Vận dụng bài học phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng Tuyến chi viện chiến lược 559 - Đường Trường Sơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã xây dựng, vận hành hiệu quả Tuyến chi viện chiến lược 559-Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, 'đưa được sức mạnh của căn cứ địa-hậu phương miền Bắc, cả sức mạnh của thời đại vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên tiền tuyến lớn miền Nam'(1), tạo nên yếu tố quan trọng góp phần vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Khi mới mở, Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh chỉ là những con đường mòn, với phương thức vận tải thô sơ, gùi, thồ, mang vác là chủ yếu. Trước yêu cầu chi viện ngày càng lớn cho chiến trường, Đường Trường Sơn đã phát triển thành một hệ thống vận tải hoàn chỉnh bao gồm các trục dọc, trục ngang, đường tránh, kho tàng, bến bãi,… tiến lên vận tải cơ giới hiện đại, là tuyến chi viện chiến lược, hậu phương trực tiếp cho các chiến trường đánh Mỹ. Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh là nơi thể hiện ý chí thống nhất non sông, quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ của dân tộc Việt Nam.

Trong 16 năm, kể từ ngày ra đời đến khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử (1959-1975), các lực lượng trên Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đã đào đắp khoảng 21 triệu mét khối đất đá, làm 13.418m cầu, hơn 10.000 cống với 9,5 triệu ngày công, bảo đảm chi viện cho các chiến trường 1,5 triệu tấn hàng hóa quân sự, 5,5 triệu mét khối xăng dầu, đưa đón, bảo đảm hành quân cho hàng triệu lượt người qua lại(2). Đó là kết quả của sức mạnh tổng hợp để Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đi vào lịch sử như một huyền thoại, một kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, trong đó có kinh nghiệm về huy động sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước nhằm huy động cao độ sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) khẳng định: Để hoàn thành nhiệm vụ đấu tranh thống nhất nước nhà cần “động viên tất cả mọi nhân tố tích cực trong cả nước”(3). Điều đó được thể hiện cụ thể trong quá trình xây dựng và vận hành Đường Trường Sơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã dốc sức, tận lực, mang hết tài năng, trí tuệ để xây dựng tuyến chi viện đủ sức đảm nhận, hoàn thành nhiệm vụ vận tải chiến lược, đáp ứng yêu cầu, tình hình phát triển của chiến trường. Trên những cung đường có đầy đủ các lực lượng: Bộ đội, thanh niên xung phong, dân công, các lực lượng của dân, chính, đảng, của các ban ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, là sự đóng góp của nhân dân của các địa bàn nơi có tuyến đường đi qua,… tất cả đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng chung ý chí chiến đấu cho thắng lợi của cuộc kháng chiến, vì ngày thống nhất non sông. Niềm tin, ý chí đó đã khơi dậy tinh thần yêu nước, quyết tâm chiến đấu, giành chiến thắng; khơi dậy sức sáng tạo để vượt qua mọi khó khăn thử thách, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cá nhân, mỗi đơn vị, mỗi lực lượng,… tạo nên sức mạnh tổng hợp để làm nên “Đường Trường Sơn huyền thoại”, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Với đường lối đúng đắn, sáng tạo, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Đảng đã động viên sức mạnh của toàn dân, thống nhất hành động của cả hệ thống chính trị để tạo nên sức mạnh tổng hợp cho công cuộc xây dựng tuyến đường chi viện cho cách mạng miền Nam.

