Văn Hậu và giấc mộng trời Âu của cầu thủ Đông Nam Á

Người hâm mộ Việt Nam đã đặt rất nhiều kỳ vọng khi Văn Hậu đầu quân cho Heerenveen vào tháng 9 năm ngoái. Sau những chuyến xuất ngoại sang trời Âu của Công Vinh và Công Phượng, tất cả háo hức và hi vọng Văn Hậu sẽ tạo nên những dấu ấn khác biệt hơn các đàn anh. Nhưng rồi cuối cùng mọi chuyện đã không thể như mong đợi.

Chiều 10/7, sau thời gian dài bế tắc trong việc đàm phán, Hà Nội FC chính thức thông báo Văn Hậu sẽ rời Heerenveen để trở về Việt Nam.

Trước đó, Hà Nội FC đã nhiều lần thể hiện thiện chí của mình tạo điều kiện để Văn Hậu tiếp tục ở lại Hà Lan thi đấu. Đáng kể nhất chính là việc sẵn sàng hỗ trợ Heerenveen trả lương cho Văn Hậu, với điều kiện CLB của Hà Lan phải hoạch định rõ kế hoạch sử dụng hậu vệ người Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, cuối cùng hai bên đã không thể tìm được tiếng nói chung.

Văn Hậu ở trận Roda JC, lần duy nhất anh được chơi cho đội một Heerenveen.

Văn Hậu ở trận Roda JC, lần duy nhất anh được chơi cho đội một Heerenveen.

Nhìn lại quãng thời gian 10 tháng ở châu Âu, Văn Hậu được ra sân vỏn vẹn 4 phút cùng đội một Heerenveen ở trận gặp Roda JC ở cúp Quốc gia Hà Lan (18-12-2019), không mắc sai lầm nào đáng kể nhưng cũng kịp để lại dấu ấn với… một thẻ vàng.

Còn lại, anh chưa một lần được chơi ở giải vô địch quốc gia mà chỉ ra sân cùng đội trẻ Heerenveen. Tất nhiên 10 trận đấu với khoảng 807 phút thi đấu ở giải đấu dành cho các cầu thủ trẻ và dự bị cũng mang đến những trải nghiệm quý báu cho Văn Hậu. Cùng với đó là sự phát triển khá tốt về thể hình, điều mà ai cũng có thể nhận ra khi cầu thủ này trở về tập trung ĐTQG và dự SEA Games 30 cùng U22 Việt Nam. Nhưng rõ ràng với cả cầu thủ và đội bóng của họ, chẳng ai mong muốn đi châu Âu chỉ để tập thể hình.

Trước Văn Hậu, Việt Nam từng có hai cầu thủ được chơi bóng ở châu Âu là Công Vinh và Công Phượng. Và nếu xét về thời gian được thi đấu cùng đội một, chắc chắn hậu vệ người Thái Bình thua xa các đàn anh.

Công Phượng có 20 phút ra sân ở Sint Truidense, còn Công Vinh tạo được dấu ấn lớn hơn khi đá 3 trận trong 3 tháng khoác áo Leixoes. Anh có tổng cộng 176 phút thi đấu và thậm chí còn ghi được 1 bàn thắng tại vòng 3 cúp Quốc gia Bồ Đào Nha.

Nhưng tất nhiên dù có là trường hợp của Văn Hậu, Công Phượng hay Công Vinh, đó vẫn là dấu ấn khá nhỏ bé mà cầu thủ Việt Nam có thể làm được ở trời Âu. Nhìn rộng ra, không chỉ Việt Nam mà ở cả khu vực Đông Nam Á vào thời điểm hiện tại, việc đưa cầu thủ sang châu Âu vẫn là một canh bạc thực sự. Tất cả đều bị đặt dấu hỏi về mục đích thương mại vì không dễ để một cầu thủ ở khu vực vẫn bị coi là “vùng trũng” của bóng đá thế giới có thể cạnh tranh được ở một môi trường khắc nghiệt như vậy.

Phillippines hiện là nước ở Đông Nam Á có nhiều tuyển thủ quốc gia đang chơi bóng tại châu Âu nhất. Có điều tất cả đều là những Phi kiều (có bố, mẹ hoặc ông bà là người gốc Phillipines), được sinh ra, lớn lên và đào tạo bài bản ở môi trường bóng đá châu Âu từ nhỏ.

Còn về xuất khẩu cầu thủ, thành công nhất như Thái Lan cũng chỉ mới tạo được dấu ấn ở Nhật Bản với những Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan hay Teerasil Dangda. Thậm chí, ở tuổi 27 và sau 3 năm chơi bóng rất thành công tại Consadole Sapporo, Chanathip khi được hỏi về giấc mơ chơi bóng tại châu Âu vẫn chỉ nói đó là “tương lai xa”.

Rõ ràng, chơi bóng tại châu Âu không phải là câu chuyện dễ dàng với các cầu thủ Đông Nam Á. Giống Việt Nam, Indonesia đã và đang có cầu thủ được đưa sang trời Âu với kỳ vọng lớn. Chỉ có điều những Egy Maulana (Lechia Gdansk, Ba Lan), Jack Brown (Lincoln City, Anh) hay Witan Sulaeman (FK Radnik Surdulica, Serbia) đều phải đối mặt với thực tế phũ phàng trên băng ghế dự bị.

Như trường hợp của Egy Maulana, anh gia nhập Lechia Gdansk vào hè 2017 với nhiều kỳ vọng sau khi được tờThe Guardian bình chọn vào top 60 tài năng trẻ triển vọng của bóng đá thế giới. Sau một năm, tiền vệ này được đôn lên đội một, thậm chí còn đội bóng Ba Lan còn trao cho chiếc áo số 10. Tiếc rằng dấu ấn Egy tạo ra gần như không có.

Trong suốt mùa giải 2018/19, Egy chỉ có 2 lần ra sân cho đội một Lechia Gdansk với vỏn vẹn 10 phút thi đấu. Mùa này, tiền vệ sinh năm 2000 mới có một lần ra sân duy nhất từ ngày 28-7-2019 và được chơi 45 phút.

Egy vẫn nâng cúp Quốc gia 2018/19 và Siêu cúp Ba Lan 2019/20 cùng đồng đội, tuy nhiên đóng góp của “Messi Indonesia” gần như bằng 0, bởi phần lớn thời gian trong 3 năm tại Lechia Gdansk, anh chỉ ngồi dự bị và thi đấu cho đội trẻ.

Rõ ràng, ai cũng biết châu Âu là môi trường đỉnh cao nhất của bóng đá thế giới và việc được sang thi đấu tại đây là mơ ước của nhiều cầu thủ. Với những nền bóng đá mới chỉ quanh quẩn ở top 100 thế giới như Việt Nam, Indonesia hay Thái Lan, việc đưa cầu thủ sang châu Âu là điều đáng tự hào.

Tuy nhiên, sang được là một chuyện, có trụ lại và tỏa sáng được hay không lại là chuyện khác. Nhìn từ những ví dụ của Chanathip, Văn Hậu, Công Phượng hay Egy, có thể thấy việc chọn điểm đến khi xuất ngoại với cầu thủ Đông Nam Á là điều rất quan trọng. Chúng ta vẫn tin đến một ngày Việt Nam sẽ có cầu thủ thành công rực rỡ ở nước ngoài, nhưng vì mong ước đó mà vội đốt cháy giai đoạn có lẽ là không nên!

PV

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/guong-mat-the-thao/van-hau-va-giac-mong-troi-au-cua-cau-thu-dong-nam-a-602518/