Văn hóa báo chí Hồ Chí Minh khơi nguồn dòng chảy văn hóa báo chí Việt Nam

TCCSĐT - Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Ảnh minh họa. Ảnh: baoquocte.vn

Báo chí phục vụ sự nghiệp cách mạng

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không tách rời hoạt động báo chí. Người làm báo là để làm cách mạng và để làm cách mạng, Người đã trở thành một nhà báo. Các tác phẩm báo chí của Người có nội dung vô cùng sâu sắc và hết sức mẫu mực về hình thức thể hiện, tạo nên một phong cách độc đáo - phong cách báo chí Hồ Chí Minh. Theo Người, báo chí là công cụ đấu tranh giai cấp, là vũ khí đấu tranh cách mạng. Tính tư tưởng cách mạng của báo chí quyết định chất lượng, tác dụng của báo chí. Để bảo đảm tính tư tưởng, tính đảng của báo chí thì trong đó phải thể hiện được tính chiến đấu, tính giáo dục và tính quần chúng của báo chí.

Báo chí phải biểu thị rõ sự nhiệt tình ủng hộ hay phản đối một quan điểm, một vấn đề, một sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội nào đó khi trong xã hội còn đấu tranh giai cấp. Xã hội và cùng với nó là so sánh lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng luôn thay đổi, đòi hỏi Đảng phải tùy thuộc hoàn cảnh, điều kiện cụ thể để đưa ra các nhiệm vụ cho báo chí cách mạng. Muốn hoàn thành những nhiệm vụ của mình, báo chí cách mạng phải có những nguyên tắc chỉ đạo nhất quán. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Người chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng” (1). Vì vậy, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, tránh dùng từ nước ngoài. Việc xác định đúng đối tượng phục vụ của báo chí cũng có nghĩa là nhà báo phải biết chọn lựa những nội dung gì nên viết, cái gì không nên viết. Viết phục vụ nhân dân thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người chiến sĩ cách mạng kiên cường suốt đời đấu tranh cho độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(2). Vì vậy, sự nghiệp báo chí của Người cũng chỉ có mục đích cao cả đó. Nguyện vọng ấy của Người mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc.

Bảo vệ quyền và giá trị làm người

Vấn đề đầu tiên được đặt ra qua những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt là quyền con người cần được tôn trọng và bảo vệ. Trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ chân lý đó: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(3). Và “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”(4).

Tuy nhiên, chế độ thực dân đã vi phạm quyền con người, chà đạp, hành hạ con người “dưới chiêu bài dân chủ, thực dân Pháp đã đem vào An Nam tất cả cái chế độ trung cổ đáng nguyền rủa…”(5). Chúng tìm cách bôi nhọ các dân tộc thuộc địa, đẩy họ xuống hàng các nước man rợ cần được khai hóa. Nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống văn hóa lâu đời, nền văn hóa của một dân tộc phương Đông tiêu biểu, nền văn hóa của cộng đồng làng xóm với truyền thống hàng ngàn năm chống xâm lược. Song, thực dân Pháp với con mắt của kẻ xâm lược đã không nhìn thấy sự thực đó. Chúng đã chọn lựa những hình ảnh nghèo khổ, nhếch nhác, văn hóa thấp và xem là tiêu biểu cho người An Nam: “…những tranh vẽ lũ công khanh Việt Nam đang lúc nhúc lạy quỳ trước vua bù nhìn cùng chó ngao, toàn quyền, khâm sứ; ngoài những công nhân trần trụi kéo xe thuê, còn có chiếu bóng: trong phim có những bà già ăn trầu răng đen, những nông dân gầy gò rách rưới, những người đóng khố đang trèo dừa... Chúng gọi đó là “hình ảnh An Nam””(6).

Chế độ thực dân Pháp đã tìm cách giam hãm người dân thuộc địa trong vòng tăm tối, ngu dốt. Chỉ riêng chính sách ngu dân của chúng đã là một tội ác muôn lần đáng nguyền rủa. Tuyệt đại đa số người An Nam rơi vào trình trạng thất học. Nhà trường của thực dân Pháp chỉ nhằm đào tạo một số người thừa hành làm công chức ở các công sở như tùy phái, thông ngôn để phục vụ cho chế độ thống trị. Nền giáo dục ấy mang tính chất nô lệ, kiến thức hoàn toàn lệ thuộc vào chính sách của bọn thực dân… Kết hợp với việc ngăn cấm và hạn chế giáo dục phát triển, chúng còn tìm cách kìm hãm và cấm đoán mọi hoạt động thông tin báo chí, đẩy người dân bản xứ vào vùng tăm tối: “Nền văn minh của thực dân đã dùng ngọn đuốc cổ truyền thủ tiêu đến chút tự do cuối cùng của người bản xứ. Đã làm cho người bản xứ phải đần độn và câm, chúng vẫn chưa vừa lòng; chúng còn muốn họ phải điếc nữa kia. Chúng bịt tai họ không cho họ nghe tiếng vang của những biến cố bên ngoài. Chỉ đơn giản bằng một nét bút, chúng đình chỉ hẳn đời sống tinh thần của cả một dân tộc”(7). Người Pháp đến đã làm đổi thay tất cả, dùng chính sách chia để trị, gây mầm hận thù, chia rẽ giữa các thành viên, làm cho cuộc sống bị bần cùng hóa, việc học hành khó khăn,…

