Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Bác trong hoạt động Công đoàn

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng muốn phong trào Công đoàn mạnh, cần có cán bộ Công đoàn tốt. Cán bộ Công đoàn phải là người hiểu biết về sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ Công đoàn phải giỏi cả về chính trị, thạo về kinh tế, lại phải có trình độ cả về tư tưởng, văn hóa, kỹ thuật thì mới lãnh đạo được đội ngũ công nhân ngày càng phát triển.

Vận dụng tốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày nay, tổ chức Công đoàn Việt Nam đang ngày càng phát huy vai trò của mình trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và 90 cán bộ công đoàn khu vực ngoài Nhà nước là đảng viên tiêu biểu báo công dâng Bác, nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2020). Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và 90 cán bộ công đoàn khu vực ngoài Nhà nước là đảng viên tiêu biểu báo công dâng Bác, nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2020). Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Bao nhiêu cách tổ chức và làm việc đều vì lợi ích của quần chúng

Theo Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, 90 năm qua, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam, ánh sáng soi đường cho tổ chức Công đoàn Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta. Công đoàn đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong mỗi thời kỳ; luôn gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng hành với dân tộc và với Đảng.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh, học tập và làm theo Bác trước tiên là làm tốt chức năng, nhiệm vụ, mỗi cán bộ Công đoàn phải vì đối tượng đoàn viên, công nhân lao động mà tận tâm phục vụ, luôn thấu hiểu, trăn trở, suy nghĩ về thực tế đời sống của người lao động

Với mong muốn hỗ trợ, chia sẻ một phần khó khăn của người lao động, đồng thời thể hiện sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền đối với người lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã xây dựng “Quỹ hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tỉnh Bình Dương” xem đây là một trong các giải pháp chăm lo thiết thực nhằm thu hút, tập hợp công nhân lao động gia nhập và gắn bó với tổ chức Công đoàn Việt Nam. Bên cạnh nguồn hỗ trợ đầu tư tài chính Công đoàn, Quỹ còn nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương ở mức 2 triệu đồng cho một người và sự đóng góp ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Công đoàn lắng nghe và hiện thực hóa mong muốn của đoàn viên, người lao động

Lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, cán bộ Công đoàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực sự chấm dứt việc hành chính hóa hoạt động Công đoàn. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh giao việc, phân công từng địa bàn cho các cán bộ, gắn với việc đánh giá kết quả công tác hằng năm.

"Chúng tôi áp dụng công nghệ thông tin, thay đổi phương thức chỉ đạo hoạt động Công đoàn các cấp qua các nhóm được lập trên Zalo, Facebook nhằm hạn chế văn bản giấy, bảo đảm nội dung chỉ đạo sâu sát cơ sở", Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thừa Thiên - Huế Nguyễn Khoa Hoài Hương cho biết.

Tổ chức Công đoàn đã sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, lập các nhóm Cán bộ Công đoàn chuyên trách, Chủ tịch Công đoàn cơ sở ngoài nhà nước; nhóm Cán bộ Công đoàn cơ sở trực thuộc; Facebook Công đoàn Huế; Fan page Công đoàn Thừa Thiên - Huế và đội ngũ công tác viên dư luận xã hội Công đoàn. Do có nhiều hình thức tiếp cận phong phú nên thông tin từ cơ sở, từ đoàn viên và công nhân lao động đến với Công đoàn tỉnh kịp thời, chính xác.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thừa Thiên - Huế, từ "lắng nghe” đến hiện thực hóa mong muốn của đoàn viên, người lao động là một quãng đường dài và khá cam go, bởi trong điều kiện kinh phí của tổ chức Công đoàn hạn hẹp, cán bộ chuyên trách Công đoàn ít. Chính vì vậy, cán bộ Công đoàn giúp đỡ đoàn viên, người lao động bằng cách vận động doanh nghiệp (trong các chương trình phúc lợi), nhà hảo tâm, thực hiện xã hội hóa hoạt động Công đoàn theo lời Bác dặn:“ Điều gì có lợi cho dân, dù nhỏ, cũng cố gắng làm”.

Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam Vũ Thị Minh Phượng cho biết: Các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam, có hơn 360 doanh nghiệp với gần 70.000 công nhân, trong đó có 250 Công đoàn cơ sở trực thuộc với trên 55.000 đoàn viên Công đoàn.

Từ thực tiễn trên,tổ chức Công đoàn các khu công nghiệp được yêu cầu là luôn phải quán triệt và xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong quá trình hoạt động của mình. Về thực chất, công tác Công đoàn chính là công tác dân vận của Đảng mà cán bộ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với doanh nghiệp và người lao động, nhằm vận động thu hút tổ chức họ thực hiện tốt mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Điều này đã khẳng định công tác dân vận vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Để thực hành “Dân vận khéo” cán bộ công đoàn phải có đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ và năng lực thực tiễn, luôn tiên phong gương mẫu…. như lời Bác Hồ đã dạy - tiêu chuẩn cán bộ dân vận chỉ gói gọn trong 12 chữ vàng “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

"Chúng tôi đã thực hiện phương châm lấy Công đoàn cơ sở là gốc, là trung tâm hoạt động, đồng thời luôn duy trì và phát huy vị trí của Công đoàn cơ sở vững mạnh để hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của mình", bà Vũ Thị Minh Phượng nhấn mạnh.

Qua hàng năm, mỗi cán bộ Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam đều xây dựng cho mình một chương trình công tác, một kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện bản thân, phấn đấu để trở thành một cán bộ Công đoàn giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt tình tâm huyết với hoạt động Công đoàn, có uy tín và khả năng đoàn kết, tập hợp được đoàn viên, người lao động có tinh thần đấu tranh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động, được người lao động tin yêu, chủ doanh nghiệp nể trọng.

Với phương pháp và lề lối làm việc trên, thông qua tự kiểm điểm, đánh giá kết luận của tập thể tại các hội nghị hàng quý, tổng kết cuối năm, mọi cán bộ Công đoàn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đã góp phần vào quá trình hoạt động, xây dựng Công đoàn các Khu công nghiệp của tình, làm trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong những năm qua, xứng đáng là cán bộ Công đoàn cơ sở “Óc nghĩ, mắt trông tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tấm gương mẫu mực về phong cách sống và làm việc

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, là một tấm gương mẫu mực về phong cách sống và làm việc, Người đã dành trọn cả cuộc đời mình phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta tài sản vô giá về tư tưởng, đạo đức và phong cách, trong đó, phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức, thẩm mỹ, được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống, hoạt động của Người. Phong cách Hồ Chí Minh phát triển theo logic đi từ suy nghĩ (phong cách tư duy), đến nói, viết (phong cách diễn đạt), biểu hiện qua phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt hằng ngày.

Trong hơn 90 năm qua, Đảng và Bác Hồ đã đặt nền móng, cơ sở lý luận, lãnh đạo, rèn luyện giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công đoàn phải tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân, đồng thời phải chú trọng quan điểm lợi ích riêng đi đôi với lợi ích chung theo quan điểm của Đảng; sức mạnh của tổ chức Công đoàn chính là xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Có thể thấy, trong suốt quá trình hoạt động, lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới từng bước đi, bước trưởng thành của Công đoàn Việt Nam. Người thường xuyên quan tâm đến công tác Công đoàn và phong trào công nhân lao động; dành nhiều thời gian để đi thăm, nói chuyện, chỉ dẫn về công tác Công đoàn tại các nhà máy, xí nghiệp, lâm trường… trực tiếp Bác Hồ đã ký Sắc lệnh ban hành Luật Công đoàn, trong đó chỉ rõ mục đích của tổ chức Công đoàn: "Công đoàn là phải cải thiện đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung".

Để xây dựng giai cấp công nhân ngày càng tiến bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng tới vai trò và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam - nơi tập hợp, đoàn kết, giáo dục, giác ngộ; đại diện, bảo vệ lợi quyền cho công nhân; quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, lao động; góp phần cùng Chính phủ và nhân dân xây dựng đất nước.

Đỗ Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/van-dung-sang-tao-tu-tuong-cua-bac-trong-hoat-dong-cong-doan-20200518115608646.htm