Văn hóa dân gian ứng dụng- Kỳ 11

TS. Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng, có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa dân tộc. Ông đã có mười đầu sách, công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian. Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển giới thiệu tới độc giả công trình nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng của ông, dày 324 trang.

TS. Trần Hữu Sơn

VĂN HÓA DÂN GIAN ỨNG DỤNG- KỲ 11

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN LỄ HỘI VÀ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ

Những năm qua xảy ra nhiều hiện tượng phức tạp, cần nhìn nhận lại công tác quản lý lễ hội. Ngày 6 tháng giêng (Ất Mùi), xuất hiện tục chém lợn ở lễ hội làng Ném Thượng; ngày 9 tháng giêng (Ất Mùi) lại là tục đập đầu trâu ở lễ hội cầu trâu (xã Hương Nha, huyện Tam Nông, Phú Thọ); ngày hội Gióng cướp bùi nhùi, xô đẩy; ngày hội phết Đền Hiền Quan, không tổ chức đánh phết mà chỉ là cướp phết; gần đây, hội chọi trâu ở Đồ Sơn gây ra tai nạn chết người... Tất cả các hiện tượng trên làm bùng nổ cơn bão “mạng”, tạo ra áp lực dư luận dữ dội với vấn đề quản lý nhà nước về lễ hội. Dư luận xã hội cũng tác động nhiều chiều, người lên án phê phán các hiện tượng trên, người lý giải nguyên nhân và cho rằng chuyện đó không nên gây áp lực. Từ tình trạng này cần nghiên cứu, xem xét lại các yếu tố chi phối lễ hội cũng như xu hướng biến đổi của lễ hội đề ra, phương pháp quản lý lễ hội, khuyến nghị một số vấn đề quản lý lễ hội hiện nay.

1. Cái thiêng và tâm lý đám đông

Nước ta có nhiều công trình nghiên cứu về lễ hội, nhưng hầu như chưa có công trình nào bàn sâu về ứng xử trong lễ hội. Ứng xử là hệ thống các hành vi của con người được thực hiện trong mối quan hệ giữa người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Ứng xử được vận hành theo giá trị xã hội đã định hình. Tuy nhiên, ứng xử trong lễ hội có điểm khác với ứng xử trong cuộc sống hàng ngày. Ứng xử trong lễ hội chịu sự chi phối của “cái thiêng” và tâm lý đám đông. Mục đích của người đến dự lễ hội ngoài nhu cầu du lịch còn xuất phát từ nhu cầu được cầu mong, sống trong không khí, môi trường thiêng. Bất cứ lễ hội nào dù cổ truyền hay đương đại đều có yếu tố thiêng làm hạt nhân. Cái thiêng xuất hiện dưới nhiều hình vẻ khác nhau. Không có chữ linh thiêng sẽ không có lễ hội. Do đó, trước khi nghiên cứu sự ứng xử trong lễ hội cần tìm hiểu “cái thiêng” là gì?

