Vận động để tăng cường nguồn tạng hiến tặng tại Việt Nam

Sáng 12-12, tại Hà Giang, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) phối hợp UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo 'Thực trạng, nhu cầu và giải pháp tăng cường nguồn tạng hiến tặng tại Việt Nam'.

Hiện nay nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam khá lớn, số ca ghép tạng tại Việt Nam ngày càng tăng lên. Theo thống kê của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, từ tháng 6-2013 đến ngày 30-11-2020, cả nước ghép được 5.473 ca nhưng những kết quả, thành công đạt được mới chỉ là bước đi ban đầu. Thực tế, nhu cầu ghép mô, tạng ở nước ta rất lớn nhưng số lượng người hiến tạng tại Việt Nam lại ít và khan hiếm. Điều đáng nói là, trong khi ở các nước phát triển, có tới hơn 90% nguồn cung cấp mô, tạng là từ các bệnh nhân chết não, chết tuần hoàn, thì ở Việt Nam nguồn mô tạng chủ yếu vẫn từ người cho sống.

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng ban chăm sóc bảo vệ sức khỏe Trung ương, Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn, trình độ ghép tạng của Việt Nam đã được bạn bè quốc tế ghi nhận, ngang tầm với các nước trong khu vực. Đó là sự nỗ lực lâu dài của nhiều thế hệ, của những y bác sĩ có trình độ tay nghề cao, tâm huyết. Tuy nhiên, do "quan điểm chết toàn thây" còn khá nặng nề trong tư tưởng của nhiều người dân, một số lại do mặc cảm và sợ tai tiếng (sợ tai tiếng bán nội tạng người thân) nên nhiều người không có ý định hiến mô, tạng sau khi họ hoặc người thân của họ qua đời dù trên thực tế, hầu hết các tôn giáo đều ủng hộ việc hiến tạng cứu người. Việc cho tạng để cứu sống người khác là hành động cao nhất của tấm lòng từ thiện. Chết là trở về với cát bụi nhưng cho đi là còn mãi. Với sự vào cuộc của truyền thông, đặc biệt là sự thành công của hàng loạt ca ghép tạng những năm gần đây, như các ca ghép đa tạng xuyên Việt đã gây tiếng vang lớn trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam và thế giới, nhận thức về việc hiến tạng trong phần đông người dân Việt Nam đã có sự thay đổi.

Một ca ghép gan tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh:BVCC

Chia sẻ tại hội thảo, GS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, để thực hiện thành công ca ghép tạng cần có 4 yếu tố: Chuẩn bị người cho, chuẩn bị người nhận, chuẩn bị nhân lực kỹ thuật, theo dõi và chăm sóc sau ghép. Nhưng trên thực tế, khâu người hiến tặng mô, tạng đang là vấn đề lớn của ngành ghép tạng, nhiều người vẫn không bỏ qua được suy nghĩ lạc hậu. Mỗi năm, Việt Nam có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó, một tỉ lệ không nhỏ là người chết não, nên tạng của họ có thể cứu sống rất nhiều người khác. Hiện nay, trong danh sách đăng ký chờ ghép tạng trên phần mềm quản lý của Trung tâm tính đến ngày 6-12-2020, hiện có 2.524 trường hợp đăng ký chờ ghép. Tạng ghép ở Việt Nam vẫn chủ yếu từ người cho sống, chứ rất ít được ghép từ người chết não. Đây là điều nghịch lý so với ở nước ngoài, khi hầu hết các ca ghép tạng đều từ người chết não. GS, TS Nguyễn Hồng Sơn cũng cho ví dụ như tại Mỹ, thông tin của người đăng ký hiến tạng sẽ được tích hợp vào bằng lái xe và khi chẳng may bị chết não, bác sĩ có quyền lấy tạng theo nội dung đã đăng ký mà không phụ thuộc và nguyện vọng của gia đình. Áp dụng quy định này vào sẽ tránh được khó khăn có thể xảy ra do gia đình người tử nạn có người đồng ý, có người không vào lúc gia đình có người tử nạn.

GS, TS Nguyễn Hồng Sơn mong muốn thời gian tới, hội đồng chẩn đoán chết não di động trong phạm vi toàn quốc (chia theo 3 miền) sẽ hoạt động tích cực hơn nhằm phục vụ cho công tác chẩn đoán chết não tại các cơ sở y tế chưa có đủ điều kiện để thành lập hội đồng chẩn đoán chết não của cơ sở, tránh trường hợp bỏ sót người hiến tạng chết não tiềm năng. Đồng thời, thành lập các đội lấy tạng di động trong phạm vi toàn quốc (chia theo từng khu vực) nhằm phục vụ cho công tác lấy các mô, tạng từ người hiến tạng tại các cơ sở y tế không có đủ khả năng thực hiện việc lấy mô, tạng từ người hiến theo quy định của Bộ Y tế, tránh việc lãng phí nguồn mô tạng.

Tin, ảnh: HÀ VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/van-dong-de-tang-cuong-nguon-tang-hien-tang-tai-viet-nam-646394