Vận dụng kiến thức Hóa vào thực tiễn

Vận dụng kiến thức Hóa (ở đây là chương trình lớp 9) vào thực tiễn sẽ giúp học sinh thấy được sự gần gũi của hóa học với đời sống. Hóa học không chỉ là những khái niệm, công thức, định luật… khô khan trên giấy mà đã được ứng dụng rất hữu ích trong cuộc sống.

Dùng tro bếp bón cây

Lồng ghép môi trường vào bài dạy

Vấn đề môi trường: nước, không khí, đất,... được con người nhắc đến rất nhiều. Trong cuộc sống hằng ngày, các hiện tượng thường xuyên bắt gặp như: nước thải sinh hoạt, nước thải của các nhà máy xí nghiệp, các khu công nghiệp...; khói bụi của các phương tiện giao thông, của các khu công nghiệp,... có liên quan gì đến những diễn biến bất thường của thời tiết hiện nay?

Giáo viên dạy học bộ môn Hóa có thể lồng ghép các hiện tượng đó vào phần sản xuất các chất, hay ứng dụng của một số chất... Ngoài việc gây sự chú ý của học sinh trong tiết dạy còn giáo dục ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các em. Tùy vào thực trạng của từng địa phương mà ta lấy các hiện tượng cho cụ thể và gần gũi với các em.

Khi học xong bất kỳ đề tài gì, học sinh thấy có thể ứng dụng cho thực tế cuộc sống thì các em sẽ chú ý hơn, hứng thú hơn. Từ đó các em sẽ tìm tòi, chủ động tư duy để tìm hiểu, nhớ kỹ hơn. Do đó mỗi bài học giáo viên nên cố gắng đưa ra một số ứng dụng thực tiễn (nếu có) sẽ lôi cuốn được sự chú ý của học sinh.

Hiện tượng thực tiễn vào các bài giảng Hóa 9

- Tại sao khi cho vôi sống vào nước, ta thấy khói bốc lên mù mịt, nước vôi như bị sôi lên và nhiệt độ hố vôi rất cao có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người và động vật. Do đó cần tránh xa hố đang tôi vôi hoặc sau khi tôi vôi ít nhất 2 ngày?

Giải thích: Khi tôi vôi đã xảy ra phản ứng tạo thành canxi hiđroxit:

CaO + H2O Ca(OH)2

Phản ứng này tỏa rất nhiều nhiệt nên làm nước sôi lên và bốc hơi đem theo cả những hạt Ca(OH)2 rất nhỏ tạo thành như khói mù trắng. Do nhiệt tỏa ra nhiều nên nhiệt độ của hố vôi rất cao. Do đó người và động vật cần tránh xa hố vôi để tránh rơi xuống hố vôi tôi sẽ gây nguy hiểm đến tánh mạng.

Áp dụng: Giáo viên có thể đặt câu hỏi trên cho phần đặt vấn đề vào bài ở Bài 2: Một số Oxit quan trọng.

- Vì sao người ta dùng tro bếp để bón cho cây?

Giải thích: Trong tro bếp có chứa muối K2CO3 cung cấp nguyên tố kali cho cây.

Áp dụng: Giáo viên có thể đặt hai câu hỏi trên cho phần đặt vấn đề vào bài hoặc liên hệ thực tế trong ở bài 11: Phân bón hóa học.

- Vì sao ta hay dùng bạc để “đánh gió” khi bị bệnh cảm?

Giải thích: Khi bị bệnh cảm, trong cơ thể con người sẽ tích tụ một lượng khí H2S tương đối cao. Chính lượng H2S sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi. Khi ta dùng Ag để đánh gió thì Ag sẽ tác dụng với khí H2S. Do đó, lượng H2S trong cơ thể giảm và dần sẽ hết bệnh. Miếng Ag sau khi đánh gió sẽ có màu đen xám: 4Ag + 2H2S + O2 # 2Ag2S# + 2H2O

Áp dụng: Hiện tượng “đánh gió” đã được ông bà ta sử dụng từ rất xa xưa cho đến tận bây giờ để chữa bệnh cảm. Cách làm này rất có cơ sở khoa học mà mọi người cần phải biết. Giáo viên có thể nêu hiện tượng trên khi dạy phần Tính chất của kim loại.