“Cái thiêng” là tình cảm tôn giáo, là sự khác thường với cái phàm tục, đời thường. “Cái thiêng” có quyền năng siêu phàm, theo quan niệm nhiều người “cái thiêng” còn có chất linh ứng. “Cái thiêng” thể hiện trong lễ hội bằng các biểu tượng đặc trưng. Đó là các báu vật thiêng, các biểu tượng về các vị thánh thần trong lễ hội (như ngai, lọng, rước kiệu…). Chất thiêng còn thể hiện ở cả không gian thiêng, môi trường thiêng (ban thờ, hậu cung của đền, nơi hóa của các thánh…). Chất thiêng còn phản ánh trong thời gian thiêng (giờ Tý nửa đêm, chính Ngọ hoặc giờ “hóa” của các ngài, ngày giỗ, ngày kỷ niệm…), nhưng chất thiêng nhất được ban phát cho cộng đồng nhiều nhất (mang tính đại chúng) chính là các hình thức, con giống, nước thánh, các sản vật mang tính biểu tượng cho từng loại, công cụ thiêng của Đức Thánh. Ví dụ như ấn đền Trần; bỏng ngô trong lễ hội xuống đồng của người Tày; sợi chỉ thiêng – biểu tượng cho sự sống, dòng máu trong lễ hội gầu tào của người Hmông; hoặc hoa tre trong ngày hội Gióng; quả phết trong lễ hội đánh phết ở Hiền Quan… Theo quan niệm của người dân, những vật thiêng này có giá trị đặc biệt, đem lại sự may mắn, đem lại “lộc” cho người dự hội. Các vật thiêng càng trở lên linh thiêng hơn khi bao quanh nó là một đám mây của huyền thoại, huyền tích, huyền sử. Đôi khi chất linh thiêng càng được gia tăng trong những câu chuyện về sự linh ứng. Chất linh thiêng, ý nghĩa của vật thiêng, các huyền tích về vật thiêng càng được phát tán nhờ dư luận xã hội. Trước kia, trong xã hội nông nghiệp cổ truyền thì đó là dư luận của làng, dư luận của những người đi chợ mách bảo nhau. Nhưng ngày nay, chất linh thiêng đó càng nở rộ, lung linh sắc màu là nhờ có các “cơn bão” của mạng xã hội, truyền thông. Truyền thông có tác dụng đẩy chất linh thiêng lan xa với một cường độ mạnh. Người đi dự hội đều mong mỏi được đáp ứng nhu cầu thiêng. Nhu cầu thiêng với tâm lý cầu bình an, cầu sức khỏe, cầu tấn lộc – phát tài… là nhu cầu thường trực ở người đến dự hội. Nhu cầu này thường thể hiện ở bản sớ dâng lên thần linh, thể hiện ở lời cầu cúng và các hình thức nghi lễ cầu xin. Các hành động cầu thiêng tồn tại từ ngàn xưa đến nay. Nhưng trước đây, lễ cầu thiêng thường diễn ra bình lặng chứ không cực đoan trở thành những hành động cướp phết, cướp hoa tre hoặc chen lấn xô đẩy, tràn vào hòng cướp cả ấn ở đền Trần (Nam Định), cướp cả gạo, muối ở đền Trần Thương (Hà Nam)… Vì quan niệm “chất thiêng” mang tính cực đaon nên thịt trâu chiến thắng trong lễ hội Đồ Sơn đội giá lên đến 5.000.000đ – 7.000.000đ/1kg.

Vì vậy, muốn tìm hiểu kỹ nguyên nhân của hiện tượng ứng xử “nhốn nháo” này đối với lễ hội thì cần tìm hiểu lý thuyết đám đông của nhà tâm lý học nổi tiếng người Pháp – Gustave Le Bon (1841 – 1931). Theo nhà nghiên cứu, những đám đông (tham gia lễ hội) là những người luôn bị vô thức tác động, họ không kiên định, luôn thất thường đi từ trạng thái nhiệt tình, cuồng loạn nhất đến ngây dại nhất. Họ ý thức về sức mạnh vô địch của đám đông nên thường nương theo bản năng, thiếu ý chí kìm nén. Đặc biệt, trạng thái tâm lý của đám đông luôn xảy ra hiện tượng lây lan, bắt chước, lan truyền rộng. Một người cướp giật là cả đoàn người cướp giật theo. Một cá nhân hò hét, nhảy múa là cả đoàn người hò hét hỗn loạn. Tình cảm trong đám đông là do tình cảm vô thức chi phối, chứ không phải do lý trí chi phối. Đồng thời, đám đông có nhu cầu bản năng, dễ tin theo người cầm đầu. Người cầm đầu xuất hiện ngay trong đám đông có khi chỉ bằng một lời nói, một hành động đi trước mang tính chất làm gương thì có thể chi phối được toàn bộ đám đông làm theo (đây là trường hợp phá rào, xô đẩy, cướp lộc thường xảy ra). Tâm lý đám đông hỗn loạn như vậy đã đẻ ra các tình trạng chen lấn, xô đẩy, cướp lộc, cướp quả phết… Hành động chen lấn, xô đẩy trong đám đông lễ hội cũng xuất phát từ quan điểm coi vật thiêng là lộc trời cần chiếm đoạt, bất chấp đạo lý. Truyền thông trong quá trình toàn cầu hóa cùng với tâm lý đám đông chi phối các hoạt động lễ hội nhưng chi phối mạnh nhất là cơ chế thị trường.

