Vận hành bệnh viện cây trồng tại Việt Nam

Sáng 18/12, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đã phối hợp với Trung tâm Sinh học Nông nghiệp quốc tế (CABI) tổ chức hội nghị 'Cây trồng thông minh và phát triển bền vững bệnh viện cây trồng ở VN' tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội nghị

“Chương trình Cây trồng thông minh (Plantwise) do CABI khởi xướng về thiết lập các bệnh viện cây trồng nhằm quản lý tốt sâu bệnh hại, giảm thiểu mất mát nông sản, bảo vệ môi trường và sức khỏe người nông dân, đồng thời tăng thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp đang là vấn đề cấp thiết và được các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc VAAS, khẳng định.

Cây trồng thông minh là chương trình do CABI điều phối, lãnh đạo nhằm giúp nông dân giảm thiểu mất mát do sâu bệnh gây ra. CABI đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cơ quan nông nghiệp quốc gia để thành lập các bệnh viện cây trồng và đào tạo các bác sĩ cây trồng điều hành hoạt động của bệnh viện, nơi mà người dân có thể nhận được các tư vấn về sức khỏe cây trồng.

Tại Việt Nam, dự án bệnh viện cây trồng do VAAS chủ trì, các đơn vị tham gia gồm Viện BVTV, Trung tâm Giám định kiểm định thực vật (thuộc Cục BVTV), Viện Cây ăn quả miền Nam, Chi cục Trồng trọt và BVTV một số tỉnh. Sau 6 năm tham gia, dự án đã thu được những kết quả đáng kể.

Từ năm 2012 đến nay, tổng số bệnh viện cây trồng được thiết lập và vận hành là 45. Năm 2013, dự án đã thiết lập và vận hành 20 bệnh viện cây trồng ở 4 tỉnh: Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Tiền Giang và Bến Tre (mỗi tỉnh 5 bệnh viện). Năm 2014 thiết lập và vận hành thêm 20 bệnh viện cây trồng (gồm 3 bệnh viện ở mỗi tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc; 8 bệnh viện ở Sơn La và các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long mỗi tỉnh 2 bệnh viện), nâng tổng số bệnh viện cây trồng trên cả nước lên 40. Năm 2016 thiết lập và vận hành thêm 5 bệnh viện tại tỉnh Đăk Lăk.

Ông Irshad Ali, Điều phối viên của CABI khu vực châu Á giới thiệu về chương trình Plantwise toàn cầu

Tuy nhiên từ năm 2016 đến nay, kinh phí do CABI cung cấp giảm nên số lượng bệnh viện cây trồng ở Việt Nam đã giảm xuống còn 12. Có thể đến năm 2020, kinh phí do CABI tài trợ sẽ chấm dứt nên việc duy trì hoạt động của các bệnh viện cây trồng Nhà nước và các địa phương cần có những chính sách nhất định để hỗ trợ.

Dự án đã đào tạo, tập huấn cho 116 lượt bác sĩ cây trồng, những người nắm vững kiến thức về bảo vệ thực vật và có đủ kỹ năng tư vấn cho nông dân về phòng chống sâu bệnh. Các bác sĩ cây trồng đã tư vấn cho hành chục nghìn lượt nông dân về các triệu chứng và các phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.

Dự án đã tổ chức 15 lớp đào tạo, tập huấn và hàng chục hội thảo, hội nghị về hoạt động của bệnh viện cây trồng, về chia sẻ thông tin với các cơ quan đối tác nhằm duy trì, phát triển mô hình bệnh viện cây trồng ở Việt Nam...

Bà Phạm Thị Xuân, Thư ký dự án, cho biết: “Việt Nam đã tham gia dự án thiết lập bệnh viện cây trồng từ năm 2012 và là một trong 49 quốc gia của chương trình Cây trồng thông minh do CABI tài trợ kinh phí. Hoạt động của các bệnh viện cây trồng được các địa phương đánh giá là hữu ích và cần được nhân rộng trong phạm vi toàn quốc”.

“Cho đến nay các bệnh viện cây trồng trên cả nước đều hoạt động rất hiệu quả. Qua đó, kiến thức và kỹ năng chuyên môn của các bác sĩ cây trồng đã được nâng cao rất nhiều. Quan trọng hơn người nông dân đã được cung cấp một dịch vụ thiết thực hoàn toàn miễn phí. Chính vì vậy, dự án bệnh viện cây trồng Việt Nam trong thời gian tới cần phải duy trì hệ thống tổ chức và cần được lồng ghép vào chương trình khuyến nông quốc gia và địa phương”, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV.

Phạm Trung Hiếu

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/van-hanh-benh-vien-cay-trong-tai-viet-nam-post233198.html