Dân tộc Việt Nam đã từ lâu đời tạo dựng nên một nền nếp sống đẹp trong quan hệ giữa người và người. Chúng ta có cả truyền thống văn minh ứng xử, tôn trọng quá khứ, tôn trọng những nghi lễ tập tục đã trở thành máu thịt và nếp sống tâm linh từ lâu đời. Thực dân Pháp tìm cách xóa bỏ truyền thống tốt đẹp đó bằng những hành động dã man, vô nhân đạo: “Biết người An Nam rất sùng bái tổ tiên, bọn người Pháp còn có những hành động độc ác đối với cả người chết; chúng giày xéo thi thể cha mẹ người ta để cho con cái phải đau xót, hoặc hành hạ xác kẻ thù đã bị thua và đã bị giết chết, để cho hả lòng căm tức và rửa tiếng bất lực không đánh bại được người đó khi họ còn sống”(8). Người Việt Nam gọi những hành động đó là hèn hạ, tiểu nhân của những kẻ thất học và trong lòng chất chứa tội ác. Người đã nêu lên những dẫn chứng cụ thể như Phan Đình Phùng khi chết vẫn bị quật mộ lên đốt xác và đem tro vứt đi. Bất lực trước sức mạnh của Đề Thám, bọn giặc đã đào mả cha mẹ ông và đem hài cốt vứt xuống sông. Những hành động trả thù trên mang tính chất hèn hạ của kẻ vô văn hóa mà người đứng đắn không xử sự như thế.

Tính chất tàn bạo, độc ác, vô văn hóa không chỉ là bản chất của chế độ thực dân Pháp mà là đặc điểm chung của chủ nghĩa đế quốc. Ngay từ năm 1924, Người đã viết bài Hành hình kiểu Linsơ, đăng trên báo Diễn đàn thế giới của Đức số 9 (tháng 10-1924) nhằm tố cáo tính chất vô nhân đạo của một xứ sở tự xem mình là văn hóa, văn minh. Người miêu tả: “Các bạn hãy tưởng tượng..., Người da đen không kêu được nữa: lưỡi đã sưng phồng lên vì một thanh sắt nung đỏ gí vào. Toàn thân người ấy quằn quại như một con rắn bị đánh, dở sống, dở chết. Một nhát dao, thế là rụng một tai. Ái chà! Nó mới đen làm sao! Nó mới đáng tởm làm sao! Thế là bọn đàn bà rạch nát mặt người đó ra...”(9). Thật là một đoạn văn miêu tả cụ thể, chân thực trò man rợ của xã hội Mỹ.

Bài Hành hình kiểu Linsơ, tác giả không chỉ miêu tả một tội ác cá biệt mà là một hành vi man rợ chà đạp quyền sống của con người, đây là một tác phẩm báo chí mang khá rõ nét phong cách báo chí của Hồ Chí Minh, quan điểm chính trị sắc sảo, luận cứ thuyết phục, kiến thức văn hóa phong phú, số liệu cụ thể, lối tái hiện và miêu tả chân thực đến chi tiết. Bài báo năm mươi năm sau được đăng lại trong báo Chân trời của Cộng hòa dân chủ Đức với lời bình luận sâu sắc: “Bản cáo trạng này vẫn giữ nguyên vẹn tính thời sự của nó... Với bản cáo trạng này, Hồ Chí Minh đã xuất hiện như một chiến sĩ chân chính của chủ nghĩa quốc tế vô sản và người bảo vệ nhân quyền và tự do của tất cả những người bị áp bức dù họ cư trú ở bất kỳ nước nào”. Vấn đề quan trọng là bài báo đã qua một hiện tượng cụ thể nâng lên thành vấn đề tội ác chống con người và cũng là tội ác ở một thời đại của bọn đế quốc.