2. Cơ chế thị trường

Cơ chế thị trường và những biến đổi xã hội đã thúc đẩy lễ hội chuyển qua một giai đoạn mới, không còn “bình lặng” như các xã hội trước đó. Cơ chế thị trường với nhiều tác động bất ổn, do cạnh tranh khốc liệt nên các doanh nghiệp cảm thấy không an tâm. Người dân sống trong cơn lốc của sự không ổn định, luôn xảy ra các vòng xoáy, các điều bất trắc (trong đời sống kinh tế, buôn bán ngày hôm nay thắng lợi, nhưng ngày mai lại thất bại; trong đời sống tinh thần nhiều điều phức tạp xảy ra. Các tai nạn, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên, mỗi năm có 8.000 - 9.000 người chết, hàng vạn người bị thương tật suốt đời...). Toàn bộ những sự bất trắc đó, cộng với sự xáo trộn về địa vị xã hội dẫn đến tâm lý bất an. Người dân luôn phải trông chờ vào lễ hội, trông chờ vào lực lượng thần linh để cầu an. Mặt khác, khi đời sống có phần dư giả, người dân có nhu cầu giao tiếp, nhu cầu đi du lịch cao. Lễ hội cũng đáp ứng sự mở rộng của nhu cầu giao tiếp du lịch, mà trở nên sôi động và cũng cuốn vào vòng xoáy của cơn lốc thị trường. Lễ hội trở thành hàng hóa, trở thành dịch vụ. Vì thế, lễ hội cũng bị chi phối mạnh mẽ của kinh tế thị trường. Từ đó, lễ hội nảy sinh ra hàng loạt những vấn đề phức tạp. Cụ thể như sau:

- Quan điểm coi lễ hội là hàng hóa, là phương tiện kinh doanh một cách thái quá dẫn đến tình trạng “nhà nhà mở lễ hội, người người đi lễ hội”. Sự bùng nổ về quy mô, sự phát triển về mật độ tổ chức, sự kéo dài về thời gian lễ hội... càng có nhiều diễn biến phức tạp. Quy mô lễ hội mở rộng và phát triển đã đặt ra hàng loạt những vấn đề trong quản lý cần phải giải quyết. Đó là vấn đề an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, quản lý tâm lý đám đông... Những vấn đề này trong xã hội tĩnh lặng của nền kinh tế tiểu nông không xuất hiện. Nhưng hiện nay lại là những vấn đề cấp bách, đòi hỏi phải có biện pháp quản lý hiệu quả.

- Quan điểm lễ hội là hàng hóa dẫn đến tình trạng kinh doanh lễ hội, các dịch vụ trở thành vấn nạn “chặt chém”. Dịch vụ nghỉ, ăn, đi lại đến các phí tham quan, giá cả các mặt hàng trong các ngày lễ hội đều tăng vọt. Lễ hội trở thành cơ hội cho quảng bá, trở thành thương hiệu của một địa phương cũng đặt ra những thách thức và tâm lý cần phải tổ chức lễ hội cho hoành tráng theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”. Liên tiếp hàng loạt “lễ hội tivi” ra đời. Chính quyền tổ chức lễ hội không xuất phát từ nhu cầu của công chúng mà chủ yếu nhằm quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các lễ hội truyền thống bị biến tướng trở thành dịch vụ buôn bán lễ hội, buôn bán hành động thiêng. Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn vừa qua là một ví dụ. Từ một lễ hội tự nguyện, ngày nay lễ hội chọi trâu trở thành lễ hội dịch vụ. Trước đây, cả tổng Đồ Sơn có 14 giáp (Đồ Sơn – sáu giáp, Đồ Hải – sáu giáp và Ngọc Xuyên – hai giáp) thì mỗi giáp phải có một con trâu để dự thi vòng loại. Sau đó, chọn lấy 6 con trâu thi đấu chính thức ở vòng chung kết. Nhưng hiện nay, Ban tổ chức bỏ thi đấu vòng loại, các con trâu muốn vào dự thi đấu thì phải nộp 60 triệu đồng. Như vậy, Ban tổ chức vừa bán vé thu tiền người xem, lại bắt các chủ trâu phải nộp tiền (tiền trâu được tham dự, tiền dịch vụ nhốt trâu...). Mục đích lễ hội là tận thu tiền.

- Do bất an, do nhu cầu đòi hỏi nhiều về lợi lộc nên người đi dự hội có nhiều hành động “tranh cướp” như chen chúc cướp ấn nhà Trần, tranh cướp các vật thiêng, tranh cướp quả Phết trong hội Phết ở Hiền Quan...

- Về thời gian tổ chức lễ hội: có hai xu hướng biến đổi. Một số lễ hội làng, lễ hội cổ truyền ở miền núi không kéo dài về thời gian. Trước kia, lễ hội Gầu Tào vùng người Hmông, lễ hội Roóng Poọc vùng người Giáy, lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng) vùng người Tày thường tổ chức từ 3 đến 5 ngày thì nay chỉ tổ chức trong nửa ngày hoặc kéo dài đến hai, ba ngày. Nhưng mặt khác, có một số lễ hội cổ truyền kéo dài hàng tháng hoặc vài tháng như hội Chùa Hương, hội Bà Chúa Xứ, hội Đền Hùng...

