Văn hóa doanh nghiệp: Cấy nền bằng những giá trị từ hệ sinh thái

Hệ sinh thái trong doanh nghiệp có thể được cấy nền từ những giá trị cơ bản như trung thực, sự công bình và khiêm tốn. Công việc của những người quản trị trong quá trình kiến tạo văn hóa doanh nghiệp vì thế là một sự đổi mới liên tục trong tư duy và kiên trì với những giá trị phát triển dài hạn.

Từ câu chuyện quả táo của Kimura

Tại thị trấn Iwaki thuộc tỉnh Aomori ở Nhật Bản, câu chuyện của lão nông Kimura về quả táo có thể để hai năm không thối khiến cả ngành nông nghiệp nước này kinh ngạc, nhưng đó cũng là câu chuyện về hành trình 20 năm trồng được một cây táo ngọt trọn vẹn không thuốc trừ sâu.

Sự phát triển của vườn táo ấy tuân theo những giá trị của hệ sinh thái, giờ đây là khu vườn lý tưởng cho nhiều loài sinh vật cùng chung sống, và cây táo dặt dẹo khi thiếu phân bón thực vật và thuốc trừ sâu đến nay đã trở thành một giống cây tươi tốt, mạnh mẽ và phát triển hài hòa.

Quả ngọt đến từ cấy nền đất tạo rễ sâu và chắc chắn, nguyên lý này từ câu chuyện quả táo của Kimura gợi ra nhiều suy ngẫm tới những nhà quản trị khi muốn kiến tạo hệ sinh thái trong doanh nghiệp.

Giáo sư Phan Văn Trường trong cuốn sách “Một đời quản trị” đã đề cập rất nhiều tới việc lãnh đạo cần biết cách gieo mầm những giá trị tích cực trong nội bộ một công ty, trong đó văn hóa doanh nghiệp được coi như một công cụ quản trị hữu lực. Từng là người đứng đầu một tập đoàn quốc tế với số nhân viên khoảng 25.000 người, giáo sư Phan Văn Trường khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức áp dụng một nguyên lý vốn đã được áp dụng thành công, đưa tập đoàn mà ông điều hành lên vị trí hàng đầu thế giới trong ngành điện lực: Văn hóa “nice & professional”.

Theo ông, hệ sinh thái trong doanh nghiệp sẽ được hình thành nếu như lãnh đạo tạo ra những điều kiện để “nhân viên thoải mái, làm việc hiệu quả; đóng góp cho một trật tự chung, đoàn kết và thông cảm lẫn nhau; vai trò của lãnh đạo được hiểu rõ một cách nhất quán; và những quy luật sống chung, công khai có, ngầm hiểu có, đều giúp cho doanh nghiệp phát triển và giữ chỗ đứng cũng như hình ảnh tốt ngoài xã hội”.

Xây dựng văn hóa bình đẳng

Năm 1980, giáo sư nổi tiếng người Mỹ - Edgar Schein đã phát triển một mô hình để nhận diện cấu trúc các tầng văn hóa trong một tổ chức: tầng bề mặt (Artifacts) bao gồm những điều dễ nhìn thấy như bộ nhận diện thương hiệu, những quy tắc hành xử, chuẩn mực theo văn hóa công ty; tầng giá trị chung (Exposed Value) bao gồm những giá trị được chia sẻ trong doanh nghiệp như chiến lược, mục tiêu, tầm nhìn; và tầng niềm tin (Basic Underlying Assumptions) là những giá trị ngầm hiểu.

Khám phá từng tầng văn hóa là một công việc đòi hỏi sự kiên trì từ nhà quản trị, tuy nhiên nếu như lãnh đạo doanh nghiệp tạo dựng được một văn hóa bình đẳng trong tổ chức thì chắc chắn công việc đó sẽ trở nên dễ dàng hơn. Điều này đem lại nhiều lợi ích trong dài hạn.

Khi nhân viên sẵn sàng trình bày thẳng thắn quan điểm với sếp, ngược lại, cấp trên cũng dành thời gian lắng nghe và thông cảm hơn với nhân viên trong một tâm lý bình đẳng, thì khi đó văn hóa chia sẻ trong làm việc được hình thành. Quá trình này vô hình trung đảm bảo luồng thông tin trao đổi trong toàn bộ công ty diễn ra chân thật, tạo điều kiện để tạo ra hiệu quả làm việc nhóm trong những dự án có sự phối hợp chung giữa các phòng ban của công ty.

Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang xây dựng tài liệu hướng dẫn nội bộ nhân viên về văn hóa doanh nghiệp, chú trọng vào nhiều giá trị nền tảng và đạt được những hiệu quả nhất định. Chẳng hạn, tại một trong những công ty triển khai tích cực chiến lược phát triển văn hóa doanh nghiệp, trong sổ tay văn hóa của công ty này đề cập tới ba giá trị cốt lõi làm nên bản sắc văn hóa, bao gồm tính đồng thuận cao, sự sẵn sàng học hỏi và thay đổi, chú trọng trách nhiệm xã hội. Trong đó, đáng chú ý nhất là tính đồng thuận cao giữa đồng nghiệp dựa trên nguyên tắc tôn trọng và chia sẻ.

Liên tục đổi mới tư duy

Theo nhiều nghiên cứu về tư duy hệ thống, những vấn đề mà các công ty trên thế giới đang gặp phải trong bối cảnh toàn cầu hóa xoay quanh tính phức hợp (complexity) và tính không chắc chắn (uncertainty). Các nhà nghiên cứu cho rằng để giải quyết những vấn đề này, mỗi doanh nghiệp trước hết cần phải có tư duy nhìn nhận tổ chức của mình như một phần của hệ sinh thái mở, có sự giao thoa với các yếu tố liên quan tới văn hóa và xã hội.

Nhà khoa học Ackoff (1999) nhận định “Tư duy hệ thống góp phần tạo ra một góc nhìn rộng hơn, cho phép thấy được rõ hơn những tương tác liên tục của bức tranh tổng thể”. Đổi mới tư duy vì thế trở thành một trong những trách nhiệm thường trực của lãnh đạo bất cứ một tổ chức nào, đây cũng là điều kiện để duy trì sự đổi mới trong toàn bộ doanh nghiệp.

Lương Tiến Hiệp

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289975/van-hoa-doanh-nghiep-cay-nen-bang-nhung-gia-tri-tu-he-sinh-thai-.html