Vận dụng cách đánh linh hoạt hạn chế ưu thế hỏa lực của địch

Vạn Tường là thôn nhỏ ven biển thuộc xã Bình Thiện (Bình Sơn, Quảng Ngãi), được giải phóng trước năm 1965 và xây dựng thành 'làng chiến đấu'. Sau Chiến thắng Ba Gia lần thứ nhất (tháng 5-1965), Trung đoàn 1 chủ lực Quân khu 5 về đóng tại Vạn Tường để củng cố, huấn luyện, chuẩn bị cho hoạt động thu-đông.

Phát hiện được đơn vị chủ lực của ta ở cách Chu Lai 17km về phía đông nam, tướng W.C.Westmoreland, tư lệnh bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (MACV) đã ra lệnh mở cuộc hành quân "Ánh sáng sao" (Starlite), với sự tham gia của 8.000 quân Mỹ, 70 máy bay chiến đấu, 150 trực thăng, 6 tàu đổ bộ, 5 pháo hạm và gần 50 khẩu pháo các loại cùng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép đánh vào Vạn Tường nhằm tiêu diệt Trung đoàn 1 Quân giải phóng, gây uy thế cho quân Mỹ.

 Bộ đội chủ lực Quân khu 5 bắn máy bay Mỹ bằng súng phòng không trong trận Vạn Tường (Quảng Ngãi) năm 1965. Ảnh tư liệu

Bộ đội chủ lực Quân khu 5 bắn máy bay Mỹ bằng súng phòng không trong trận Vạn Tường (Quảng Ngãi) năm 1965. Ảnh tư liệu

Đêm 17-8-1965, 5 pháo hạm và 6 tàu đổ bộ Mỹ đậu ngoài biển đối diện với ấp An Cường, bắn dồn dập hàng nghìn quả đạn pháo vào các thôn xóm. Phán đoán địch đang chuẩn bị hỏa lực dọn đường cho bộ binh tiến công, bộ đội, du kích và nhân dân thôn Vạn Tường khẩn trương sơ tán người già, trẻ em, sửa chữa hầm hào, chuẩn bị chiến đấu. Chỉ huy Trung đoàn 1, Đại đội 21 bộ đội địa phương và xã đội, thôn Vạn Tường họp bàn phương án chiến đấu và phân công hiệp đồng. Sáng 18-8-1965, sau các đợt pháo kích và ném bom dữ dội, lực lượng quân Mỹ gồm: 4 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, 1 tiểu đoàn xe tăng và xe bọc thép, 2 tiểu đoàn pháo 105mm, 6 tàu đổ bộ và pháo hạm cùng hàng trăm máy bay chiến đấu ồ ạt tiến quân vào Vạn Tường. Tiểu đoàn 2 (trung đoàn thủy quân lục chiến số 4, Mỹ) đổ bộ bằng trực thăng xuống cánh đồng Lộc An; tiểu đoàn 3 (trung đoàn thủy quân lục chiến số 3 Mỹ), một bộ phận từ Chu Lai đánh sang, bộ phận còn lại cùng một tiểu đoàn tăng-thiết giáp từ tàu đổ bộ lên bãi biển An Cường. Các cánh quân địch hình thành một vòng cung khép kín, bao vây, tiến công vào thôn Vạn Tường với âm mưu tiêu diệt toàn bộ lực lượng của ta trong thời gian ngắn nhất.

Ngay sau khi địch đổ quân xuống cánh đồng Lộc An, các khẩu đội cối 82mm và 60mm của Trung đoàn 1 bắn cấp tập vào bãi đổ quân của địch, phá hỏng 8 trực thăng, diệt hơn 100 tên Mỹ. Cánh quân địch từ Chu Lai tiến công sang bị Đại đội 21 bộ đội địa phương Quảng Ngãi phục kích tại thôn Phổ Tịnh chặn đánh, diệt nhiều tên. Lực lượng Mỹ đổ bộ lên bãi biển An Cường bị hỏa lực của Trung đoàn 1 và dân quân, du kích diệt tại chỗ 25 tên; số còn lại lùi ra biển, dùng pháo hạm, máy bay bắn phá, ngăn chặn ta, yểm trợ cho quân Mỹ đổ bộ lần thứ hai.

Ở bãi đổ bộ phía tây An Cường diễn ra trận đánh ác liệt. Dưới sự yểm trợ của máy bay, quân Mỹ cố tiến lên chiếm đồi 43 và 30 ở phía nam và bắc thôn An Cường. Nhưng Trung đoàn 1 và Đại đội 21 bộ đội địa phương đã thực hành vận động tiến công vào đội hình địch. Bị đánh dữ dội, quân Mỹ rơi vào thế hoảng loạn, không còn kiểm soát được chiến trường. Đến trưa, địch cho 5 xe thiết giáp chở quân và 3 xe tăng phun lửa đến tiếp viện và bị ta tiêu diệt gần hết. Chỉ huy tiểu đoàn 3 địch vội vã tập hợp một toán cứu viện gồm 1 xe tăng M48, 1 xe tăng phun lửa, 3 xe chống tăng và một số xe thiết giáp tiến về đồi 30 phía bắc thôn An Cường, liền bị ta tiến công. Chỉ trong vòng 4-5 phút, cánh quân ứng cứu của địch thương vong gần hết. Địch từ chỗ chủ động chuyển sang bị động chống đỡ lúng túng, trong khi ta từ chỗ bị bất ngờ đã giành được thế chủ động tiến công. Trận đánh kéo dài đến chiều tối 18-8-1965. Quân ta tiêu diệt 919 lính Mỹ; bắn cháy 22 xe tăng, xe bọc thép; bắn rơi 13 máy bay và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Đây là đòn đánh phủ đầu giáng đòn chí tử vào đội quân lính thủy đánh bộ Mỹ, một binh chủng được xem là thiện chiến, tối tân của quân đội Mỹ lúc bấy giờ.

Chiến thắng Vạn Tường có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, là mốc son chói lọi phản ánh khí thế cách mạng tiến công, sự mưu trí, kiên cường, dũng cảm, tình đoàn kết chiến đấu của quân và dân Quảng Ngãi với bộ đội chủ lực Quân khu 5. Nếu như Chiến thắng Ấp Bắc mở đầu cho cao trào diệt ngụy thì Chiến thắng Vạn Tường lịch sử mở đầu cho cao trào diệt Mỹ. Chiến thắng Vạn Tường khẳng định quân và dân ta có khả năng đánh bại hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, dù chúng có đông quân, hùng hậu về vũ khí trang bị và khả năng cơ động nhanh, đồng thời báo hiệu sự thất bại không thể tránh khỏi của chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Cùng với Chiến thắng Ba Gia, Chiến thắng Vạn Tường đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật quân sự Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân và sự kết hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương; giữa tiến công tiêu diệt địch của lực lượng vũ trang với nổi dậy của quần chúng giành quyền làm chủ; giữa tiêu diệt chủ lực địch với chống phá “bình định”; thể hiện tư duy nhạy bén trong nghệ thuật chỉ huy, điều hành chiến dịch của Bộ tư lệnh Quân khu 5; tinh thần chiến đấu, phục vụ chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Ngãi anh hùng. Chiến thắng Vạn Tường thêm khẳng định khả năng của ta đánh bại được quân Mỹ trong điều kiện chúng có ưu thế tuyệt đối về binh khí, hỏa lực.

Đại tá VŨ HỒNG KHANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/van-dung-cach-danh-linh-hoat-han-che-uu-the-hoa-luc-cua-dich-582933