- Không gian lễ hội cũng mở rộng: Trước đây, các hội làng chỉ được tổ chức ở một không gian nhất định trong làng và phạm vi, quy mô tổ chức cũng chỉ của làng. Nhưng hiện nay, do nhiều yếu tố (quảng bá du lịch, tâm lý muốn vượt trội của các nhà lãnh đạo địa phương...) nên quy mô của các hội làng cũng được mở rộng cả về không gian và thời gian. Nhiều lễ hội không còn là lễ hội làng mà đang có xu hướng biến thành lễ hội vùng, thậm chí là lễ hội chung của huyện. Đối tượng người đến dự hội không chỉ là dân làng, mà chủ yếu du khách, có cả du khách nước ngoài tham dự. Như vậy, quy mô của lễ hội ngày càng mở rộng, cả về số lượng người tham gia, đã gây ra sự quá tải về không gian tổ chức lễ hội. Các cánh đồng tổ chức lễ hội xuống đồng cổ xưa, cũng như sân đình làng ở vùng đồng bằng đều trở nên quá tải khi đón hàng vạn du khách tham dự. Cần có địa điểm mới đáp ứng nhu cầu của du khách.

- Chủ thể lễ hội: Các lễ hội từ miền núi cho đến đồng bằng hiện nay đã có sự biến đổi về chủ thể tổ chức lễ hội. Trước đây, trong các lễ hội làng cổ truyền, người dân thực sự là chủ thể của lễ hội. Cộng đồng người dân địa phương đều háo hức tập luyện hàng tháng trời để mong được tham gia gánh vác một việc nào đó, hoặc sắm một vai nào đó trong nhiệm vụ tổ chức lễ hội. Người được khiêng kiệu, rước lễ là một vinh dự cho cả phe, giáp, dòng họ. Các hội làng hầu hết do chủ làng và hội đồng quản lý của làng thực hiện. Nhưng hiện nay, hầu hết các lễ hội ở làng quê, miền núi đều do chính quyền các cấp chỉ đạo. Lễ hội ở miền núi dù là lễ hội của một làng hay lễ hội của một số gia đình nhưng đều có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch xã đứng ra khai mạc, đọc diễn văn. Nhiều lễ hội đồng bằng, ban tổ chức thuê các công ty sự kiện, các đoàn nghệ thuật đứng ra dàn dựng chương trình, đứng ra làm dịch vụ tổ chức. Người dân, chủ thể của lễ hội, bị “gạt ra rìa” và chỉ đóng vai trò thụ động như các du khách. Thậm chí, có tỉnh tổ chức lễ hội nhưng từ việc trang trí khánh tiết, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức các hoạt động đều không cần sự tham gia của ngành văn hóa, thể thao. Hoặc nếu ngành văn hóa được tham gia thì cũng với tư cách đi làm thuê cho các công ty sự kiện. Như vậy, vai trò của cộng đồng địa phương, vai trò của người dân - chủ thể sáng tạo của lễ hội cổ truyền, đã bị đánh mất.

Như vậy lễ hội biến đổi theo sự vận hành của cơ chế thị trường, sự tác động mạnh mẽ của tâm lý đám đông và truyền thông xã hội. Trước thực trạng các xu hướng biến đổi của lễ hội đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay, xuất hiện hai luồng dư luận trái chiều. Một số cơ quan thông tin đại chúng cho rằng, việc tổ chức lễ hội và quản lý lễ hội vô cùng lộn xộn, mất bản sắc văn hóa dân tộc, gây ra nhiều hậu quả tai hại và đề xuất các biện pháp mang tính hành chính như “cấm”, “bỏ”. Thậm chí, có người chưa hiểu rõ xu hướng biến đổi của lễ hội là một yêu cầu khách quan khi chuyển sang cơ chế thị trường nên sốt ruột đề ra các giải pháp mang tính chất chữa cháy là chính. Hoặc cũng có khuynh hướng coi nhẹ vai trò quản lý nhà nước, cần để cho người dân tự do làm chủ, tự do tổ chức lễ hội. Có ý kiến đề nghị các lễ hội đã chuyển đổi phải trở về khuôn mẫu cũ của lễ hội truyền thống. Các ý kiến như vậy đều không đánh giá đúng thực tế. Do đó, cần có quan điểm tiếp cận phù hợp với thực tiễn.

