Vận động vì sức khỏe

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu vận động thể lực là một trong bốn nguy cơ hàng đầu gây chết người trên toàn cầu. Vận động thể lực đầy đủ sẽ giúp giảm 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân; giảm từ 20 đến 40% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư đại trực tràng và ung thư vú ở phụ nữ; giảm nguy cơ mắc trầm cảm, phòng ngừa bệnh loãng xương, cải thiện trí nhớ và giúp kiểm soát cân nặng...

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu vận động thể lực là một trong bốn nguy cơ hàng đầu gây chết người trên toàn cầu. Vận động thể lực đầy đủ sẽ giúp giảm 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân; giảm từ 20 đến 40% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư đại trực tràng và ung thư vú ở phụ nữ; giảm nguy cơ mắc trầm cảm, phòng ngừa bệnh loãng xương, cải thiện trí nhớ và giúp kiểm soát cân nặng...

Thế nhưng ở Việt Nam hiện nay, khoảng 30% số người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Đây được cho là một trong những yếu tố làm gia tăng nhanh gánh nặng bệnh không lây nhiễm. Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, các bệnh không lây nhiễm (bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh mạn tính về đường hô hấp…) đang là nguyên nhân của 73% số ca tử vong hằng năm.

Nhằm góp phần phòng, chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương đã có những giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa có tính lâu dài. Ngày 2-9-2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam, với hàng loạt giải pháp cụ thể, trong đó, vận động thể lực là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Ngành y tế là đơn vị gương mẫu, tiên phong khi sớm có chỉ thị yêu cầu các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong toàn ngành nghiêm túc tổ chức phát động và triển khai tập thể dục sao cho phù hợp đặc thù công việc của cơ quan, đơn vị; bao gồm: Tập trong lúc giải lao của các buổi họp, giao ban; tập lúc giải lao buổi sáng, buổi chiều trong giờ làm việc...

Thời gian qua, nhiều hoạt động nâng cao sức khỏe, nhận thức, thực hành của mỗi người dân để tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng, được tổ chức tại nhiều địa phương trong cả nước với quy mô và cách thức đa dạng, phong phú. Hy vọng, những hoạt động tích cực nêu trên không chỉ dừng ở lễ phát động hay các đợt tuyên truyền, mà tạo ra sự chuyển biến thật sự từ nhận thức đến hành động, tạo thành phong trào rộng khắp với sự tham gia của đông đảo người dân.

Mỗi người cần chung tay và thực hiện các hành động thiết thực cho sức khỏe bản thân, như tăng cường vận động, tập thể dục giữa giờ; đi bộ khoảng 10 nghìn bước chân mỗi ngày; loại bỏ những thói quen có hại cho sức khỏe; ăn giảm muối, đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây; không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu, bia… Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới phối hợp xây dựng bài tập thể dục giữa giờ, thời lượng chỉ có ba phút nhưng được đánh giá khá đầy đủ các động tác giúp người tập có thể thực hiện hiệu quả, nâng cao sức khỏe. Các chuyên gia tim mạch cũng khuyến cáo nên vận động hằng ngày từ 30 đến 60 phút, ưu tiên các bộ môn đi bộ nhanh, bơi... Bên cạnh đó, để góp phần phát triển tầm vóc, thể lực; ngoài việc chăm vận động thì các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích mọi người nên xây dựng thêm chế độ dinh dưỡng hợp lý để phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm.

Các bộ, ngành liên quan cần tăng cường sự tham gia, phối hợp để xây dựng môi trường sống tích cực, chủ động rèn luyện sức khỏe, giảm thiểu các nguy cơ cho người dân và cộng đồng; bảo đảm mọi người dân được quản lý, theo dõi sức khỏe liên tục để dự phòng, phát hiện sớm và điều trị, chăm sóc sức khỏe toàn diện, hiệu quả.

MINH HOÀNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/40307302-van-dong-vi-suc-khoe.html