Vận động các gia đình tự loại bỏ phế liệu, phế thải còn đọng nước

Đó là chỉ đạo của PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đối với công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Thường Tín qua làm việc với UBND huyện và kiểm tra trực tiếp công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn xã Vạn Điểm.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra dụng cụ chứa nước của một hộ gia đình tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín. Ảnh: VL

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra dụng cụ chứa nước của một hộ gia đình tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín. Ảnh: VL

Theo báo cáo của UBND huyện Thường Tín, tính đến ngày 7/8, toàn huyện Thường Tín ghi nhận 141 ca mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân tập trung chủ yếu tạo các xã: Tiền Phong 49 ca, Vạn Điểm 33 ca, Nguyễn Trãi 18 ca, Minh Cường 5 ca, Hiền Giang 4 ca, Văn Phú 4 ca, số mắc còn lại rải rác tại các xã, thị trấn, không có ca tử vong do sốt xuất huyết.

Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng trong những tuần gần đây. Kết quả giám sát chỉ số bọ gậy khi tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường trong tháng 6/2019 ở các xã có dịch còn cao như Tiền Phong, Nguyễn Trãi, Minh Cường, Vạn Điểm, Hiền Giang.

Thêm vào đó, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng thất thường dẫn đến nhiều nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất trên diện rộng nếu như huyện không có các biện pháp phòng chống dịch tích cực.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra trực tiếp tại các điểm: công trường xây dựng nhà dân xã Vạn Điểm, công trường xây dựng của UBND xã Vạn Điểm, khu nghĩa trang Vạn Điểm và Trường THCS Vạn Điểm.

Kết quả, tại các bể chứa nước ngoài trời, người dân đã có ý thức trong việc che màn cho các bể chứa nước, téc nước, ngăn không cho muỗi vào đẻ trứng, sinh sản và phát triển. Đồng thời, thả cá vào các dụng cụ chứa nước, thu gom phế thải không cho nước mưa tồn đọng. Xã Vạn Điểm cũng tiến hành phun hóa chất 6 đợt với 498/504 hộ được phun (đạt 98,8%).

Tuy nhiên, vẫn còn một số bể nước ngầm không được đậy kín. Hiện tượng chai, lọ, bát đĩa, đường ống nước, lọ hoa ngoài trời… tồn đọng nước mưa có ổ bọ gây, nếu không được xử lý ngay đây sẽ là nguồn truyền bệnh sốt xuất huyết.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có 1.802 ca mắc sốt xuất huyết. Riêng đối với huyện Thường Tín, tất cả các biện pháp từ chỉ đạo điều hành, thông tin tuyên truyền, ra quân vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi, giám sát ca bệnh, ổ dịch… được huyện thực hiện liên tục trong thời gian qua.

Huyện cần xem lại cách thức triển khai để rút kinh nghiệm, thực hiện phù hợp hơn với đặc điểm địa lý, đời sống và thực tế sinh hoạt làng nghề của từng xã, thị trấn.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh đề nghị huyện và các ban ngành, đoàn thể cần tập trung tuyên truyền, vận động các gia đình tự giác loại bỏ phế liệu, phế thải còn đọng nước. Công tác giám sát, xử lý dịch cần xác định rõ tại mỗi xã, thị trấn có những dụng cụ nào chứa nhiều bọ gậy nhất, thống kê cụ thể từng loại bể nước, sau đó hướng dẫn người dân các biện pháp thau rửa, thả cá, che màn cho các bể chứa nước, tránh tình trạng làm đại trà, chung chung mà cần làm đến đâu triệt để đến đó.

Đối với công tác phun hóa chất diệt muỗi cần khoanh vùng số hộ gia đình, các bãi đất trống, nghĩa trang, công trường xây dựng, đình chùa, chợ, để sử dụng các biện pháp phun hợp lý. Đặc biệt, tất cả các trường học trên địa bàn huyện cần được vệ sinh môi trường, loại bỏ dụng cụ chứa nước không cần thiết và phun hóa chất diệt muỗi trước khi bước vào năm học mới.

Việc phát hiện ca bệnh cần được tiến hành ngay từ trường hợp đầu tiên để xử lý dứt điểm. Các trạm y tế xã, thị trấn cần có hướng dẫn người dân nhận biết các dấu hiệu, cảnh báo khi mắc sốt xuất huyết, tránh để tình trạng người dân tự ý truyền dịch điều trị.

Cần khẩn trương hoàn thành đề án phòng chống sốt xuất huyết trình HĐND TP phê duyệt để đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng chống sốt xuất huyết về lâu dài.

Lê Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/van-dong-cac-gia-dinh-tu-loai-bo-phe-lieu-phe-thai-con-dong-nuoc_t114c9n152451