Vận hành Trung tâm phân phối: Bước đi chiến lược của Nestlé Việt Nam

Nestlé áp dụng các công nghệ mới của thời 4.0 sẽ giúp hãng đẩy nhanh vận chuyển, bảo quản hàng hóa, bảo đảm chất lượng của sản phẩm ở chuẩn cao nhất khi cung ứng ra thị trường.

Bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam (đứng giữa) cùng quan khách cắt băng khánh thành Trung Tâm Phân Phối Nestlé Bông Sen. (Ảnh: NVN)

Bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam (đứng giữa) cùng quan khách cắt băng khánh thành Trung Tâm Phân Phối Nestlé Bông Sen. (Ảnh: NVN)

Dù đã là một thương hiệu rất lớn mạnh, nhưng với việc đưa Trung tâm phân phối lớn nhất miền Bắc (tại Hưng Yên) vào hoạt động từ 12/3, Nestlé đã tung ra “đòn đánh” chiến lược nhằm khẳng định vị trí của mình trên thị trường Việt.

Phân phối “thời 4.0”

Đại diện Nestlé Việt Nam cho hay, điểm đáng chú ý của Trung tâm phân phối Nestlé Bông Sen là được hãng trang bị công nghệ hàng đầu thế giới về vận hành và quản lý hàng hóa.

Theo đó, Nestlé Việt Nam đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên đưa công nghệ tự động hóa tiên tiến Obiter Robot vào hệ thống trung tâm phân phối ở Việt Nam. Cùng với Hệ thống SAP (phần mềm quản lý doanh nghiệp), các công nghệ này giúp tối ưu hóa diện tích, tăng sức chứa hàng hóa lên gấp đôi. Bên cạnh đó, hệ thống giá đỡ Radio Shuttle sẽ đem lại giải pháp an toàn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với các hệ thống kệ truyền thống...

Nhờ có trung tâm phân phối ngay sát nhà máy Nestlé Bông Sen, các sản phẩm chất lượng của Nestlé sẽ đến được với người tiêu dùng tại khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ nhanh hơn. Ngoài ra, việc trung tâm phân phối cạnh nhà máy cũng thể hiện tư duy “one-touch,” giữ cho chi phí phân phối cạnh tranh trong khi cung cấp sản phẩm chất lượng cao nhất cho khách hàng.

“Nestlé Việt Nam cam kết cung cấp các sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn khắt khe qua tất cả các chuỗi giá trị trong quy trình sản xuất và thiết lập mạng lưới phân phối để đáp ứng đầy đủ yêu cầu ngày càng cao của khách hàng,” đại diện Nestlé khẳng định.

Thực tế, nếu như trước đây, ngành công nghiệp hậu cần đã được xác định bởi xe tải và kho bãi, nhưng trong nhiều năm qua, các công nghệ mới đã bắt đầu thay đổi cục diện hậu cần với việc sử dụng các giải pháp di động, GPS, thu phí điện tử, nhật ký xe điện tử... Bên cạnh đó, những tiến bộ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như như chuỗi khối và xe tự lái đang định hình tương lai của ngành hậu cần.

Theo các chuyên gia, công nghệ mới làm tăng năng suất và độ tin cậy trong hoạt động Logistics và việc Nestlé áp dụng các công nghệ 4.0 sẽ giúp hãng đẩy nhanh vận chuyển, bảo quản hàng hóa, bảo đảm chất lượng của sản phẩm ở chuẩn cao nhất khi cung ứng ra thị trường.

Ông Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên cho hay, Trung tâm phân phối đi vào hoạt động sẽ đưa các sản phẩm của Nestle đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đồng thời giảm thiểu thời gian, chi phí cũng như các rủi ro trong quá trình vận chuyển.

Mặt khác, ông Cử biểu dương việc Nestle đã tiên phong trong ứng dụng 4.0 – công nghệ Obiter Robot vào trung tâm phân phối và đây sẽ là mô hình để các doanh nghiệp khác tham khảo...

