Vận hành dịch vụ công mức độ 3, 4 lĩnh vực tư pháp ở Hà Nội: Phục vụ người dân tốt hơn nữa

Từ 1/8/2018, hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lĩnh vực tư pháp đã được được triển khai vận hành tại 12 quận và 5 huyện: Gia Lâm, Quốc Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và các xã, phường trực thuộc 17 quận, huyện nêu trên.

Công dân thực hiện thủ tục tại bộ phận một cửa phường Khương Mai (quận Thanh Xuân)

Công dân thực hiện thủ tục tại bộ phận một cửa phường Khương Mai (quận Thanh Xuân)

Sau hơn 2 tháng triển khai, những kết quả bước đầu đạt được là rất đáng ghi nhận nhưng vẫn còn một số điểm cần khắc phục để phát huy hơn nữa những tiện ích mà dịch vụ công trực tuyến mang lại.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho phép người dân, tổ chức, cá nhân gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ (cụ thể là bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của UBND phường). Tất cả giao dịch, xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Khi thực hiện dịch vụ công mức độ 4, công dân có thể thực hiện nhanh chóng, thuận tiện bằng việc đăng ký nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng internet và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính theo địa chỉ cung cấp, không phải đến cơ quan nhà nước để thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Ghi nhận tại UBND phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), hầu hết các công dân đến phường để thực hiện dịch vụ trực tuyến là người lớn tuổi nên phường đã dán các tờ hướng dẫn các thủ tục một cách cụ thể, bài bản và bố trí cán bộ hướng dẫn trực tiếp cho người dân. Dịch vụ công mức độ 3 được nhiều người dân đánh giá cao bởi thao tác đơn giản, dễ thực hiện và ngay khi thực hiện thành công sẽ có phản hồi gửi về hộp thư điện tử để báo ngày hẹn trả kết quả. Nhờ những tiện lợi đó mà dịch vụ công mức độ 3 ngày càng được người dân sử dụng rộng rãi.

Bác Lê Thị Vân (62 tuổi, trú tại phường Thanh Nhàn) chia sẻ, do khả năng về công nghệ thông tin còn hạn chế nên vẫn ra phường làm các thủ tục theo thói quen. Tuy nhiên, sau khi được các cán bộ hướng dẫn về các bước đăng ký trực tuyến, bác nhận thấy không hề khó như bản thân nghĩ và không mất nhiều thời gian phải xếp hàng chờ đợi đến lượt nên thấy rất phấn khởi và sẽ tuyên truyền để nhiều người lớn tuổi như mình biết đến dịch vụ tiện ích này hơn.

Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Thạch Bảo Khôi cho biết, tính từ đầu năm 2018, phường đã tiếp nhận hơn 600 hồ sơ trực tuyến, trong đó chủ yếu là đăng ký khai sinh và xác nhận tình trạng hôn nhân. Đến thời điểm hiện tại, các hồ sơ mà phường giải quyết đã đạt 100% trực tuyến, 100% hồ sơ giải quyết quy trình trả đúng hạn, nhưng chưa có trường hợp nào của dịch vụ công mức độ 4. Liên quan đến vấn đề này, chị Khôi thành thật chia sẻ, công dân của phường Thanh Nhàn chủ yếu cư trú ở gần địa bàn phường, tâm lý người dân cũng muốn tự tay nhận hồ sơ nên mặc dù phường đã ký hợp đồng với bưu điện nhưng đến giờ vẫn chưa có công dân nào đăng ký sử dụng.

Như trường hợp của anh Nguyễn Văn Tuấn (35 tuổi, trú tại phường Thanh Nhàn), tuy làm thủ tục đăng ký khai sinh trực tuyến cho con song anh vẫn đến phường để lấy kết quả. “Gửi qua bưu điện cũng tiện nhưng nhỡ thất lạc đâu đấy thì lại mất thêm thời gian, cứ đến lấy trực tiếp vẫn thấy yên tâm hơn”, anh Tuấn chia sẻ.

Có thể thấy, tuy mang lại nhiều tiện ích nhưng dịch vụ công mức độ 3, 4 hiện nay vẫn chưa thực sự phát huy hết hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính là do khả năng sử dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế, còn tâm lý lo ngại về thất lạc giấy tờ, mất an toàn thông tin khi sử dụng loại dịch vụ này. “Chính điều này đã tạo nên gánh nặng cho các cán bộ tư pháp, bởi vì sau khi người dân hoàn tất các thủ tục trên giấy xong thì cán bộ phường lại lặp lại thao tác tương tự nhưng ở trên máy, trong khi phường thì nhiều việc mà nhân lực lại không đủ” - Phó Chủ tịch UBND phường Láng Thượng Trần Thị Tuyết cho hay.

Ngoài ra, hệ thống trang thiết bị của mạng lưới trực tuyến chưa đồng bộ, đường truyền đôi khi chậm và có vấn đề, phần mềm bị nhiều lỗi cập nhật, đôi khi không truy cập được… Thời gian tới, để đông đảo người dân được thụ hưởng các tiện ích từ những dịch vụ công trực tuyến này, mỗi địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp người dân tăng cường khả năng và thói quen sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Từ đó, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng thành công chính quyền điện tử trên địa bàn TP, phục vụ tốt hơn yêu cầu của công dân, tổ chức.

Phương Mai

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ha-noi-hotnews/van-hanh-dich-vu-cong-muc-do-3-4-linh-vuc-tu-phap-o-ha-noi-phuc-vu-nguoi-dan-tot-hon-nua-418804.html