- Tại sao dùng đồ dùng bằng bạc đựng thức ăn, thức ăn lâu bị ôi?

Giải thích: Khi bạc gặp nước sẽ có một lượng rất nhỏ đi vào nước thành ion. Ion bạc có tác dụng diệt khuẩn rất mạnh. Chỉ cần 1/5 tỉ gam bạc trong một lít nước cũng đủ diệt các vi khuẩn nên giữ cho thức ăn lâu ôi thiu.

- Vì sao than chất thành đống lớn có thể tự bốc cháy?

Giải thích: Do than tác dụng với O2 trong không khí tạo CO2, phản ứng này tỏa nhiệt. Nếu than chất thành đống lớn phản ứng này diễn ra nhiều nhiệt tỏa ra được tích góp dần khi đạt tới nhiệt độ cháy của than thì than sẽ tự bốc cháy.

- Tại sao khi cơm bị khê, người ta thường cho vào nồi cơm một mẫu than củi?

Giải thích: Do than củi xốp, có tính hấp phụ nên hấp phụ hơi khét của cơm làm cho cơm đỡ mùi khê.

Áp dụng: Giáo viên có thể đặt 2 câu hỏi trên cho phần liên hệ thực tế trong Bài 27: Cacbon.

- Vì sao có khí metan thoát ra từ ruộng lúa hoặc các ao (hồ)?

Giải thích: Trong ruộng lúa, ao (hồ) thường chứa các vật thể hữu cơ. Khi các vật thể này thối rữa (hay quá trình phân hủy các vật thể hữu cơ) sinh ra khí metan. Người ta ước chừng 1/7 lượng khí metan thoát vào khí quyển hàng năm là từ các hoạt động cày cấy.

Lợi dụng hiện tượng này người ta đã làm các hầm bioga trong chăn nuôi heo tạo khí metan để sử dụng đun nấu hay chạy máy…

Áp dụng: Giáo viên đưa vấn đề này vào trong phần liên hệ thực tế Bài 36: Metan.

- Tại sao rượu giả có thể gây chết người?

Giải thích: Để thu được nhiều rượu (rượu etylic) người ta thêm nước vào pha loãng ra nhưng vì vậy rượu nhạt đi người uống không thích. Nên họ pha thêm một ít rượu metylic làm nồng độ rượu tăng lên. Chính rượu metylic gây ngộ độc, nó tác động vào hệ thần kinh và nhãn cầu, làm rối loạn chức năng đồng hóa của cơ thể gây nên sự nhiễm độc.

Áp dụng: Giáo viên có thể nêu vấn đề trên sau khi dạy xong mục Bài 44: Rượu Etylic.

- Vì sao cồn có khả năng sát khuẩn?

Giải thích: Cồn là dung dịch rượu etylic (C2H5OH) có khả năng thẩm thấu cao, có thể xuyên qua màng tế bào đi sâu vào bên trong gây đông tụ protein làm cho tế bào chết. Thực tế là cồn 75o có khả năng sát trùng là cao nhất. Nếu cồn lớn hơn 75o thì nồng độ cồn quá cao làm cho protein trên bề mặt vi khuẩn đông cứng nhanh hình thành lớp vỏ cứng ngăn không cho cồn thấm vào bên trong nên vi khuẩn không chết. Nếu nồng độ nhỏ hơn 75o thì hiệu quả sát trùng kém.

Áp dụng: Giáo viên có thể đề cập ở phần ứng dụng trong Bài 44: Rượu etylic.

Bùi Thị Minh Châu (GV Trường THCS Đức Trí - quận 1, TPHCM)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/van-dung-kien-thuc-hoa-vao-thuc-tien-3944805-b.html