Vận động nguồn lực thực hiện công tác Hội

Để đa dạng hóa các hoạt động Hội và phong trào phụ nữ, thu hút, giúp đỡ được nhiều chị em phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống thì một trong những nhiệm vụ then chốt được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh thực hiện là huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đặc biệt các dự án phi chính phủ. Nhờ đó đã có nhiều chương trình, đề án được Hội LHPN tỉnh kêu gọi, phối hợp thực hiện, phát huy hiệu quả.

Trẻ em dân tộc Mông xóm Tam Va, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) trong một buổi tham gia sinh hoạt nhóm (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Trẻ em dân tộc Mông xóm Tam Va, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) trong một buổi tham gia sinh hoạt nhóm (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Dự án “Củng cố tổ chức Hội phụ nữ trong việc thúc đẩy các quyền của trẻ em ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và trẻ em dân tộc Mông huyện Đồng Hỷ” do tổ chức Adoptionscentrum (AC) Thụy Điển tại Việt Nam tài trợ là một ví dụ. Dự án triển khai tại Thái Nguyên từ năm 2017, với kinh phí 600 triệu đồng, đối tượng chính là trẻ em nhiễm HIV và trẻ em dân tộc Mông tại xã Văn Lăng, Đồng Hỷ.

Chị Thân Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Lăng cho biết: Xã có 60 em, chủ yếu là dân tộc Mông hưởng lợi từ Dự án, chia thành 2 CLB Trẻ em dân tộc thiểu số ở 2 nhóm (nhóm học cấp 1) và nhóm học cấp 2. Tham gia dự án, phụ huynh đặc biệt là trẻ em của CLB duy trì sinh hoạt hàng tháng với nội dung chính như: Đối thoại về quyền trẻ em, đảm bảo các khu vui chơi, thực hiện chính sách BHXH, BHYT và các chính sách liên quan đến trẻ em tại địa phương; truyền thông cho các em và cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ về phòng chống xâm hại tình dục, giáo dục giới tính; các kỹ năng lập kế hoạch, quản lý thời gian, làm việc nhóm, giữ gìn vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh...

Sau 4 năm thực hiện dự án đã mang lại nhiều thay đổi cho các em. Chị Trần Thị Thu Hạnh, Trưởng Ban Tuyên giáo - Chính sách luật pháp (Hội LHPN tỉnh), người phụ trách dự án chia sẻ: “Trẻ em ở đây đặc biệt là các em dân tộc Mông rất ngại tiếp xúc, rụt rè. Do vậy khi mới triển khai chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong nói chuyện, vận động các em tham gia tập huấn. Trải qua nhiều hoạt động vui chơi, sinh hoạt tập thể, tập huấn kỹ năng, đến nay các em là đã bạo dạn, tự tin hơn trong giao tiếp với mọi người, dám đứng lên chia sẻ suy nghĩ của mình và có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường”. Khi chúng tôi thực tế tại xã có chuẩn bị một ít quà cho các em. Vừa nói chuyện với chúng tôi, em Đào Thị Ngọt, 12 tuổi, xóm Tam Va nhanh nhảu cùng các bạn tự giác dọn ngay những vỏ rác từ kem và bánh kẹo vào túi ni lông. Ngọt nói: Tham gia các buổi sinh hoạt cháu thấy rất vui và bổ ích, giờ ngoài việc học ra, cháu biết giúp bố mẹ nấu cơm, hái chè, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ.

Cùng với Dự án AC của Thụy Điển, trong giai đoạn 2015-2020 đã có trên 10 dự án phi chính phủ được Hội vận động, kết nối thực hiện thành công, qua đó mang lại nhiều quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Riêng năm 2020, Hội đã huy động được trên 33 tỷ đồng và 110 triệu USD từ các nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các nhiệm vụ công tác hội tiêu biểu là: Dự án “Ngôi làng hy vọng” của tổ chức GCS Hàn Quốc tài trợ 7 tỷ đồng đề giúp hội viên phụ nữ nghèo vay vốn nuôi trâu phát triển kinh tế; kết nối với Công ty TNHH MDA E&C Hàn Quốc xây dựng dự án khu nhà ở sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng tại khu vực hồ Suối Lạnh (thị xã Phổ Yên); Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và tiến trình kinh doanh” do Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới (Đức) tài trợ 4,78 tỷ đồng… Nhiều mô hình, dự án sau khi kết thúc được duy trì và phát triển bền vững, nhiều vấn đề được xã hội quan tâm được tháo gỡ như: giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, chống kỳ thị, tạo cơ hội cho người nhiễm H. vươn lên, nâng cao nhận thức, hành vi của người dân về các lĩnh vực đời sống, xã hội… Qua đó đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cán bộ, hội viên và người dân tại các địa bàn hưởng lợi.

Đồng chí Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Bên cạnh vận động các nguồn lực “tại chỗ” từ mỗi cán bộ, hội viên, cộng đồng, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các ban, ngành để phục vụ cho công tác Hội và phong trào phụ nữ thì việc vận động các nguồn lực ở nước ngoài được Hội coi trọng. Để làm được điều này, Hội luôn chủ động trong việc tiếp cận với các nhà tài trợ, bám sát vào thực tiễn tìm ra vấn đề nóng đang đặt ra với phụ nữ, người dân mà các đối tác quan tâm. Từ đó xây dựng đề xuất ý tưởng, chương trình, dự án để vận động bạn bè quốc tế hỗ trợ phụ nữ nhiều hơn ở các lĩnh vực; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức để thực hiện các mục tiêu đề ra tại nơi hưởng lợi…

Trong bối cảnh hiện nay, khi cơ chế quản lý tài chính ngày càng thắt chặt, kinh phí ngân sách chi cho các hoạt động thường xuyên ngày cảng giảm, việc tìm ra nguồn lực duy trì hoạt động Hội càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Đây cũng là hoạt động nhằm nâng cao công tác đối ngoại, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội và thúc đẩy công tác bình đẳng giới của tỉnh.

Lưu Phượng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/xa-hoi/van-dong-nguon-luc-thuc-hien-cong-tac-hoi-287116-85.html