Về quan điểm: Cần nhận thức sự biến đổi của lễ hội cổ truyền cũng như xuất hiện nhiều loại hình tổ chức sự kiện mới là một yếu tố khách quan trong đời sống văn hóa hiện nay. Vì thế, không nên có quan điểm cứng nhắc, lấy các nguyên lý tổ chức lễ hội truyền thống làm khuôn mẫu cho việc tổ chức các lễ hội, tổ chức các sự kiện như hiện tại. Ở lĩnh vực này, cần bám sát thực tiễn, tổng kết thực tiễn trên cơ sở lý luận về quản lý văn hóa. Trong đó, cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ thể của cộng đồng người dân tổ chức lễ hội. Người dân phải được tham gia vào quá trình tổ chức lễ hội, phải được trao quyền tổ chức lễ hội. Đồng thời, cũng không coi nhẹ việc quản lý của nhà nước đối với lễ hội.

Về xây dựng mô hình tổ chức quản lý các lễ hội truyền thống hiệu quả: Hiện nay, có nhiều nhà khoa học cho rằng nên “trả lại lễ hội cho dân”. Nhưng nhiều nhà quản lý lại cho rằng lễ hội phát triển với quy mô lớn, không thể “khoán trắng” cho người dân tự tổ chức. Vậy, cần tổ chức lễ hội như thế nào? Dựa vào ý kiến của một số nhà khoa học (Từ Thị Loan, 2012, tr.9), chúng tôi đề xuất một số mô hình cụ thể như sau:

- Mô hình quản lý lễ hội do cộng đồng tự quản, có sự giám sát của chính quyền cơ sở

Đây là mô hình quản lý và tổ chức lễ hội bước đầu có sự tham gia của Nhà nước. Chủ thể tổ chức của các lễ hội này nhất thiết phải là người dân trong cộng đồng. Vai trò quản lý của Nhà nước thể hiện ở chỗ: giám sát và chỉ đạo, giải quyết kịp thời những vấn đề về trật tự an ninh, an toàn thực phẩm, giá cả dịch vụ... Mặt khác, vai trò quản lý nhà nước cũng cần được phân cấp dần tới cộng đồng và thể chế hóa bằng hệ thống hương ước, quy ước chung của làng. Thậm chí, có thể sử dụng và phát huy vai trò của già làng, trưởng bản hoặc người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng. Đồng thời, vai trò của quản lý của Nhà nước cũng thể hiện ở chỗ thường xuyên giám sát, theo dõi diễn biến của các lễ hội để nắm bắt những thay đổi trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào nhằm đảm bảo không có hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng để thực hiện mê tín dị đoan hoặc xuyên tạc, truyền bá phản cách mạng. Đồng thời, vai trò của nhà nước cũng thể hiện ở việc đảm bảo trật tự, an ninh xã hội trong thời gian tổ chức lễ hội. Kinh phí tổ chức những lễ hội này hoàn toàn do cộng đồng đóng góp.

- Mô hình kết hợp vai trò tổ chức của Nhà nước và sự phối hợp của cộng đồng

Đối với một số lễ hội của làng, liên làng có quy mô ngày càng mở rộng và đang được nâng lên thành các lễ hội để phục vụ du lịch. Ở một số địa phương, cần xây dựng mô hình phối hợp chặt chẽ giữa vai trò của cộng đồng với vai trò quản lý của Nhà nước.

Trong mô hình này, các hoạt động lễ và hội vẫn do cộng đồng quyết định và thực hiện là chính; tuy nhiên, đã có sự chỉ đạo, định hướng và tham gia của các ban, ngành chính quyền và đoàn thể. Kinh phí tổ chức lễ hội cũng được Nhà nước tài trợ một phần. Vai trò của Nhà nước thể hiện rõ trong vấn đề đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, quảng bá, giá cả dịch vụ, điều hành lực lượng…

Trước kỳ tổ chức lễ hội, chính quyền cấp xã - nơi tổ chức lễ hội, cần tổ chức họp dân bản để cùng bàn về việc tổ chức lễ hội. Trong đó, có sự phân công cụ thể công việc cho cộng đồng. Ở đây, Nhà nước đóng vai trò là nhà tổ chức nhưng việc thực thi lễ nghi và chủ trì lễ hội phải giao lại cho cộng đồng, cụ thể là Trưởng thôn, bản. Trưởng thôn, bản sẽ có trách nhiệm triển khai các hoạt động của lễ hội sau khi đã cùng bàn bạc với chính quyền, với nhân dân và cùng cùng nhân dân trong thôn, bản chuẩn bị các hoạt động phục vụ cho hoạt động của lễ hội. Những lễ hội này sẽ được cấp hoặc hỗ trợ kinh phí của chính quyền.

