Văn hóa '996' ở Trung Quốc khó thay đổi

Phong cách làm việc '996' từ lâu đã trở thành một 'nét văn hóa' chốn công sở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy bị kiệt sức, suy nhược cơ thể khi phải lao động liên tục.

Zing trích dịch bài đăng từ Inkstone, đề cập đến nỗ lực thay đổi văn hóa làm việc kiệt sức "996" (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ đêm, 6 ngày/tuần) ở Trung Quốc.

Rất khó để người lao động xin nghỉ phép một ngày tại Trung Quốc. Áp lực từ phía đồng nghiệp và ban lãnh đạo luôn khiến họ phải căng mình làm việc, ngay cả khi ốm đau, trở bệnh. Chuyện tăng ca và làm thêm giờ trở thành một điều hiển nhiên ở mọi công ty.

Thành phố Thâm Quyến - siêu đô thị phía nam Trung Quốc - đang cố gắng thay đổi văn hóa làm việc bằng cách bắt buộc các doanh nghiệp phải tôn trọng ngày nghỉ của nhân viên.

 Tăng ca, làm thêm giờ là chuyện thường tình ở xã hội Trung Quốc. Ảnh: Nikkei.

Tăng ca, làm thêm giờ là chuyện thường tình ở xã hội Trung Quốc. Ảnh: Nikkei.

Hành động này của chính quyền địa phương nằm trong kế hoạch cải thiện chất lượng đời sống người dân thành phố, bao gồm chống ô nhiễm không khí, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần. Kế hoạch này sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ năm 2021.

Trong đó, hạng mục “Môi trường làm việc lành mạnh” quy định rằng người sử dụng lao động phải điều chỉnh khối lượng công việc cho nhân viên, đồng thời sắp xếp thời gian nghỉ ngơi để tránh làm tổn hại sức khỏe của người lao động.

Mặc dù Luật lao động của Trung Quốc đã quy định rõ các ngày nghỉ của nhân viên, các công ty thường phớt lờ điều đó.

“Người sử dụng lao động nên thực hiện nghiêm túc quyền nghỉ phép có lương của nhân viên. Các đoàn thể, bộ phận nhân sự cùng các ban ngành khác nên tăng cường giám sát việc thực thi cơ chế đó”, trích bản kế hoạch.

Tuy nhiên, vẫn cần theo dõi xem liệu những quy định mới có giúp hạn chế văn hóa làm việc "996" hay không.

Tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt, phong cách “996” - làm việc kéo dài từ 9h sáng đến 9h tối liên tục 6 ngày/tuần - đã trở thành một “nét văn hóa” phổ biến.

Tàu điện ngầm ở Trung Quốc vào giờ cao điểm. Ảnh: Bloomberg.

Theo CCTV, chìa khóa để khuyến khích người lao động sử dụng ngày phép là cơ chế hỗ trợ và sự hướng dẫn, chỉ đạo từ cấp trên. Nếu không, người sử dụng lao động vẫn sẽ tiếp tục dùng tiền lương hoặc đánh giá hiệu suất nhằm ngăn cản nhân viên xin nghỉ.

Zoey Zou - một nhà thiết kế đồ họa ở Thâm Quyến - cho rằng các quy định mới của chính quyền là vô ích, đặc biệt đối với các doanh nghiệp làm việc dựa trên các dự án. Cô vẫn sẽ phải tăng ca, làm thêm giờ để hoàn thành đúng tiến độ nếu trước đó bị bắt nghỉ theo chính sách mới.

“Nếu bạn không hoàn thành dự án kịp thời hạn, việc đánh giá hiệu suất của bạn và cả mức lương sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, công ty cũng cần nhận nhiều dự án để có tiền duy trì hoạt động và chi trả cho nhân viên. Do vậy, người lao động sẽ không ngừng làm việc ngoài giờ đâu”, Zoey nói với Inkstone.

Các tỷ phú, doanh nhân Trung Quốc ca ngợi văn hóa “996” là giá trị cần phát huy. Jack Ma, một trong những người đàn ông giàu nhất châu Á, ca ngợi văn hóa làm việc 12 tiếng/ngày là “một phước lành”.

Tuy nhiên, nhiều người trẻ đất nước tỷ dân cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức vì phải làm việc quá nhiều.

Theo cuộc khảo sát của chính phủ năm 2018 về sức khỏe tâm thần của 403 nhân viên công nghệ, 50% số người tham gia cho biết họ cảm thấy mệt mỏi. Những người khác nói rằng họ có các vấn đề về thị lực, trí nhớ kém, rối loạn cột sống…

Tỷ phú Jack Ma là một trong số những nhà lãnh đạo ca ngợi văn hóa làm việc "996". Ảnh: CNN.

Wang Shichang (28 tuổi), luôn trong tình trạng mệt mỏi. Đôi mắt khô khốc suốt ngày phải căng ra. Giấc ngủ luôn chập chờn. Wang đã tăng hơn 9 kg kể từ khi bắt đầu công việc phát triển phần mềm vào 4 năm trước.

Chưa nói đến các vấn đề thể chất, Wang nói chứng trầm cảm của anh đang ngày càng tệ hại vì áp lực công việc. Anh khẳng định văn hóa làm việc “996” chính là nguồn cơn của tất cả.

Twenty Wu, một nhà phát triển phần mềm 23 tuổi cho một trang web thương mại điện tử Trung Quốc, cũng gặp vấn đề tương tự. Anh vừa muốn dành thời gian cho các hoạt động khác ngoài công việc vừa muốn ngủ đủ giấc.

"Tôi thường về nhà vào khoảng 11 giờ tối và chỉ muốn leo ngay lên giường. Không có thời gian, năng lượng để giải trí hay học tập", Wu nói.

Theo CNN, Trung Quốc không phải nơi duy nhất tồn tại văn hóa làm việc quá giờ, quá sức.

Hai quốc gia láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có những khái niệm tương tự “996”. Các thuật ngữ “Karoshi” trong tiếng Nhật và “Gwarosa” trong tiếng Hàn đều dùng để chỉ những cái chết vì làm việc quá sức.

Ở Thung lũng Silicon của Mỹ, văn hóa "hustling" được sử dụng để mô tả guồng quay công việc áp lực, mệt mỏi.

Tỷ phú công nghệ Elon Musk từng chia sẻ ông làm việc 80-90 giờ/tuần và tuyên bố: "Không ai có thể thay đổi thế giới nếu làm việc 40 giờ/tuần".

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/van-hoa-996-o-trung-quoc-kho-thay-doi-post1154195.html