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, sức mạnh tổng hợp của đất nước có bước phát triển toàn diện, trên tầm cao mới, tạo thế và lực để đất nước giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Quan điểm xây dựng sức mạnh tổng hợp của Đảng trong thời kỳ mới là tận dụng, phát huy mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài. Trong đó, lấy nội lực là chính; lấy kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa,… làm nền tảng; lấy phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh theo đường lối chính trị đúng đắn của Đảng là điểm cốt lõi, nhân tố quyết định. Để thực hiện thành công mục tiêu trên cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước. Đây là thành tố đóng vai trò quyết định trong xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước. Theo đó, Đảng phải thực sự đoàn kết, thống nhất, trong sạch, vững mạnh và kiên quyết chống tham nhũng, ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tạo cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng luôn gần dân, chăm lo đến lợi ích của nhân dân, lắng nghe ý kiến chính đáng của nhân dân; trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân. Trong tình hình mới, Đảng phải nâng cao năng lực lãnh đạo cách mạng, năng lực cầm quyền,… bằng đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, sáng tạo, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Các cấp ủy đảng phải thường xuyên quan tâm thể chế hóa và thực hiện có hiệu quả quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách về xây dựng sức mạnh tổng hợp đất nước. Đối với Nhà nước, cần có cơ chế quản lý đất nước và các lĩnh vực của đời sống xã hội hợp lý, hiệu quả trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. Do đó, công tác giáo dục nhận thức và xây dựng ý thức chấp hành luật pháp cho nhân dân là vấn đề có tính quyết định. Muốn vậy, bộ máy nhà nước phải tinh, gọn, trong sạch, vì dân và không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu quản lý và xây dựng đất nước.

Hai là, huy động sức mạnh toàn dân, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Trong 16 năm hình thành và phát huy vai trò của tuyến chi viện chiến lược, từ đơn vị quy mô cấp tiểu đoàn, được tổ chức thành các “trạm đường dây”, với nhiệm vụ soi đường, dẫn quân, gùi thồ, luồn sâu qua các vùng địch chiếm, lực lượng vũ trang trên tuyến ngày càng phát triển thành những đơn vị binh chủng hợp thành với vận tải cơ giới, bộ binh, phòng không, công binh, thông tin và các lực lượng bảo đảm khác như quân y, nhân viên kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu chi viện của chiến trường ngày càng tăng, không gian chi viện ngày càng rộng, chiến thắng sự đánh phá, ngăn chặn quyết liệt của địch. Đến cuối cuộc chiến tranh, chỉ riêng Bộ đội Trường Sơn đã lên đến 100.495 người(4), được biên chế 8 sư đoàn binh chủng (4 sư đoàn công binh, 2 sư đoàn ô tô vận tải, 1 sư đoàn phòng không, 1 sư đoàn bộ binh), 1 đoàn chuyên gia cố vấn, 12 trung đoàn binh chủng (không kể 5 trung đoàn cao xạ và tên lửa do Bộ phối thuộc)(5). Đoàn 559 là đơn vị tương đương cấp quân khu do Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ đạo, trực thuộc Bộ tư lệnh 559 có 5 Bộ tư lệnh khu vực (470; 471; 472; 473; 571). Toàn bộ lực lượng được tổ chức thành hai bộ phận: Lực lượng cơ động là những đơn vị hợp thành, những đơn vị chuyên môn binh chủng thực hiện chiến dịch vận chuyển và đánh địch trên từng hướng hoặc vào những thời điểm quan trọng, phục vụ ý đồ chiến lược chung. Lực lượng tại chỗ là những binh trạm với các bộ phận binh chủng và lực lượng phục vụ, đảm nhiệm công tác chiến đấu, vận chuyển bảo vệ giao thông, bảo đảm hành quân,… trên từng cung chặng được giao. Giữa các bộ phận lực lượng có sự liên quan chặt chẽ, hỗ trợ, phối hợp và dưới sự lãnh đạo, chỉ huy tập trung thống nhất. Các lực lượng đều lấy việc vận chuyển, mở đường, bảo đảm hành quân là nhiệm vụ quan trọng, trong đó có nhiệm vụ vận chuyển làm trung tâm. Với sự phát triển và tổ chức lực lượng chặt chẽ, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từ gùi thồ, vận chuyển thô sơ tiến lên vận chuyển cơ giới, đường ống hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chiến trường. Để thực hiện nhiệm vụ trung tâm là vận chuyển chi viện chiến lược, Bộ đội Trường Sơn đã chiến đấu “trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng hơn 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch”(6).

