Vận dụng cơ chế đặc thù để huy động vốn trong dân

Nguồn vốn nhàn rỗi trong dân trên địa bàn TPHCM hiện nay là rất lớn. Dư địa huy động lại không giới hạn, thừa khả năng tài trợ cho 7 chương trình đột phá của TPHCM. Bài toán đặt ra là lãnh đạo TPHCM vận dụng linh hoạt các cơ chế tài chính đặc thù như thế nào để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội này.

TPHCM cần nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chờ “khai phá”

7 chương trình đột phá của TPHCM được đặt ra nhằm giải quyết một cách có hệ thống và gần như toàn diện các thách thức mà TPHCM đang đối mặt. Đó là từ cải cách hành chính, giảm ùn tắc, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường cho đến chỉnh trang đô thị để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cũng như chất lượng nguồn nhân lực. Mong muốn là vậy, song điều quan trọng nhất là nguồn lực để TPHCM triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình đó lại là một thách thức lớn đối với chính quyền TPHCM.

Các nguồn lực xã hội đóng vai trò to lớn trong việc tài trợ cho ngân sách. Đặc biệt là đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của các TP và đô thị lớn trên thế giới. Nguồn lực này càng quan trọng, lại khá dồi dào tại các quốc gia mà hệ thống tài chính còn chưa phát triển. Nói cách khác, tập quán và kiến thức để tiếp cận thị trường tài chính và dịch vụ tài chính của người dân còn khá hạn chế. TPHCM nói riêng và nước ta nói chung là một ví dụ điển hình. Cụ thể, phần lớn công chúng chọn các hình thức tiết kiệm cá nhân hoặc đơn giản là tích trữ tiền tiết kiệm tại nhà dưới dạng vàng hoặc ngoại tệ (như USD) là rất phổ biến.

Trong một nghiên cứu gần đây mà chúng tôi thực hiện dựa trên các số liệu thống kê đã được công bố rộng rãi, chúng tôi ước lượng quy mô nguồn vốn nhàn rỗi trong dân trên địa bàn TPHCM đang tồn tại dưới các hình thức tiết kiệm như vàng, ngoại tệ và tiền gửi với quy mô không nhỏ. Dư địa huy động lại không giới hạn, thừa khả năng tài trợ cho 7 chương trình đột phá của TPHCM.

Trong bối cảnh được trao các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TPHCM (Nghị quyết 54 của Quốc hội), vấn đề đặt ra là làm sao TPHCM có thể khai thác và tận dụng tối đa cơ chế đặc thù này để có thể huy động được các nguồn lực trong xã hội và tạo động lực tăng trưởng cho những năm tiếp theo.

Xác lập nguồn thu đặc biệt và được tự chi

Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X đã có những phân tích, đánh giá về kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện 7 chương trình đột phá. Hội nghị nhận định, 7 chương trình đột phá, trong đó có chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; chương trình giảm ngập nước; chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị đều đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu không đổi mới cách làm, đảm bảo nguồn vốn thì cả 3 chương trình trên đều có thể không hoàn thành. Một trong những nguyên nhân là do thiếu vốn.

Dựa trên lời kêu gọi và cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, tôi cho rằng chính quyền TP cần vận dụng quyết liệt hơn lợi thế này nhằm mở ra nhiều cơ hội trong việc gia tăng nguồn thu cũng như khả năng cân đối tốt hơn cho các chương trình và kế hoạch của TP.

Theo tôi, có những cơ hội sau đây mà chính quyền TPHCM có thể cân nhắc. Đó là khả năng xác lập nguồn thu đặc biệt của TPHCM. Theo đó, TPHCM cần xem xét, đề xuất để được phép mở rộng cơ sở thu thông qua một số nguồn thu đặc biệt tương ứng với điều kiện đặc thù của TPHCM. Ngoài ra, nguồn thu từ thuế cũng có thể linh hoạt giãn nở thông qua quyền tự quyết mức thuế suất gắn với các nguồn thu có tính chất địa phương trong giới hạn pháp luật. Bên cạnh đó, cũng cần những khoản ưu tiên ngân sách cho TPHCM như thưởng vượt thu, quản lý nguồn thoái vốn từ các doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, TPHCM đang gánh vác vai trò đầu mối cung cấp cho một lượng lớn dân cư các dịch vụ phức tạp trên quy mô lớn, cao hơn hẳn so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Do đó, TPHCM cần được quyền tự chủ quy định các khoản chi, mức chi phù hợp với nhu cầu đặc thù của TPHCM. Trong đó, đặc biệt ưu tiên chi xây dựng cơ bản và cải tạo, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.

Đối với một siêu đô thị như TPHCM, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng cấp bách và quy mô lớn thì TPHCM cũng cần mở rộng hạn mức đầu tư. Việc kiềm hãm càng lâu sẽ càng lãng phí nguồn lực có thể khai thác trong công chúng và càng kéo tốc độ phát triển của TPHCM chậm hơn.

PGS-TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO (Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TPHCM)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/van-dung-co-che-dac-thu-de-huy-dong-von-trong-dan-533629.html