Văn hóa doanh nghiệp Việt chưa được xây dựng đúng tầm

Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay nhìn chung chưa tương xứng với tầm quan trọng và vai trò của văn hóa doanh nghiệp. Còn nhiều doanh nghiệp làm văn hóa không theo chuẩn, mang tính phiến diện, đối phó hoặc nặng về hình thức nên ít tác dụng và hiệu quả thấp.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Thanh

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Thanh

Phát biểu tại buổi tọa đàm “Văn hóa doanh nhân quyết định sự phát triển sự bền vững của doanh nghiệp” do Báo Kinh tế & Đô thị đã phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức sáng nay 14/5, tại Hà Nội, PGS.TS. Đỗ Minh Cương- Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Kinh doanh cho hay: Văn hóa doanh nghiệp là tất cả những hành vi sản phẩm những giá trị có tính chân - thiện - mỹ của doanh nghiệp được hình thành trong quá trình hoạt động. Đó cũng chính là bản sắc, phong cách riêng, là nguồn sức mạnh mềm và là nền tảng tinh thần cho sự phát triển bền vững.

Nhiều người đã hiểu sai về văn hóa doanh nghiệp là văn nghệ, giải trí nhưng văn hóa ngoài những yếu tố đó còn là về sản phẩm, giá trị cho khách hàng.

"Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở nước ta hiện nay nhìn chung chưa tương xứng với tầm quan trọng và vai trò của nó. Còn nhiều doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa thực sự tham gia vào Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở phạm vi quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phát động. Còn nhiều doanh nghiệp làm văn hóa không theo chuẩn, mang tính phiến diện, đối phó hoặc nặng về hình thức nên ít tác dụng và hiệu quả thấp", ông Cương nói.

Theo ông Cương, giải pháp đầu tiên để khắc phục tình trạng này là phải nâng cao được nhận thức của doanh nghiệp về văn hóa doanh nghiệp, trước hết và quan trọng nhất là từ người sáng lập, lãnh đạo doanh nghiệp đó, từ đó truyền đạt, lan tỏa xuống bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý và xuống tận các công nhân viên, đơn vị cơ sở.

Cụ thể, lãnh đạo, người đứng đầu và bộ phận cán bộ quản lý phải được đào tạo và tự đào tạo về văn hóa doanh nghiệp một cách hệ thống; không chỉ biết các lý luận, mô hình, phương pháp quốc tế mà còn cả các yêu cầu, tiêu chí đánh giá và chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam.

Việc đào tạo, truyền thông về văn hóa doanh nghiệp cần được đẩy mạnh theo kế hoạch, mục tiêu cụ thể thông qua vai trò của Chính phủ, các hiệp hội, tổ chức xã hội, trường đại học,…

Xung quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm: Văn hóa doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy bởi văn hóa quản lý nhà nước. Thực tế, nếu văn hóa quản lý nhà nước lành mạnh thì văn hóa doanh nghiệp cũng lành mạnh và ngày một tốt hơn. Trường hợp gian lận của Khải Silk là một ví dụ. Nếu cơ quan quản lý nhà nươc làm tốt giám sát doanh nghiệp thì đã ngăn chặn ngay từ đầu những vấn đề của Khải Silk.

Thực tế, tình trạng “bôi trơn” hiện nay vẫn phổ biến trong tâm lý của không ít doanh nghiệp. Điều này đến từ việc doanh nghiệp nào cũng muốn chen ngang lấy lợi ích. Chính vì vậy, trong văn hóa doanh nghiệp cần chú ý đến chuẩn mực văn hóa quản lý nhà nước để xóa bỏ lợi ích nhóm và hỗ trợ tốt hơn cho văn hóa doanh nghiệp.

Còn theo ông Mạc Quốc Anh-Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hanoisme): Bên cạnh những doanh nghiệp bất chấp việc vi phạm văn hóa và đạo đức cũng như vi phạm pháp luật nhằm đạt được lợi nhuận trong kinh doanh cũng có nhiều doanh nghiệp xây dựng và phát triển kinh doanh một cách bền vững nhờ đẩy mạnh sử dụng bộ tiêu chí văn hóa ứng xử và đạo đức.

"Thời gian tới, cần phát động và phát triển cuộc vận động của Thủ tướng trong vấn đề tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp, tạo ra thể chế, giúp doanh nghiệp phát triển văn hóa của mình, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi…", ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/van-hoa-doanh-nghiep-viet-chua-duoc-xay-dung-dung-tam-104749.html