Văn hóa doanh nghiệp cũng là 'chìa khóa' tạo sức mạnh cạnh tranh thời kì 4.0

Văn hóa doanh nghiệp đã và đang trở thành xu thế phát triển của các doanh nghiệp, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Văn hóa doanh nghiệp cần gắn chặt với 4.0

Tại Hội thảo "Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh", các chuyên gia cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội cũng như những thách thức to lớn, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ bằng chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nguồn vốn, công nghệ, năng suất, chiến lược kinh doanh...mà còn bằng uy tín, thương hiệu và đạo đức kinh doanh.

Trong khi thương hiệu có liên quan mật thiết đến văn hóa doanh nghiệp. Nếu để nói về một tài sản của doanh nghiệp mà bất kỳ thành viên nào cũng muốn giữ, đó phải là thương hiệu. Đó cũng là hình ảnh thiêng liêng trong mỗi người, một tài sản không dễ mất giá trong chính doanh nghiệp. Thương hiệu không chỉ đơn giản là cái tên hay cái logo mà còn bao gồm cả cách làm ra sản phẩm, văn hóa ứng xử với khách hàng, là niềm tự hào mang lại tinh thần cho đôi ngũ nhân viên... do vậy xây dựng thương hiệu cũng có tác dụng tạo nền tảng cho văn hóa doanh nghiệp.

 Văn hóa doanh nghiệp được cho là sức mạnh cạnh tranh trong kinh doanh. Ảnh: Ngọc Xen

Văn hóa doanh nghiệp được cho là sức mạnh cạnh tranh trong kinh doanh. Ảnh: Ngọc Xen

Theo các chuyên gia kinh tế, trong kinh doanh, chúng ta không chỉ cần chú ý đến văn hóa hữu hình mà còn phải quan tâm phát triển những cấu trúc của văn hóa doanh nghiệp. Điều quan trọng là trong văn hóa doanh nghiệp, những giá trị hữu hình và vô hình phải luôn đan xen và bổ trợ lẫn nhau chứ không phải cản trở nhau. Xây dựng được một thương hiệu mạnh đem lại cho doanh nghiệp nhiều thứ, trong đó có những thứ không lượng hóa được như uy tín, quan hệ, sự nổi tiếng…

PGS.TS Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng Viện văn hóa Doanh nghiệp cho biết, việc xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp phải phù hợp với 4 nguyên tắc hoạt động của hệ thống công nghiệp và nền kinh tế 4.0: Tăng cường giao tiếp, tương tác; Minh bạch thông tin; Công nghệ hỗ trợ; Phân quyền ra quyết định. Bên cạnh đó, theo PGS.TS Đỗ Minh Cương, cần bổ sung thêm nguyên tắc thứ 5 đó là "Sự phát triển các công nghệ và mô hình kinh doanh mới phải tuân thủ các nguyên tắc và nghĩa vụ đạo đức, nhân văn".

PGS.TS Đỗ Minh Cương. Ảnh: Người đưa tin

Ông Phạm Đức Bình - CEO Công ty CP Công nghệ BNC Việt Nam cũng khẳng định, có một câu nói về văn hóa doanh nghiệp là: "Đừng nghĩ khi có tiền mới làm thương hiệu". Trên thực tế, trên 80% các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nước ta nghĩ rằng họ chưa có tiền nên chưa làm thương hiệu. Đó là cách nghĩ chưa đúng, bởi họ hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu bằng các hoạt động hằng ngày của tổ chức, cố gắng tạo ra sự khác biệt cho hình tượng sản phẩm của họ, về sự độc đáo trong văn hóa của họ tới khách hàng và công chúng.

Phát triển văn hóa doanh nghiệp thời kỳ 4.0 như thế nào?

Tại Hội thảo, các chuyên gia khẳng định, muốn hệ thống doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam phát huy được lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững thì cần có trước những con người và định dạng văn hóa tổ chức phù hợp với thời kì 4.0. Muốn thực hiện được công việc xây dựng và quản trị văn hóa doanh nghiệp theo kiểu của Việt Nam, phù hợp với đặc điểm, nguyên tắc của công nghiệp 4.0, cần làm tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

Một là, nhận thức rõ quản trị văn hóa doanh nghiệp là một phương pháp quản trị doanh nghiệp cơ bản, là nền tảng cho sự đổi mới sáng tạo và phát triển các công nghệ mới.

Hai là, nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của lãnh đạo trong quản trị văn hóa doanh nghiệp – tiêu chuẩn cơ bản của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Ba là, chú trọng công tác quản trị chiến lược, quản trị sự thay đổi theo các nguyên tắc của Cách mạng 4.0 vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và đất nước.

Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là một phương pháp và công cụ quản lý mà còn là một nguồn tài sản quý giá của doanh nghiệp, cho nên nó cần có sự lãnh đạo và quản trị một cách khoa học. Nó không chỉ đòi hỏi các nhiệm vụ xây dựng, tổ chức thực hiện triển khai vào hoạt động của đời sống doanh nghiệp mà còn là các công việc áp dụng trong quản trị chiến lược, quản trị sự thay đổi để phát triển bền vững. Những công việc, nhiệm vụ nêu trên đều thuộc vai trò, trách nhiệm của người sáng lập, lãnh đạo cao nhất của tổ chức. Tạo lập và quản trị một nền văn hóa doanh nghiệp mạnh, có giá trị lâu dài là điều kiện không thể thiếu để doanh nghiệp nâng cap năng lực cạnh tranh, thích ứng và phát triển bền vững trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngọc Xen

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/van-hoa-doanh-nghiep-cung-la-chia-khoa-tao-suc-manh-canh-tranh-thoi-ki-40-d149007.html