Vận hành hết công suất, khắc phục môi trường sau bão

Sau cơn bão số 9, công việc của công nhân ngành môi trường trở nên vất vả hơn, với khối lượng công việc gấp 4- 5 lần. Trước tình hình này, Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi đã huy động toàn nhân lực, công thêm nhân lực, phương tiện của tỉnh bạn để hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả sau bão.

Mùa vất vả

Theo số liệu sơ bộ, sau cơn bão số 9, tỉnh Quảng Ngãi có đến 6.000 cây xanh đô thị bị ngã đổ, cùng với đó nhiều cột điện, cột đèn hư hỏng, nhà cửa, cở sở y tế, cơ quan, trường học bị tốc mái. Dạo quanh, nhiều biển quảng cáo, pano, áp phích các nơi cũng bị hỏng theo...

Hình ảnh dễ thấy nhất là cây cối đổ ngổn ngang, rất nhiều cây to bị bật gốc. Cùng với rác thải dồn ứ trong những ngày bão lớn không thu gom được, kèm theo đó là lượng rác thải phát sinh rất lớn, chủ yếu là rác hữu cơ cây xanh.

Để nhanh chóng khắc phục hậu quả, Quảng Ngãi đã chỉ đạo triển khai ngay công tác dọn vệ sinh môi trường. Trong đó, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi là một trong những đơn vị chủ lực, vận hành hết công suất, huy động tối đa nhân lực, tăng ca, tăng giờ làm việc để thu gom rác thải ra khỏi địa bàn nhằm tránh ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân.

Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi huy động toàn lực để khắc phục hậu quả sau bão.

Đi dọc các tuyến đường phố Quảng Ngãi, hai ngày sau cơn bão số 9 qua đi, màu áo của các nhân viên công ty môi trường hiện diện khắp nơi. Khi những nhân viên cây xanh vừa xử lý xong cây ngã đổ, ngay sau đó là công việc của nhân viên xí nghiệp môi trường, nối tiếp nhau như một cỗ máy, không ngừng nghỉ.

Te nhánh, thu gom rác thải là lá, cành cây xanh vào máy ép rác, cùng lúc thu gom rác. Mọi việc tất bật và nhanh chóng hơn bao giờ hết, dù trước mắt là bao khó khăn, vất vả với mùi hôi thối, ẩm ướt bốc lên, những cành cây to phải cần đến nhiều người mới khuân nổi lên xe.

Một “kíp” nhân viên, công nhân với hàng chục người hồ hởi với công việc của mình trên tuyến đường Phan Bội Châu. Họ là những nhân viên trong Tổ sản xuất số 2, Xí nghiệp Môi trường. Nhìn họ, nhiều người đi đường thấy được nỗ lực hợp sức để khắc phục hậu quả sau khi cơn bão “lịch sử” đi qua.

Vừa cặm cụi làm việc, vừa hướng dẫn các nhân viên, anh Nguyễn Văn Hùng, Tổ trưởng cho hay: “Đối với tổ chúng tôi, ngoài đường Phan Bội Châu còn đảm nhận công việc ở đường Hùng Vương, Lê Trung Đình, Quang Trung. Những ngày này, công việc của chúng tôi vừa là những nhân viên môi trường và vừa là những người “cửu vạn” với khối lượng công việc khá lớn”.

Tạm gác việc gia đình, họ sẵn sàng ở ngoài đường từ 6h00 đến 10h00 đêm để làm sạch đường phố sau bão.

Xen lời anh Hùng, bà Đoàn Thị Kim Anh, 47 tuổi, người đã có 21 năm gắn bó với công việc này chia sẻ: “Hàng chục năm gắn bó với công việc này nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy cơn bão khủng khiếp nhất. Với sức tàn phá kinh hoàng, khối lượng công việc lớn là điều dĩ nhiên. Chúng tôi chỉ có thời gian nghỉ ngơi sau 10h00 đêm và đến 6h00 phải có mặt để tiếp tục công việc. Đi làm sớm hơn giờ bình thường, ăn uống phải tranh thủ. Đến cả chuyện ngủ nghỉ cũng không được trọn vẹn”.

Dù vất vả, mệt nhọc với khối lượng công việc khổng lồ, nhưng họ đã luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhà của các công nhân ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Hầu hết họ đều tạm gác việc riêng, sẵn sàng ăn, ngủ trên đường vì việc chung. Việc nhà nhờ hậu phương hỗ trợ, hoặc không sẽ khắc phục sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ.

Như bà Ly, đồng nghiệp của bà Anh, gia đình có tang trước 2 ngày cơn bão xảy ra. Sau bão, bà Ly liền xin phép gia đình để tiếp tục công việc cùng các đồng nghiệp. Bởi, thiếu một người, công ty lại gặp khó khăn.

“Không đủ người mà rác nhiều nên tranh thủ đi sớm về khuya, dù cật lực nhưng lượng rác vẫn chưa vơi. Chúng tôi chỉ mong thu gom hết số rác tồn đọng còn lại để trở về với công việc thường ngày”, bà Ly nói.

Huy động thêm nhân lực, phương tiện

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Quảng Ngãi, kiêm Giám đốc Xí nghiệp môi trường Đoàn Nhật Linh, cơn bão đi qua, cán bộ và công nhân của công ty đang dồn lực dọn vệ sinh môi trường.

Để khắc phục và nhanh chóng ổn định cuộc sống của nhân dân, trước tiên công ty đã kiểm tra và chỉ đạo các tổ, đội cây xanh ưu tiên cắt cành, cắt cây, dựng lại cây bị đổ ngã tại các tuyến đường chính và các khu vực có nhiều cây xanh bị đổ.

Trên các tuyền đường, công nhân làm việc xuyên đêm, đảm bảo hoàn thành trước ngày 2.11 như tiến độ mà tỉnh giao.

Cùng với đó, đội thu gom rác tiến hành thu gom rác thải dân cư kết hợp thu dọn cành cây. Ngoài ra, công ty còn có một lực lượng tham gia khắc phục điện chiếu sáng công cộng. Khối lượng công việc hiện nay đã gấp 4-5 lần so với ngày thường.

“Công ty ưu tiên các tuyến đường phố ở 9 phường trung tâm thành phố làm trước để hoạt động được thông suốt. 450 nhân viên, công nhân chia làm hơn 20 tổ đã làm việc liên tục, tăng ca, tăng giờ làm, cố gắng đưa rác sinh hoạt và cây xanh bị đổ ra khỏi khu vực trung tâm càng nhanh càng tốt. Công ty đã huy động thêm 50 nhân lực ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Kon Tum, với 5 chiếc xe ép chuyên dụng để hỗ trợ tỉnh”, ông Linh cho biết thêm.

“Làm việc không tính thời gian với cường độ cao và khối lượng công việc khổng lồ, cán bộ, công nhân của công ty đều chỉ mong sao dọn sạch phố phường, nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão, ổn định sinh sống và hoạt động sản xuất trên địa bàn, đảm bảo tiến độ trước ngày 2.11 mà UBND tỉnh đã giao”, ông Linh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Thiên Hậu

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202010/van-hanh-het-cong-suat-khac-phuc-moi-truong-sau-bao-3028496/