Sự kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa Đông - Tây, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy

Chiều sâu văn hóa báo chí Hồ Chí Minh còn là sự vận dụng sáng tạo kiến thức về văn hóa, văn nghệ vào chính trị, làm cho vấn đề đặt ra trở nên thuyết phục và sâu sắc. Trong Di chúc, Người đã nhắc đến ý thơ của Đỗ Phủ: “Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường có câu rằng: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” nghĩa là “người thọ 70 xưa nay hiếm”. Năm nay tôi vừa 79 tuổi đã là lớp người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần đầu óc vẫn rất sáng suốt”(10). Người luôn có ý thức phân tích làm sáng tỏ ý nghĩa nội dung trong những kiến thức văn hóa cổ Trung Hoa. Trong việc học tập, rèn luyện của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên phải không ngừng học tập: “Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất. Khẩu hiệu “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” treo trong phòng họp chính là của Khổng Tử. Tuy Khổng Tử là phong kiến… song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học”(11).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “...Trước con mắt của bạn bè, Nguyễn Ái Quốc “là một con người kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, một con người uyên bác” mà vào thời đó có người nhận xét từ con người Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa mới, có thể là văn hóa của tương lai”(12). Đây là một nhận xét rất sâu sắc, bởi chẳng phải ngẫu nhiên mà mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Người đã ca ngợi tư tưởng dân chủ và bình đẳng của bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ với nhiều ý tưởng bất hủ về quyền con người. Và tiếp theo là những ý tưởng đẹp như chân lý của bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 về quyền tự do và bình đẳng mà Người xem là “những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Trong nhiều năm sống và hoạt động ở các nước phương Tây, Người đã học tập, nghiên cứu những giá trị tinh thần và truyền thống văn hóa của phương Tây và đó cũng chính là một trong những cái nôi lớn nuôi dưỡng, phát triển những tư tưởng dân chủ của loài người. Người đánh giá cao đóng góp của những nhà hoạt động chính trị tiến bộ, những chiến sĩ cách mạng đi tiên phong trong các cao trào cách mạng và Người cũng đánh giá cao những nhà văn hóa đã đóng góp cho nhân loại những giá trị tinh thần lớn lao. Khi nói tới nước Đức, Người khẳng định những đóng góp lớn lao của nước Đức cho nhân loại với những danh nhân tiêu biểu: “Nước Đức, quê hương của Mác, Ăngghen, …, những tên tuổi vĩ đại của phong trào công nhân quốc tế, của chủ nghĩa quốc tế vô sản; đồng thời cũng là Tổ quốc của Gớt, Bétthôven, Anhxtanh... của những người đã góp phần làm giàu cho gia tài văn hóa và khoa học của nhân loại”(13).

Qua những bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy những kiến thức văn hóa phương Đông và phương Tây được Người vận dụng một cách sáng tạo và có hiệu quả để phục vụ cho những yêu cầu về chính trị và đấu tranh cách mạng. Trong bài báo Những người bản xứ được ưa chuộng, Người đã dựa vào những ý tứ trong vở kịch Ô-ten-lô của đại văn hào Sếch-xpia để liên hệ với những người da đen ở các xứ thuộc địa... Cũng là trường hợp vận dụng Sếch-xpia khi tác giả miêu tả khung cảnh đêm tối rùng rợn khi bóng ma xuất hiện trong truyện Lời than vãn của bà Trưng Trắc. Như vậy, vận dụng và học tập kiến thức văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới nhưng Người không hề xem nhẹ văn hóa dân tộc, luôn tôn trọng văn hóa dân tộc từ truyền thống đến hiện đại.

Người đã tiếp thu tinh hoa của văn hóa dân tộc, am hiểu sâu sắc nền văn hóa dân tộc từ cội nguồn cho đến thời kỳ hiện đại. Người luôn tôn trọng những giá trị tinh thần do cha ông để lại từ lâu đời. Những diễn ca về lịch sử và biết bao câu chuyện cảm động về những nhân vật lịch sử từ Bà Trưng Trắc, Ngô Quyền… đến Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh được viết trên báo chí, đã nói lên một phần tấm lòng biết ơn và kính trọng của Người với các nhân vật anh hùng. Người cũng khẳng định nền văn hiến lâu đời của dân tộc, vốn có sức sống và không bị đồng hóa trước các loại văn hóa xa lạ của những kẻ xâm lăng mang tới. Có thể tìm thấy nếp sống lành mạnh, những phong tục tập quán, những cách ứng xử, văn hóa của dân tộc Việt Nam qua những tác phẩm báo chí của Người. Vốn hiểu biết về văn học dân tộc từ ca dao, tục ngữ cho đến những tác phẩm văn học có giá trị như Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều luôn được nhắc tới và vận dụng linh hoạt trên báo chí. Ba mươi năm xa đất nước và hơn bốn mươi năm xa quê hương nhưng khi trở về vẫn nhớ kỹ tiếng làng Sen, nhớ rõ và tôn trọng nền nếp của quê hương. Trong cuộc đời của Người, thời gian ba mươi năm ở nước ngoài đặt chân trên nhiều xứ sở, tiếp xúc với nhiều giống người ở các châu lục, am hiểu nhiều ngôn ngữ nhưng Người vẫn giữ vững bản sắc dân tộc, và thể hiện mọi sự ứng xử theo tinh thần của văn hóa dân tộc. Đó là những giá trị tinh thần lâu đời được chọn lọc và thử thách với thời gian. Đó cũng là những giá trị luôn được mở ra giao lưu với văn hóa nước ngoài và tiếp nhận phần tinh túy của văn hóa các dân tộc.