Loại hình lễ hội này thường được tổ chức vào dịp đầu xuân hoặc mùa thu. Ban tổ chức lễ hội được thành lập để tổ chức, điều hành lễ hội, người dân tham gia vào lễ hội. Hiện nay, trong các lễ hội đầu xuân, vai trò của người dân đang bị mờ nhạt, thay vào đó là Ban tổ chức lễ hội. Do đó, để người dân thực sự trở thành chủ thể, trong mô hình lễ hội này, thành phần ban tổ chức cần có sự tham gia của già làng, nghệ nhân hay người có uy tín trong dòng họ. Mặt khác, có nhiều hoạt động cần có sự tham gia cả làng, cả bản. Mỗi người dân trong cộng đồng đều tự hào, hãnh diện tham gia lễ hội. Đồng thời, phải để người dân được chủ động tham gia vào lễ hội ngay từ khâu chuẩn bị đến khâu tổ chức. Chính quyền xã, cơ quan chuyên môn (Phòng Văn hóa - thông tin) thực hiện chức năng quản lý của mình thông qua việc hướng dẫn người dân chuẩn bị và tham gia lễ hội theo đúng quy định của Nhà nước và thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự - an ninh xã hội trong thời gian tổ chức lễ hội. Trong tổ chức, quản lý lễ hội cần coi trọng vấn đề phân cấp quản lý. Nhà nước (ở trung ương và địa phương) chỉ chỉ đạo, phối hợp tổ chức các lễ hội lớn (chủ yếu là giám sát, kiểm tra), còn phân cấp cho các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp cộng đồng tổ chức. Việc tổ chức các lễ hội dân gian, Nhà nước (chính quyền các cấp) chủ yếu đóng vai trò giám sát, kiểm tra. Việc tổ chức cụ thể cần trao quyền cho cộng đồng. Tất nhiên, cần tăng cường kiểm tra, không nhất thiết khoán trắng cho cộng đồng để xảy ra các tình trạng độc quyền dịch vụ và một số tiêu cực khác (Trần Thị Thủy, 2013, tr.537).

Về tổ chức các sự kiện quảng bá: Trong khoảng hơn 20 năm qua, ở nước ta “nở rộ” một số loại hình sự kiện, nhiều người cho rằng đó là lễ hội mới và cũng được các cơ quan thông tin báo chí, các nhà quản lý đặt tên là lễ hội. Ví dụ như các sự kiện (event), mít – tinh kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập tỉnh, kỷ niệm “sinh nhật” của một địa phương đều gọi là lễ hội. Hoặc lễ hội được hiểu như một chương trình nghệ thuật (các màn nghệ thuật khai mạc hoặc minh họa cho các sự kiện). Hay lễ hội lại được hiểu như cuộc biểu diễn đường phố (roadshow). Đặc biệt hiện nay loại hình festival phát triển khá mạnh cũng đều gọi là lễ hội như lễ hội trái cây Nam Bộ, lễ hội hoa Đà Lạt, các lễ hội gắn với năm du lịch quốc gia, kỷ niệm về một sự kiện lịch sử nào đó. Như vậy, về thuật ngữ, nhiều nhà quản lý, cơ quan thông tấn báo chí dùng không chính xác, chỉ là một cuộc mít – tinh kỷ niệm hay một chương trình nghệ thuật, kỷ niệm ngày thành lập địa phương nào đó không nên gọi là lễ hội. Thậm chí cũng cần phải phân biệt rõ giữa lễ hội và festival, phân biệt rõ lễ hội với việc tổ chức sự kiện...