Nestlé đã tiên phong trong ứng dụng 4.0 – công nghệ Obiter Robot vào trung tâm phân phối nhằm tối đa hóa diện tích sử dụng tài nguyên đất và đảm bảo an toàn cho người lao động. Ảnh chụp bên trong Trung Tâm Phân Phối Nestlé Bông Sen. (Nguồn: NVN)

Đem giá trị cốt lõi của Thụy Sỹ vào thị trường Việt

Ngoài việc khánh thành trung tâm phân phối, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam Ganesan Apalavanar cho hay, hãng sẽ hoàn tất việc lắp đặt thêm các dây chuyền sản xuất MILO uống liền tại nhà máy Nestlé Bông Sen vào tháng 9/2019.

“Với khoản đầu tư này, chúng tôi sẽ tăng gấp đôi công suất sản xuất MILO uống liền tại nhà máy Nestlé Bông Sen và tính đến năm 2020 sẽ tăng tổng mức đầu tư của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam tại Hưng Yên lên xấp xỉ 100 triệu USD,” ông Ganesan Apalavanar tiết lộ.

Vị đại diện Nestlé Việt Nam cũng chia sẻ, Nestlé MILO đạt mức tăng trưởng ấn tượng ở khu vực phía Bắc chỉ sau gần hai năm nhà máy Nestlé Bông Sen đi vào hoạt động, trở thành thức uống dinh dưỡng hàng đầu do người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Trong khi đó, bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam nhận định tầm nhìn đầu tư và cam kết đầu tư dài hạn của Nestlé thể hiện tiềm năng của Việt Nam như một địa điểm kinh doanh ngày càng hấp dẫn. Trong khi Nestlé là nhà đầu tư lớn nhất của Thụy Sỹ tại Việt Nam, rất nhiều các công ty khác của Thụy Sỹ - khoảng hơn 100 công ty, hiện đã có mặt tại đây và con số này ngày càng tăng lên.

Cũng theo bà Beatrice Maser Mallor, Nestlé Việt Nam đã trở thành một doanh nghiệp mang nhiều ý nghĩa hơn là một công ty sản xuất hàng tiêu dùng phổ biến với các nhãn hàng như MILO, La Vie, Nescafe, Maggi và rất nhiều nhãn hàng khác.

“Nhãn hiệu Nestlé tự thân nó đã liên kết đến một số giá trị cốt lõi của Thụy Sỹ. Một trong số những giá trị cốt lõi của chúng tôi chính là cam kết không thỏa hiệp để đạt được các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất có thể,” đại sứ Beatrice Maser Mallor nói.

Chiếc xe chở các thùng sản phẩm MILO uống liền đầu tiên xuất hành từ Trung Tâm Phân Phối Nestlé Bông Sen. (Ảnh: NVN)

Rõ ràng, những bước đi chiến lược trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 của Nestlé không chỉ giúp giảm chi phí trong quá trình sản xuất, kho bãi, phân phối… mà còn giúp hãng nhanh chóng cung ứng những sản phẩm chất lượng, an toàn tới người tiêu dùng Việt./.

Nestlé là tập đoàn dinh dưỡng, sức khỏe hàng đầu thế giới với trên 328.000 nhân viên trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, Nestlé điều hành 6 nhà máy với hơn 2.300 nhân viên trên toàn quốc. Qua nhiều lần liên tục tăng vốn, mở rộng đầu tư, tổng vốn đầu tư của Nestlé vào Việt Nam đến nay lên trên 560 triệu USD. Công ty đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao tặng Bằng khen thành thích xuất sắc trong công tác đầu tư nước ngoài trong 30 năm tại Việt Nam và là một trong 10 doanh nghiệp phát triển bền vững nhất tại Việt Nam năm 2018.

PV (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/van-hanh-trung-tam-phan-phoi-buoc-di-chien-luoc-cua-nestle-viet-nam/557938.vnp