Chính vốn tri thức lớn đã tạo cho những tác phẩm báo chí Hồ Chí Minh cái nền văn hóa mà người ta chỉ bắt gặp ở các nhà báo lớn trên thế giới. Người không ngừng tích lũy vốn tri thức của mình. Theo dõi báo chí trong và ngoài nước là một niềm hứng thú say mê và cũng là trách nhiệm của một người chiến sĩ suốt cuộc đời dấn thân trong đấu tranh và mở đường, dẫn đường cho dân tộc. Báo chí góp phần thể hiện những phẩm chất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất được thế giới tôn vinh.

Khơi nguồn dòng chảy văn hóa báo chí Việt Nam

Dòng chảy báo chí Hồ Chí Minh là dòng chảy từ chính cuộc đời nhân văn cao cả đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh làm báo, viết báo để phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân loại. Trong cuộc đấu tranh đó, có cuộc đấu tranh chống cái xấu, cái sai, cái ác ở mỗi con người ở trong Đảng, trong tổ chức, trong dân tộc, để xây dựng cái thiện, cái đúng, cái tiến bộ, biểu dương cái tốt, người tốt, việc tốt.

Người sử dụng báo chí làm công cụ giác ngộ và thức tỉnh. Sáng lập báo Người cùng khổ, bằng ngòi bút sắc sảo, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần tội ác của bọn xâm lược tại các thuộc địa để cho nhân dân Pháp và nhân dân thế giới thấy rõ và ủng hộ cho cuộc đấu tranh đòi quyền sống, quyền con người, quyền dân tộc của các dân tộc thuộc địa. Năm 1925, sáng lập báo Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc đã dùng tờ báo làm công cụ tuyên truyền con đường cách mạng giải phóng dân tộc, để tập hợp và giác ngộ quần chúng, để tiến tới thành lập một tổ chức tiên phong lãnh đạo giai cấp và dân tộc…

Báo chí thể hiện tâm nguyện và đức độ của Người như một tấm gương trong cho đồng bào và chiến sĩ noi theo, cho dân tộc và nhân loại noi theo. Khi đất nước đã giành được độc lập, Đảng đã cầm quyền, Người sớm phát hiện những căn bệnh cố hữu, được hình thành như một quy luật trong những người có chức, có quyền, đó là bệnh làm “quan cách mạng”, quan liêu, hủ hóa, tham ô, lãng phí, kéo bè, kéo cánh, cục bộ địa phương, lười học, ăn trên ngồi trước, thiếu trung thực, báo cáo hay, làm thì dở, xu nịnh, a dua… Người viết các bài báo về sửa đổi lối làm việc và các bài cần kiệm, liêm chính, đạo đức cách mạng. Người phê phán, thậm chí lên án các căn bệnh ấy, coi đó là một thứ giặc nội xâm, một kẻ thù của Đảng, của dân tộc.

Mang một tầm vóc vĩ đại, lớn lao, nhà báo Hồ Chí Minh hàm chứa trong bản thân mình những giá trị làm người cốt lõi, sâu sắc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong tác phẩm Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, đã viết: “Hồ Chí Minh là nhà chiến lược, nhà lãnh đạo, nhà tổ chức đồng thời là nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ lớn. Suốt cuộc đời Hồ Chí Minh là cả một cuộc chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí với một văn phong đa dạng nhiều sắc thái mà nổi bật lên tính quần chúng, cách suy nghĩ và biểu đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ giản dị giàu hình tượng, nói lên được điều lớn lao bằng những dòng chữ nhỏ…”. Ý chí chiến đấu mạnh mẽ và cái TÂM rộng lớn, sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều cần nhất cho bất kỳ một nhà báo nào khi cầm bút./.

------------------------------

(1), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 102; 356
(2), (3), (4) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, 2011, tr. 187; 1; 1.
(5), (7), (8), (9) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 1, tr. 249; 432; 377; 331.
(6) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 13, tr. 503 - 504
10) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 15, tr. 618
(12) Hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn”, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr. 13
(13) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 11, tr. 28

Thiếu tá, ThS. Đặng Công ThànhHọc viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/binh-luan/2018/51254/van-hoa-bao-chi-ho-chi-minh-khoi-nguon-dong-chay-van.aspx