Sự bùng nổ của việc tổ chức các sự kiện là nhu cầu tất yếu khi chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Việc tổ chức các sự kiện có nhiều ưu điểm như quảng bá được thương hiệu, quảng bá du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách về phát triển du lịch,... Một số địa phương nhờ tổ chức các sự kiện mà thu hút được lượng lớn du khách đến tham quan. Tổ chức các sự kiện thực sự là công cụ đòn bẩy để thu hút khách du lịch, tiêu thụ được nhiều hàng hóa của địa phương, tạo việc làm cho số đông người lao động,... Tuy nhiên, việc tổ chức các sự kiện cũng bộc lộ nhiều nhược điểm. Trước hết các sự kiện được tổ chức theo kiểu khoa trương. Thậm chí, thi đua làm lễ hội theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”. Một số địa phương không có tiềm năng, lợi thế về du lịch mạnh nhưng vẫn tổ chức sự kiện gọi là “lễ hội du lịch” hoặc là tổ chức theo kiểu “lễ sinh nhật” của địa phương, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng. Các chương trình nghệ thuật được gọi là lễ hội lại na ná giống nhau…khi được dàn dựng ở một tỉnh thì sẽ dàn dựng ở tỉnh khác cũng tương tự như vậy. Chương trình nghệ thuật thường theo các công thức như sau:

+ Đầu thế kỷ XXI, các chương trình nghệ thuật thường ưa tính chất hoành tráng, huy động hàng vạn người tham gia dàn dựng khá công phu nhưng nếu đạo diễn là nghệ sỹ sân khấu thì nghệ thuật sân khấu chiếm vai trò chủ đạo; còn nếu đạo diễn là biên đạo múa thì chương trình lại chủ yếu là múa minh họa.

+ Dường như thấy huy động hoành tráng thì tốn kém và vất vả, các công ty tổ chức sự kiện và các tổng đạo diễn hiện giờ lại lựa chọn phương án đơn giản và sơ lược, chỉ cần chọn một chủ đề, sau đó tổ chức các tiết mục (chủ yếu là ca hát và múa) của từng đoàn đơn lẻ, gộp lại tạo thành chương trình. Việc tổ chức theo kiểu đơn lẻ cũng không mất nhiều công dàn dựng, sáng tạo, tập luyện và cũng dễ nghèo nàn, chất lượng nghệ thuật thấp. Hầu hết các sự kiện này đều đặt người dân ở địa phương ra ngoài rìa trong việc tổ chức nhưng vẫn mang danh lễ hội.

Như vậy, chương trình kịch bản của các festival du lịch hiện nay có điểm yếu là chỉ chú ý màn nghệ thuật khai mạc với hệ thống trang âm, ánh sáng, trang trí hiện đại, hoành tráng. Kinh phí của màn nghệ thuật này chiếm đến 70 – 90% tổng thể kin phí chi cho phần nội dung tổ chức lễ hội. Nhưng du khách xem xong màn nghệ thuật vào tối hôm trước, thì hôm sau làm gì, đi đâu thì đều ít được ban tổ chức coi trọng. Tất nhiên, màn nghệ thuật là đỉnh điểm của lễ hội, nhưng chỉ là một thành tố trong tổng thể lễ hội, chứ không thể thay cho lễ hội như quan niệm của nhiều ban tổ chức hiện nay. Vì vậy, các chương trình lễ hội du lịch (nhất là các địa phương tổ chức năm du lịch quốc gia) phải hết sức chú ý việc xây dựng các chương trình sau lễ khai mạc, như: chương trình thăm làng nghề, chương trình khám phá bản làng, chương trình đua thể thao mang tính quần chúng, như giải đua ngựa, xe đạp, marathon. Hoặc các hội chợ, như hội chợ hoa, hội chợ ẩm thực, hội chợ đồ lưu niệm và quà tặng. Tóm lại, sau chương trình nghệ thuật khai mạc cần căn cứ vào nhu cầu của du khác để tổ chức các chuỗi sự kiện tiếp theo. Trong chuỗi sự kiện đó cần phải xây dựng, bố trí có những sự kiện mang tính sự kiện “đinh”, sự kiện đỉnh cao, sự kiện cao trào của lễ hội.

+ Về dịch vụ ăn, nghỉ, đi lại: Trong lễ hội du lịch, các vấn đề về dịch vụ là vô cùng quan trọng. Các dịch vụ này tạo nên thành công cho lễ hội. Lễ hội xưa khách ở các làng bên, ở trong vùng đến tham gia lễ hội đều có thể ăn nghỉ tại các gia đình họ hàng, quen biết. Số lượng du khách ít, cho nên hình thức phục vụ “tại gia” mang nặng tính gia đình, có thể đáp ứng được. Nhưng hiện nay, mỗi lễ hội du lịch đều thu hút hàng nghìn, thậm chí hàng vài vạn người tham gia lễ hội. Do đó lễ hội du lịch chỉ nên mở ở các trung tâm du lịch có hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch tốt (như hệ thống khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển, có quảng trường, sân vận động...). Ban tổ chức phải thành lập các tiêu ban gồm nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm phục vụ đón khách. Các ban tổ chức cũng phải tăng cường các biện pháp an ninh, tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm, cháy nổ, an ninh, đề phòng nạn trộm cắp, khủng bố.

