Vẫn giữ quy hoạch xây dựng tỉnh

Chiều 9-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật

Trước đó, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật. Cùng ngày, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Trồng trọt; thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 và nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Quy hoạch xây dựng tỉnh là căn cứ đầu tư công

UBTVQH đề nghị giữ lại quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (nay được đổi tên thành quy hoạch xây dựng tỉnh). Theo UBTVQH, có một số lý do quan trọng để dự thảo luật quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, bao gồm quy hoạch xây dựng tỉnh. Trước hết, việc đổi mới hoạt động quy hoạch là cần thiết tạo ra một sự thống nhất cao trong công tác quy hoạch, tránh sự chồng chéo, lãng phí.

Tuy nhiên, cũng cần phải đảm bảo tính kế thừa, sự tích hợp khoa học giữa quy hoạch mang tính phi vật thể trước đây (như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội) với quy hoạch mang tính vật thể (như quy hoạch xây dựng và quy hoạch kỹ thuật mang tính chuyên ngành khác). Quy hoạch xây dựng tỉnh đã được triển khai thực hiện rộng rãi, trong khi việc bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh để thay thế bằng quy hoạch tỉnh chưa nhận được sự đồng tình của các chuyên gia, các hiệp hội chuyên ngành.

Bên cạnh đó, với chức năng quản trị quốc gia, Chính phủ cho rằng, quy hoạch xây dựng là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, giúp cụ thể hóa quy hoạch tỉnh, tuân thủ tính thứ bậc theo quy định của Luật Quy hoạch 2017…

Tán thành quan điểm thể hiện tại báo cáo giải trình nêu trên, ĐB Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho rằng, cần quy định quy hoạch xây dựng tỉnh trong luật này, bởi đây là khâu quan trọng trong quy hoạch quốc gia và là cơ sở cho định hướng phát triển quy hoạch của hệ thống đô thị khu dân cư và nghỉ dưỡng sinh thái kết nối các đô thị và trục đô thị liên vùng gắn với quy hoạch quốc gia. Đây cũng là căn cứ để địa phương triển khai đầu tư công, đảm bảo mật độ phát triển dân cư, lao động, nhà ở và thương mại.

Đồng tình với ý kiến này, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho biết, sau 8 năm thực hiện quy hoạch xây dựng tỉnh, tỉnh Kiên Giang đã định hình không gian gắn với phát triển của 4 vùng trong tỉnh và hình thành phát triển đô thị để tỉnh xây dựng các khu đô thị thành trung tâm kinh tế của tỉnh. Xác định vị trí quy mô của hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của tỉnh đã đem lại hiệu quả đầu tư cho tỉnh.

Tiếp cận từ góc độ phù hợp với hệ thống pháp luật, ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) phân tích: Khoản 9, điều 3, Luật Quy hoạch đã quy định quy hoạch xây dựng tỉnh là vấn đề kỹ thuật chuyên ngành, được điều chỉnh bởi Luật Xây dựng.

Do đó, luật này quy định “quy hoạch xây dựng tỉnh tuân theo pháp luật xây dựng theo Luật Quy hoạch” là hoàn toàn hợp lý. Bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh thì cũng sẽ phải xem xét bỏ các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác. Như thế lại phải sửa Luật Xây dựng cũng như Luật Quy hoạch vừa mới được thông qua.

ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) cho rằng, việc lập riêng quy hoạch xây dựng tỉnh sẽ dẫn đến cùng một cấp, cùng một nội dung của ngành xây dựng nhưng được lập, thẩm định đến 2 lần, tạo thêm thủ tục hành chính, gây lãng phí, trùng lặp, chồng chéo và khó khăn, phức tạp trong quá trình triển khai thực hiện…

Bổ sung quy định về cây trồng biến đổi gene

Cho ý kiến sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trồng trọt (do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày tại phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng 9-11), ĐB Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) cho rằng, nhiều nội dung trong dự thảo luật vẫn còn khá chung chung. Việc dự thảo luật quy định chiến lược phát triển trồng trọt được xây dựng cho chu kỳ 10 năm, tầm nhìn 30 năm là quá dài. Đề nghị nên quy định phát triển trồng trọt được xây dựng cho chu kỳ 10 năm, tầm nhìn 10 năm tiếp theo.

Quan tâm “mổ xẻ” tình trạng được mùa - mất giá, ĐB Trần Văn Huynh (Kiên Giang) cho rằng, một nguyên nhân quan trọng là các khâu chế biến, bảo quản sản phẩm chưa được chú trọng đúng mức.

Do đó, nếu Việt Nam muốn vươn xa hơn nữa trong thị trường thế giới thì chương 5 của Dự thảo về thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng cần phải viết sâu hơn, đảm bảo thể chế hóa được yêu cầu gắn sản xuất, chế biến với sản phẩm thành hệ thống.

Đề nghị rà soát lại toàn bộ các chương, điều, đảm bảo thống nhất giữa một số quy định của luật này với các luật có liên quan như Luật Sở hữu trí tuệ; hạn chế tình trạng quá nhiều điều luật giao quyền quy định chi tiết cho Chính phủ, Bộ NN-PTNT. Đáng lưu ý, một số ý kiến ĐBQH chỉ ra rằng, chương 2 của dự luật quy định về giống cây trồng vẫn chưa đề cập đến cây trồng biến đổi gene, trong khi hiện nay giống cây trồng này đang phát triển mạnh, có thể ảnh hưởng đến con người, vật nuôi, môi trường tự nhiên và hệ sinh thái.

Nhiều ý kiến đề nghị cần phải đưa nội dung này vào dự thảo luật để đánh giá tác động sinh học của giống cây trồng này đối với môi trường ª

ANH THƯ

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/van-giu-quy-hoach-xay-dung-tinh-63013.html