanh nghiệp nhằm xây dựng môi trường kinh doanh hiệu quả, như mô hình “dàn nhạc” tại CTCP Cơ điện Trần Phú.

Tại đây, bộ máy của doanh nghiệp được ví như một dàn nhạc, có phân vai các nhạc công và nhạc trưởng. Công ty có nhiều người làm việc với nhiều loại công việc khác nhau nên được tổ chức thành nhiều cấp khác nhau, thành nhiều dàn nhạc nhỏ mới “chỉ huy” được.

Việc chỉ huy của công ty được thực hiện thông qua các quy chế, quy định và thông qua điều hành hàng ngày của cán bộ quản lý ở các cấp khác nhau. Các cán bộ này từ tổ trưởng sản xuất, phó phòng trở lên đều có thể gọi là các nhạc trưởng, trong các công ty thường gọi là sếp. Tuân thủ các quy chế, quy định của công ty chính là tiếp nhận sự chỉ huy của công ty. Tuy nhiên, các quy chế và quy định này không đủ chi tiết và cụ thể nên luôn luôn cần sự điều hành hàng ngày của các sếp ở các cấp khác nhau, được quy định trong chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi sếp và trong khuôn khổ pháp luật.

Cơ Điện Trần Phú quan tâm tới đời sống của cán bộ công nhân viên trong công ty

Trần Phú đòi hỏi các nhạc công có 3 phẩm chất: Chịu - Kỷ - Thật (Chịu khó - Kỷ luật - Làm thật), các nhạc trưởng phải có 3 phẩm chất: Chí – Gương – Sáng (Chí công – Gương mẫu – Sáng suốt). Các phẩm chất quý tạo nên thành công của nhạc công, nhạc trưởng không chỉ có vậy, nhưng với Trần Phú đây là những phẩm chất tối quan trọng.

Ông Đặng Quốc Chính, Tổng giám đốc CTCP Cơ điện Trần Phú chia sẻ, Trần Phú theo đuổi sự công bằng và mỗi ngày phấn đấu tiệm cận nhiều hơn với sự công bằng. Còn nhiều tiêu chí đáng quý để theo đuổi nhưng hàng đầu và trước hết là sự công bằng. Văn hóa công ty có nhiều nội dung, trong đó cách nghĩ, cách làm, phong cách là bộ phận cốt lõi. Tại Trần Phú, sự văn minh, thân thiện và năng lực thực luôn được đề cao, thu nhập gắn chặt với đóng góp mà cá nhân, tập thể dành cho công ty.

Với câu hỏi “Chúng ta đến Trần Phú làm gì?” mà tự bản thân đặt ra, doanh nghiệp định hướng câu trả lời và thực hiện theo đúng định hướng đó: đến công ty để làm việc và kiếm tiền; để hoàn thiện bản thân và thể hiện bản thân qua công việc; để được tôn vinh, được quý trọng vì những đóng góp cho Trần Phú và cả vì những ứng xử, giúp đỡ, chăm sóc mà mỗi người dành cho nhau trong Trần Phú bất kể là nhạc công hay nhạc trưởng.

Tại Trần Phú, sự văn minh, thân thiện và năng lực thực luôn được đề cao

Tại Trần Phú, sự văn minh, thân thiện và năng lực thực luôn được đề cao

Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp sẽ giúp định hướng, đồng bộ hành vi của tất cả các nhân viên, hướng tới mục tiêu chung của tổ chức, nâng cao năng suất làm việc, gắn kết và tạo động lực cho nhân viên, là nam châm thu hút nhân tài cũng như tạo dựng cho doanh nghiệp một lợi thế cạnh tranh bền vững. Điều đó đã được thể hiện trên thực tế Trần Phú là công ty có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao nhất so với các công ty cùng ngành và cùng khu vực. Sản phẩm dây và cáp điện của Trần Phú là một trong những thương hiệu được lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.

“Những gì Trần Phú đang thực hiện trong văn hóa doanh nghiệp chưa phải là tất cả những cái chúng tôi cần, nhưng là cái chúng tôi đã có và cần củng cố hoàn thiện ngay, sau đó bổ sung tiếp và áp dụng tiếp. Đó là con đường hoàn thiện của chúng tôi” - ông Đặng Quốc Chính nhấn mạnh.

Một doanh nghiệp luôn coi trọng sự cạnh tranh công bằng, hướng tới đổi mới và phát huy sự sáng tạo, quan tâm và sẻ chia nguyện vọng giữa các thành viên, chú trọng việc đem lại giá trị cho khách hàng… sẽ tạo nên một nền văn hóa đặc trưng; tạo được sự gắn kết và thống nhất giữa các thành viên, giúp các thành viên hiểu rõ giá trị và vai trò của bản thân, tạo động lực phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín cho doanh nghiệp.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/van-hoa-doanh-nghiep--yeu-to-cot-loi-de-phat-trien-ben-vung-d113327.html