Trong dịch vụ ăn, nghỉ, đi lại cần chú ý đến nhu cầu của du khách, nhất là khách nước ngoài. Theo điều tra của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai tháng 12/2014 có tới 91% du khách nước ngoài đến với Sa Pa đều muốn khám phá các bản làng, chiêm ngưỡng phong cảnh tự nhiên, được trải nghiệm trong bầu không khí văn hóa dân gian của các tộc người địa phương. Do đó, đối với du khách nước ngoài cần phải sáng tạo ra nhiều hình thức dịch vụ nghỉ, đi lại an toàn, nhưng thân thiện với môi trường, hòa đồng với bản sắc văn hóa dân tộc. Tùy điều kiện của từng khu du lịch có thể bố trí du khách trải nghiệm trên phương tiện đi lại bằng xe trâu, xe ngựa, đi mảng, đi thuyền... chứ không nhất thiết ngồi ô tô. Bố trí cho du khách nghỉ tại các nhà nghỉ cộng đồng, đảm bảo vệ sinh chứ không nhất thiết phải nghỉ ở các khách sạn 2 sao, 3 sao trên thị trấn, thành phố.

Quản lý lễ hội là quản lý lĩnh vực nhạy cảm, đòi hỏi phải có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh và hiệu quả. Nhưng hiện nay, hệ thống văn bản quản lý vi phạm pháp luật về lễ hội còn nhiều bất cập, cần phải sớm được bổ sung, sửa đổi. Trước khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cần có sự tham gia đóng góp của các chuyên gia về quản lý lễ hội và sự góp ý của cộng đồng – nơi tổ chức các loại hình lễ hội. Cộng đồng nhân dân nơi tổ chức lễ hội là chủ nhân của lễ hội. Ý kiến của cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng, do đó khi lấy ý kiến tránh tình trạng hình thức, coi nhẹ người dân, chỉ xin ý kiến một vài người đại diện.

Đồng thời, cơ quan quản lý cần nghiên cứu đặc trưng của lễ hội trong thời kỳ hội nhập để có những định hướng quản lý hiệu quả, xây dựng các chế tài mang tính bền vững. Mỗi mùa lễ hội nảy sinh ra những vấn đề phức tạp, đòi hỏi cơ quan quản lý cần đề xuất vấn đề xử lý tình huống mang tính khoa học, chứ không chạy theo dư luận truyền thông. Tránh tình trạng quản lý theo kiểu chữa cháy hoặc khó quản lý thì cấm. Vấn đề quan trọng hàng đầu đối với quản lý nhà nước là phải nghiên cứu được xu hướng biến đổi của lễ hội, dự báo những tình huống phức tạp để từ đó xây dựng các chiến lược quản lý một cách hiệu quả, khoa học, chứ không nhất thiết phải quản lý theo kiểu “giật cục”, chữa cháy nặng về hành chính, nặng về cấm đoán. Vì vậy, trước các diễn biến phức tạp của lễ hội, cần có đội ngũ chuyên gia nghiên cứu thực tiễn, không vội vã ban hành văn bản cấm tổ chức. Thực tiễn, nhiều vấn đề chúng ta cấm nhưng ở cơ sở không thể cấm được.

Quản lý lễ hội trong điều kiện tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa là nhiệm vụ phức tạp có nhiều thách thức đòi hỏi luôn nghiên cứu, bám sát thực tiễn để đề xuất các giải pháp hiệu quả.

___________________

Tài liệu tham khảo

Phạm Hồng Giang, Bùi Hoài Sơn (2012), Quản lý văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Từ Thị Loan (2012), “Một số mô hình quản lý, tổ chức lễ hội cổ truyền”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Số 340, tr.7-11.

Trần Thị Thủy (2013), “Về vai trò của cộng đồng và của nhà nước trong việc quản lý di sản văn hóa phi vật thể (nghiên cứu trường hợp lễ hội đền Bà Chúa Kho)”, Tạp chí Văn hóa học, Số 5, tr.31-38.

Trung tâm Từ điển học (2007), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/netflix-tung-trailer-sieu-pham-an-khach-money-heist-phan-5-an-dinh-ngay-len-song-a3068.html