Thực tiễn của Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ khẳng định: Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, lực lượng chủ công trong phát huy sức mạnh tổng hợp, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc luôn là yêu cầu tất yếu trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta càng phải coi trọng nâng cao sức mạnh tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang ba thứ quân trong thế trận chiến tranh nhân dân. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", có lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, bảo đảm cho quân đội là lực lượng tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Chúng ta cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Điều chỉnh tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2016-2021 và những năm tiếp theo" và "Chiến lược trang bị cho quân đội đến năm 2025", nhằm xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”. Chú trọng thực hiện tốt việc đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết số 765-NQ/QUTW ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân trong tình hình mới; trong đó, chú trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành là chính. Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao chất lượng công tác hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng, đảm bảo tốt cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác. Cùng với đó, chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học quân sự, khoa học kỹ thuật quân sự, nhân văn quân sự… nhằm phát triển nền nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng cả trên bình diện song phương và đa phương, bảo đảm sự hợp tác trên lĩnh vực này đi vào chiều sâu, thực chất, tạo thế đan xen lợi ích vững chắc, góp phần xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với các nước, giữ vững môi trường hòa bình để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Ba là, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Để hoàn thành nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường, Bộ đội Trường Sơn cùng các lực lượng đã xây dựng tuyến vận tải với chiều dài 20.330km, với 6 trục dọc, 21 trục ngang, 1.399km đường ống xăng dầu, 14.000km đường thông tin hữu tuyến và thiết bị tiếp sức, trải rộng trên 400.000km vuông của 21 tỉnh của Việt Nam, Lào và Campuchia(7), đường Trường Sơn trở thành “trận đồ bát quái”, là nơi bộ đội và các lực lượng trên tuyến đã dựa vào thế thiên hiểm của núi rừng Trường Sơn và các bản làng của đồng bào dân tộc, sử dụng nhiều loại vũ khí, áp dụng nhiều phương án vừa đánh địch, vừa mở đường, vượt qua mọi thủ đoạn ngăn chặn của địch, chuyển hàng đến đích. Với phương châm “địch cứ đánh, ta cứ đi”, bộ đội công binh, thanh niên xung phong là lực lượng tại chỗ luôn bảo đảm thông suốt tuyến đường cho bộ đội vận tải cơ động. Bộ đội vận tải kết hợp đường “kín” với đường “hở” thay nhau chạy cả ban ngày và ban đêm là một sáng tạo độc đáo mà địch không thể nào ngăn chặn nổi. Ngoài ra, các lực lượng phòng không tích cực bắn máy bay để bảo vệ lực lượng, đội hình cơ động; lực lượng giao liên, thông tin, quân y… cũng hợp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác vừa đánh địch, vừa phục vụ cho giao thông vận tải thông suốt.

Từ kinh nghiệm này đòi hỏi chúng ta phải xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân một cách linh hoạt, hiệu quả, buộc địch phải phân tán lực lượng khi tiến công. Đồng thời, ta phải bố trí lực lượng hợp lý để tiến hành chiến tranh và hoạt động tác chiến, nhằm bảo đảm ở đâu cũng có lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho toàn dân tham gia đánh giặc với mọi thứ vũ khí trang bị, đánh địch mọi lúc, mọi nơi làm cho đối phương phải đánh theo cách đánh của ta dẫn đến mất quyền chủ động tiến công. Tuy nhiên, việc bố trí lực lượng phải theo kế hoạch thống nhất, đáp ứng mọi hoàn cảnh, có trọng tâm, trọng điểm tại những địa bàn trọng yếu. Trên cơ sở thế trận chiến tranh nhân dân, cần phát huy sức sáng tạo, linh hoạt của các lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân, thế mạnh của các địa phương, vùng miền, tận dụng mọi thứ vũ khí từ thô sơ đến hiện đại nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn nhất; đồng thời cũng dự kiến đầy đủ các thủ đoạn đánh phá của địch để có phương án phòng tránh đánh trả phù hợp. Có kế hoạch huấn luyện toàn diện về phòng thủ dân sự, phòng tránh đánh trả vũ khí công nghệ cao, sát thương hàng loạt của địch để chủ động tạo ra thế trận liên hoàn, vững chắc, sâu rộng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm phạm độc lập chủ quyền của các thế lực địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Bốn là, kết hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp thực hiện thành công nhiệm vụ chiến lược.

Đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng không chỉ phát huy tối đa sức mạnh toàn dân tộc mà còn tranh thủ được sự giúp đỡ, phối hợp của các nước xã hội chủ nghĩa, của bạn bè quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng, phát triển Tuyến chi viện chiến lược 559. Hầu hết các phương tiện vận tải, xe máy công trình, đường ống xăng dầu, vũ khí chiến đấu… có được là nhờ vào sự viện trợ của các nước anh em. Đặc biệt, do nhận thức được vai trò của tuyến chi viện chiến lược đối với liên minh chiến đấu của ba nước Đông Dương, hai nước Lào và Campuchia đã thống nhất với ta mở đường vận chuyển qua nước bạn; đồng thời phối hợp chặt chẽ trong việc mở và bảo vệ đường trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ. Không chỉ giúp ta về mặt vật chất, bạn bè, anh em trên thế giới còn luôn dõi theo những chiến thắng trên Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn thử thách, giữ vững mạch máu giao thông, chi viện kịp thời cho chiến trường. Sức mạnh từ sự chi viện của các nước xã hội chủ nghĩa, từ nhân dân Lào, Campuchia anh em đã góp phần tạo nên sức sống mãnh liệt, phi thường của Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, phát huy sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại cũng là một thành tố quan trọng trong xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước. Trong đó, sức mạnh toàn dân tộc là quyết định, nội lực là chủ yếu nhưng không thể coi nhẹ sức mạnh thời đại. Trên cơ sở nhận thức, đánh giá đúng xu thế của thời đại và cục diện thế giới, khu vực, cần triệt để tận dụng, khai thác thời cơ, vận hội từ bên ngoài để xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc gia; đồng thời, có các giải pháp hợp lý, hạn chế tác động từ những thách thức của tình hình thế giới, khu vực đối với đất nước. Do vậy, cần thực hiện tốt đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các nước trong cộng đồng quốc tế, nhất là các nước láng giềng, các nước trong khu vực, bạn bè truyền thống, nước lớn. Vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng về xác định đối tượng, đối tác trong quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế theo hướng “thêm bạn, bớt thù”; đồng thời, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây là nhiệm vụ rất cần thiết trong tình hình hiện nay trước âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của các thế lực thù địch hòng làm giảm sức mạnh tổng hợp của đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đồng chí Lê Duẩn-Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam-Bắc thống nhất nước nhà, là con đường của tương lai giàu có của đất nước ta. Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc của ba nước Đông Dương”(8). Sức mạnh tổng hợp của dân tộc, của thời đại đã làm nên kỳ tích Đường Trường Sơn, lập nên huyền thoại của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đã để lại nhiều kinh nghiệm quý, trong đó có kinh nghiệm về phát huy sức mạnh tổng hợp, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thượng tướng LÊ CHIÊM, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

---------

1. Ban Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr.228.

2. Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tập IX, Tính chất, đặc điểm, tầm vóc và bài học lịch sử, Nxb CTQG, Hà Nội, 2013, tr.456.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 20, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr.67.

4. Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử quân sự Việt Nam,Tập 12, Những nhân tố hợp thành sức mạnh Việt Nam thắng Mỹ, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr.175-176.

5. Lịch sử Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, Hà Nội, 1999, tr.674.

6. Đường Hồ Chí Minh-Khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, Nxb QĐND, Hà Nội, 2010, tr.23.

7. Bộ tư lệnh Binh đoàn 12-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Đường Hồ Chí Minh-Một sáng tạo chiến lược của Đảng, Nxb QĐND, Hà Nội, 1999, tr.502.

8. Bút tích của Tổng Bí thư Lê Duẩn trong Sổ vàng truyền thống Bộ đội Trường Sơn. (In trong: Lịch sử Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, Hà Nội, 1999).

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/van-dung-bai-hoc-phat-huy-suc-manh-tong-hop-trong-xay-dung-tuyen-chi-vien-chien-luoc-559-duong-truong-son-vao-su-nghiep-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-hien-nay-573952